F TẾT VỀ THIẾU MỘT CÀNH NÊU ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


TẾT VỀ THIẾU MỘT CÀNH NÊU

Ký ức Tết trong tôi: Tết về thiếu một cành Nêu

Ngày nhỏ, tôi thường quấn quýt bên ông ngoại, cái tính trẻ con nên thấy gì cũng tò mò, hỏi vặt. Những câu hỏi kéo dài không dứt, từ chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia. Ấy thế mà, lúc nào ông cũng cười hiền giải đáp. Ví như cái dạo tôi núp sau bờ rào, lén nhìn cái sào đầy màu sắc bên sân nhà hàng xóm. Ông lại gọi về, hồ hởi bảo “Ngó làm gì con, nhà mình cũng dựng cành Nêu ngay mà!”

Thiếu thời năm ấy, tôi chẳng biết cành Nêu dựng để làm gì, nhưng trong làng nhà nào cũng phải dựng. Thậm chí, ông còn quả quyết, Tết về mà không thấy Nêu, dưa hành kèm thịt mỡ, thì có bánh chưng xanh cũng chẳng gọi là Tết. Thế rồi, khi ngọn gió mùa lùa qua ngõ ngách, nhánh đào phai lún phún điểm thêm hồng, tháp chùa rung lên tiếng chuông rằm tháng Chạp, vị sư già mở cửa cổng tam quan. Ông nhẩm tính đếm bao ngày đến Tết, để dựng Nêu kịp tiễn Táo đi chầu...

Ảnh minh họa: IT

Nêu theo phong tục làng tôi là thân cây tre cao tầm 5 – 6 mét, còn nguyên ngọn đổ cong, cành lá phải được cắt tỉa gọn gàng và trang trí thật bắt mắt. Vậy nên, tôi đâu ngạc nhiên gì khi mà riêng chọn thân Nêu dẫu mất cả ngày vẫn chưa vừa ý. Ông tôi lại cầu kỳ, tỉ mỉ, vừa đến độ hai mươi đã dẫn bác băng qua từng bờ bụi, tìm những bụi tre góa tươi màu xanh thẫm. Nhớ đợt tôi thắc mắc sao không chặt đại một cây, ông mới cẩn thận giảng giải. Nêu đại diện cho gia đình, cốt cách và nề nếp. Người ta nhìn thân Nêu, nếu thân thẳng trang trí đẹp đẽ thì nhà ấy hẳn là chính trực, không luồn cúi tiểu nhân và ngược lại.

Nghe thật mông lung, nhưng làng tôi là vậy. Trông mặt mà bắt hình dong vốn đã thành quan niệm cố hữu. Chỉ thoáng qua thôi cũng đoán định ban đầu. Giống như ngọn Nêu làm qua loa không đúng phong tục hay cải biên quá thể thì chắc chắn bị chê cười khắp xóm. Buổi làm Nêu nhà quây quần sum họp. Người với người không ai bảo ai mà tụm nhau xúm lại, cắt giấy, vẽ câu đối, đan bầu rượu, rồi lẩm bẩm vài câu ca quen thuộc:

Nêu ơi! Nêu à!

vắt vẻo đầu nhà

gắn đèn lồng đỏ

bùa vàng xung quanh

đưa đường tiên tổ

chấn đuổi tà ma…

Lời xưa truyền lại, làng tôi trước kia là vùng giáp biển, ma quỷ hoành hành, Phật thương dân lành bèn hóa phép để áo cà sa phủ dài bờ cõi, dẫn dân ta đánh đuổi bầy quỷ dữ. Trước khi đi, quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.

Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. Trên Nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa quỷ.

Năm nào làm Nêu ông cũng kể câu chuyện cổ xưa ấy, nhắc đi, nhắc lại với sấp nhỏ chúng tôi rằng, ngọn Nêu truyền thống bao giờ cũng treo một vòng tròn nhỏ, buộc đủ thứ khác nhau như vàng mã, các lá bùa trừ tà, nhánh xương rồng, cành lá dứa, bầu rượu bện rơm, giỏ tre, cá chép… Ngoài ra thêm khánh đất hoặc chuông gió, tiếng leng keng vang hoài theo gió, cuốn hết những dư âm ồn ào năm cũ, để đón một năm an lành thịnh vượng.

Ngày lên Nêu vội tiễn Táo đi chầu, sớm 23 đã reo hèo í ới. Ông tôi chỉ đạo mấy bác cậu chôn cây ngoài đầu cổng. Quanh thân quấn dây cờ tam giác, đứng sừng sững giữa trời sương gió như một vị thần thủ hộ khiến lòng người an tâm. Nêu che chở cho người ta vui Xuân, đón Tết. Suốt 23 tháng Chạp đến tận mùng 7 tháng Giêng âm lịch mới hạ xuống đón Táo vào nhà. Xong xuôi mọi việc, con cháu quây quần làm cơm, chúc rượu. Ông tôi vui cười dặn năm tới lại thế này.

Chỉ là, năm sau hoa đào nở, giấy thơm mùi mực mới nhưng ông đã không còn...

Mưa tháng năm dắt ông về với tiên tổ, ôm theo cả những hoài niệm ngóng trông về cái buổi làm Nêu sau này. Dù bác tôi vẫn dương Nêu tháng Chạp, song ồn ào với cậu mà chẳng vui.

Làng bắt đầu hội nhập, người ta bỏ dần những tập tục rườm rà, bớt đi cả niềm vui hội hè. Nêu khuất lại sau mái nhà đỏ chói, chen chúc với đào, mai rồi lay lắt qua ngày. Ngay cậu tôi cũng bảo dựng làm gì, phiền phức, mất thời gian. Mặc bác tôi một lòng kiên quyết, rượu ngà ngà, bật khóc chợt thốt lên: Nhà có làm Nêu mới đoàn kết, thân tình.

Có lẽ, bác tôi cũng như ông, trồng Nêu chưa chắc vì tin nghĩa quỷ thần. Nhưng, nhớ nhung cái cảnh gia đình đoàn tụ, chung tay đồng lòng hoàn thành một việc gì đó mà dựng Nêu làm cớ. Kéo con cháu xa gần, đi đâu còn ghé lại, nhớ Tết về vui họp buổi đoàn viên.

Ông mất, bác còn, Nêu vẫn đứng

Vắng Nêu, ông mất, bác không còn...

Hôm rồi về quê, mẹ bảo bác sắp mất. U não ngược dòng mang bác làm con trẻ, gặp ai cũng cười hềnh hệch. Mẹ ngồi buồn xoa chân giúp mới hỏi, thế Tết này anh có dựng Nêu không?

Bác tôi lắp bắp, tiếng “có” chẳng thành câu. Rồi Xuân về xốn xang ngoài ngõ nhỏ, bóng đào mai khoe sắng thắm trong nhà. Tôi vẫn vui, dẫn vợ sang chúc bác, nhưng Tết này... thiếu vắng một cành Nêu.

Lê Ngọc