Ở quê tôi, sau những ngày tưng bừng của lễ hội kỳ yên, đến những ngày tất bật tảo mộ tổ tiên, ông bà là nhà nhà đi sắm Tết.
Ở những vùng quê, cả xã hoặc một vùng mới có một khu họp chợ. Vào buổi họp chợ Tết, từ gà gáy, người người trong vùng đã í ới gọi nhau đi chợ. Từng tốp người vừa đi vừa cười nói râm ran khắp các ngả đường vì đi đến đâu cũng gặp người quen, người trong xóm, trong làng. Tiếng chào nhau, nói chuyện rôm rả, chuyện mùa màng, chuyện sắm Tết, chuyện gói bánh tét... khắp những con đường làng.
Phiên chợ Tết rất đông đúc người, mà phải chen chúc nhau mới thích. Đến chợ Tết, người mua cũng cố mua và người bán cũng cố bán cho bằng được. Người mua dù có những mặt hàng đắt nhưng vừa ý thì giá có đắt cũng chẳng mấy người than phiền, vì là chợ Tết, miễn sao mua được những thứ đẹp, vừa ý về trang hoàng nhà cửa, về cúng gia tiên... đem lại may mắn, hạnh phúc cho gia đình trong cả năm. Còn người bán cũng thường rất xởi lởi, không tính đến chuyện đắt rẻ, vì chủ yếu là người trong làng xã với nhau, hơn nữa cũng mong bán hết hàng cho có lộc đầu năm.
Đi chợ Tết là thú vui ở nông thôn, cho nên đến chợ cũng chưa hẳn là để mua sắm, mà còn để đi chơi, đi cảm nhận không khí Tết hoặc đôi khi chỉ là để gặp gỡ người quen hỏi han, chào nhau đôi ba câu nói.
Chợ quê ngày Tết cũng tất bật tuy không nhộn nhịp bằng các chợ ở phố thị nhưng kẻ mua người bán cũng nô nức rộn ràng với đủ các mặt hàng để chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm truyền thống như hoa kiểng, bánh trái, quần áo, bao lì xì, bánh mứt...
Tết quê tôi là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Vì vậy trong nhà, bàn thờ gia tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Trước ngày 23 tháng Chạp, bàn thờ gia tiên được lau dọn sạch sẽ, mâm ngũ quả được bày chính giữa với những loại quả dân dã là những sản vật của quê hương như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung… cùng với hoa tươi, bánh kẹo.
Kiều Tước Nguyên