Ký ức Tết trong
tôi: Quây quần bên bếp lửa hồng
Khi tôi đặt tay
viết lên những dòng chữ này, Tết Canh Tý đã đến. Ở nơi đây, mưa đang mau hạt,
tiếng mưa mỗi lúc một to hơn, mau hơn nhưng ký ức trong tôi lại là sự quây quần
bên bếp lửa hồng.
Cũng đã 20 cái Tết trôi qua, tính
từ khi tôi chưa có nhận thức về Tết đến khi tôi dần trưởng thành. Còn nhớ ngày
bé, mới chỉ từ 5 tới 10 năm đổ về trước, vào những lúc như này tôi đang háo hức
lắm, à không, đúng hơn là tôi đã háo hức chờ đón năm mới từ ngày 23 âm, từ khi
gia đình làm cỗ ông Công ông Táo.
Hồi
xưa, đi học tụi con nít với nhau đếm từng tiết một để mong được nghỉ Tết, rồi
cùng dắt nhau đi những phiên chợ Tết, 26 này, 28 cả 30 nữa, đó là phiên chợ chỗ
tôi. Hưm, ngày đó mỗi khi bước vào chợ Tết là tôi thấy niềm hân hoan, háo hức
đón Tết của mọi người, từ các cô, chú, các bác bán hàng, đến những người đi mua
đồ Tết, hay đặc biệt là tụi con nít chúng tôi.
Quây quần
bên bếp lửa gợi nhớ ký ức ngày Tết của nhiều người. Ảnh minh họa
Đi
vòng vòng quanh chợ, ngắm từ hàng hoa, hàng quần áo, hàng đồ chơi nè, xong mấy
đứa dắt nhau ra mua đồ ăn vặt. Cảm giác lúc ấy thực sự khiến tôi nhớ lại
cũng thấy rất vui. Ngày đó, được bố mẹ hay ông bà cho 30 nghìn hay 50 nghìn đi
chợ là vui lắm rồi, ăn vặt sẽ hết 5 nghìn, đến 10 nghìn, xong sẽ mua lợn đất,
hay búp bê, rồi con sơn móng tay nữa.
Tết
xưa vui lắm, đó là câu mà giờ mọi người hay nói với nhau. Không biết là vì con
người ngày xưa khác hay do cảm nhận về Tết khác. Ngày xưa, chúng ta chuẩn bị
cho ngày Tết từ rất sớm. Trẻ con được cho đi mua đồ tết từ những phiên chợ đầu,
người lớn tất bật ngồi gói bánh chưng, rồi cả nhà sẽ cùng quây quần bên bếp lửa
hồng, có thêm vài củ khoai nướng nữa là cười ríu rít cả ngày.
Nhưng nhìn lại Tết nay, mọi người
đều tất bật với công việc của mình, có những người sẽ làm hết 28 Tết, có người
Tết xa quê.
Truyền
thống gói bánh chưng ngày Tết dần nhạt đi, mọi người coi bánh chưng là thứ đồ
không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, nhưng chuyện bánh chưng được tự làm hay
mua không còn quan trọng nữa, bởi mọi người bây giờ đều bận bịu với công việc
hơn, thời gian dành cho Tết cũng ít hơn.
Điều
khiến tôi nhớ nhất về Tết đó là khi được ở cạnh bố những lúc giao thừa, thời
khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Lúc mà kim đồng hồ chỉ sang
khoảnh khắc giao thừa, tôi sẽ được bố đánh thức dậy. Nhưng vì buồn ngủ, mắt
cứ ríu lại, tôi lọ mọ từng bước, từng bước ra khỏi giường, nghe tiếng pháo hoa
nổ đùng hoàng mà tôi thấy sợ.
Thật
sự tôi không hiểu sao mấy năm ấy tôi nhát vậy, hay do còn ngái ngủ mà cả người
co rúm lại, ngồi trong xó nhà, nhưng vì sự tò mò mà tôi luôn hướng mắt nhìn ra
ngoài, cố liếc lên bầu trời xem pháo hoa, còn một tay sẽ túm chặt lấy tay áo
bố. Chỉ nhớ rõ nhất, những lúc ấy bố tôi nhìn tôi cười mà cũng luôn miệng
nói “đi lên gác, bố dắt lên xem pháo hoa nhé”.
Sau
một hồi lâu sợ hãi, tôi đã quyết tâm chạy ra ngoài sân để xem nhưng không quên
một điều là kéo bố đi cùng. Tôi đón giao thừa toàn vậy đấy, luôn luôn ở bên bố,
và được sự bảo bọc của bố. Khi tôi lớn hơn chút tôi dần bớt sợ tiếng pháo hoa,
mà thay vào đó là niềm vui khi Tết về mỗi khi nghe pháo hoa nổ.
Nhưng
điều gì rồi cũng sẽ thay đổi. Không biết giờ các bạn thế nào, còn tôi, tôi dần
thấy lòng mình lắng xuống, khi một người luôn ở cạnh, đón giao thừa cùng
bạn giờ không còn. Bên ngoài mưa lại dần nặng hạt hơn rồi, với mỗi người, cảm
nhận về hạt mưa sẽ khác nhau phải không. Người thì sẽ thấy được đây là mưa
xuân, mưa của niềm vui, có người lại thấy lòng có chút mơn man buồn.
Đào Thị Thu Huyền