Ký ức Tết trong
tôi: Bên bà là Tết, bà ơi!
Năm nào cũng vậy,
những chuyến tàu rầm rập trên tuyến đường ray vắt qua khu phố nườm nượp biển hiệu
quảng cáo lại báo hiệu cho cháu một cái Tết đang hối hả tìm về giữa guồng quay
bộn bề công việc. Khi ấy, tâm khảm cháu bỗng khắc khoải hiện lên hình bóng thân
thương của bà cùng một miền ấu thơ bình dị…
Trong trang sách cháu học, người
ta thường viết, mùa xuân là mùa đoàn viên, sum họp, mùa của hạnh phúc gia đình.
Vậy mà, mùa xuân đối với bà cháu mình lại là mùa mỏi mòn ngóng đợi. Vì nợ nần
túng quẫn, cha mẹ cháu phải bỏ xứ vào tận Sài Gòn làm thuê. Hai anh em cháu,
một tay bà chăm lo, nuôi nấng.
Mỗi
độ mùa xuân sắp sửa nhón chân qua biên giới của năm cũ và năm mới, bà thường ra
đứng trước ngõ, ngoái trông những chuyến tàu vội vã ngang qua cho đến lúc tiếng
còi dài khuất sau cánh núi xa xa mà không giấu nổi những vệt buồn thầm lặng hằn
in trên gương mặt già nua, khắc khổ. Thêm một cái Tết nữa, cha mẹ cháu không
về…
Ảnh minh
họa.
Tất
thảy mọi chi phí trang trải mấy ngày Tết của bà cháu mình đều trông chờ vào
khóm dong nách tường, vài buồng chuối cau và vườn rau cải bắp. Năm ấy, trời rét
đậm, rét hại lại kèm theo sương muối và mưa phùn âm ỉ suốt ngày. Những buổi
sáng giá buốt, bà lật đật dậy sớm, mặc áo tơi ra vườn bón tro giữ nhiệt cho
từng gốc cải, bụi dong.
Nhưng,
chúng cứ cháy lá dần rồi trụi trơ tận gốc. Mấy buồng chuối cau vẹo vọ mãi không
tài nào lớn nổi. Con chó mẹ tai to đang lùm lùm bụng chửa bị cảm lạnh, sau ba
ngày rên hừ hừ bên xó bếp cũng bỏ bà cháu mình mà đi. Bao nhiêu đen đủi đổ ập
vào nhà mình dồn dập…
Tết
càng đến gần, nỗi lo càng trũng sâu trong đôi mắt quầng thâm của bà. Bà ngậm
ngùi: “Tết này, bà lại nợ các cháu một bộ quần áo mới”. Bên hiên nhà, bà ngồi
miệt mài đường chỉ mũi kim may vá lại đống đồ cũ cho anh em cháu. Những chiếc
áo vải thô từ thời của chú, cháu đã mặc mấy năm ròng, nay, bà tỉ mẩn bóp nhỏ
eo, thêu thêm chùm hoa màu hồng rực rỡ, truyền lại cho út.
Bà
bảo, cháu là con trai thì sao cũng được chứ út là con gái mà phải mặc lại những
chiếc áo bạc màu ấy, nghĩ tồi tội, tủi thân cho nó. Có lần nhìn đứa bạn nhà bên
mặc váy, út thích lắm, nhưng vẫn gượng lúc lắc bím tóc đuôi sam: “Chân tao bị
vòng kiềng nên mặc váy ngắn không đẹp”. Đang mót những chiếc lá dong cuối cùng
còn sót lại sau đợt rét, nghe út nói vậy, bà lén gạt những giọt nước mắt mờ đục
chảy lan ra theo rãnh nứt chân chim…
Tết
của bà cháu mình thật đạm bạc, đơn sơ. Chiều Tất niên, trong gian bếp nhỏ chật
chội, bà ngồi lom khom gói những chiếc bánh chưng xanh nhiều đỗ ít thịt, còn
anh em cháu lăng xăng quét dọn nhà cửa, rửa sạch chén bát, nồi niêu. Ngoài
cổng, những nụ đào chúm chím thi nhau nở nghiêng sắc hồng. Đàn chim ríu rít chở
nắng về sau một chuyến thiên di rã cánh.
Theo
từng đợt gió đưa nhè nhẹ, mùi hương trầm, mùi cá thửng kho mật và nồi thịt mỡ
nấu đông… cứ thế phả ra khắp lối nưng nức, đậm đà. Khoảnh khắc này, nơi phương
xa, chắc cha mẹ cháu đang nhớ nhà quay quắt?
Sau
bữa cơm Tất niên, bà bối rối dặn dò: “Con… chó nhà mình vừa chết. Tết năm nay,
các cháu chỉ chơi loanh quanh trong nhà thôi. Đừng… chạy nhảy lung tung sang
nhà các bạn. Phải… kiêng cữ đến… hết Tết”.
Hai
anh em cháu ngoan ngoãn dạ dạ, vâng vâng rồi chui vào góc buồng, hí hửng cắt
giấy thủ công làm phong bao lì xì, nhét vào đó những mảnh giấy nho nhỏ ghi các
mệnh giá tiền 500, 1000, 2000 đồng, đóng vai người thân, chơi trò mừng tuổi. Bà
mừng tuổi cháu hai nghìn. Bố mừng tuổi con một nghìn. Mẹ mừng tuổi con hai
nghìn. Anh mừng tuổi em 500 đồng thôi. Ôi, anh keo kiệt thế thì hỏi sao sau này
ế vợ. Và cả hai bụm miệng cười khúc khích.
Bà
bảo, mang những phong bao lì xì ấy xếp vào hộp bút rồi đem giấu trong chum lúa,
Tết năm sau, các cháu sẽ được mở ra một điều kỳ diệu…
Đúng
như lời bà nói, hai mươi chín Tết năm sau, những mảnh giấy ấy hóa thành tiền
thật. Anh em cháu tiếc rẻ: “Biết thế, chúng cháu nhét vào đó thật nhiều giấy
thì có phải nhà mình sẽ giàu nhất làng rồi không, bà nhỉ?”. Bà khẽ mỉm cười
hiền hậu: “Phép màu nhiệm chỉ dành cho những người biết chừng mực, các cháu ạ”.
Rồi
bà dắt chúng cháu ra chợ mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới tươi tắn, thơm tho
và vài chùm bóng bay hình Đôrêmon, Tôn Ngộ Không ngộ nghĩnh. Chúng cháu sung
sướng nhún nhảy chân sáo suốt đoạn đường về làm bà trĩu vai gánh gồng vẫn luôn
dặn: “Đi chầm chậm kẻo ngã đấy, các cháu ơi”.
Sau
những tháng năm đằng đẵng phiêu bạt xứ xa, cha mẹ cháu trở về quê trả nốt món
nợ cũ và xây nên một căn nhà cấp bốn khang trang, rộng rãi. Lần đầu tiên, cháu
thấy Tết ấm áp và hân hoan đến thế. Cháu chẳng thể quên được cái cảnh cả gia
đình mình quây quần làm mâm cơm chiều Ba mươi, mỗi người thoăn thoắt một việc.
Tiếng gầu nước lào rào. Tiếng băm thớt lục bục. Tiếng củi khô tí tách. Tiếng
dầu mỡ lèo xèo. Tiếng nồi cơm vui reo. Tiếng lanh canh bát đũa. Chúng đang náo
nức hòa tấu thành bản nhạc bếp núc rộn ràng.
Không
kìm nổi mình, lửa bỗng xênh xang vũ điệu bập bùng, khói chỉ khẽ khàng thả mấy
sợi tơ mong manh cũng đủ vẽ nên bức tranh yên bình quá đỗi. Bà móm mém cười rồi
chậm rãi nói: “Đây là cái Tết bà đã chờ mong suốt cả đời người!”.
Tết
trong ký ức tuổi thơ cháu vỏn vẹn bấy nhiêu mà thao thức suốt những tháng năm
quê người, đất khách. Giờ đây, cháu đã đủ lớn để vỡ ra rằng, Tết đến, người ta
kiêng cữ khi trong nhà có người thân mới mất chứ ai lại đi kiêng cữ vì cái chết
của một con chó bao giờ?
Cháu
biết, ngày ấy, bà ngại chuyện chúng cháu đi chơi nhà hàng xóm được bố mẹ các
bạn mừng tuổi, nhưng bà không có tiền mừng lại những đứa con của họ cho phải
phép trước sau. Và phép màu nhiệm trong chum lúa cũng là do đôi tay bà âm thầm
biến hóa nhằm bù đắp thiệt thòi cho chúng cháu…
Một
dạo, đọc báo, thấy người ta tranh luận không hồi kết về việc giữ hay bỏ Tết. Có
người than Tết nhạt nhẽo, làm vội mâm cỗ toàn đồ sẵn, chưa cúng tổ tiên đã vội
cúng… “Phây”. Có người than Tết mệt mỏi, bận đến mức cả ba ngày lịch đỏ đều dắt
díu nhau ra quán, nhanh, gọn lại đỡ mất công… rửa bát. Có người than Tết nặng
nề, lương ba cọc ba đồng, quà cáp chẳng đủ vòng. Lại có người than Tết áp lực,
công việc đổ dồn, chất chồng như núi.
Có
lẽ, những ai từng trải qua cảm giác đau đáu đợi mong người thân như bà cháu
mình mới thấm thía hết sự thiêng liêng và ý nghĩa của Tết, bà nhỉ? Cháu còn nhớ
từng lời bà dạy: “Tết giống như cột mốc trên chuyến hành trình đường trường
đằng đẵng của đời người nhắc nhớ chúng ta đã đến đâu và đi được bao xa”.
Lại
một mùa xuân chạm bước khẽ khàng. Tết đang gọi những đôi chân tha hương tìm về
quê mẹ. Cháu chợt háo hức cái cảm giác được ôm bà thật chặt, ngủ sâu một giấc
thảnh thơi để mùi trầu nồng ấm tỏa ra từ câu chuyện của bà xua tan mọi xô bồ,
toan tính.
Bên
bà là Tết, thương sao cho hết, bà ơi…
Phan Đức Lộc