Gió bắt đầu bớt lạnh. Những tia nắng yếu ớt chiếu xuống con đường làng. Hàng hoa dại đầu ngõ cũng bắt đầu hé những nụ đầu tiên sau giấc ngủ mùa đông dài đằng đẵng.
Dòng người vội vã hơn ngày bình thường khi Tết đến gần, người lo sắm Tết, người lo mưu sinh và có những người ngồi nhớ lại những kỷ niệm xưa trước làn khói bếp bay lên từ nồi bánh chưng.
Nội dắt xe lá dong từ đầu ngõ vào, dây buộc bị tuột, lá rơi ngổn ngang, tôi chạy ra đỡ nội. Mùi lá dong tươi thơm thật lạ, nửa đắng mũi nửa ngào ngạt. Nội đi rửa lá lại một lượt cho sáng bóng - những chiếc lá dài sõng soài, xanh đặc; nội bảo đó là lá già, sẽ nhuộm màu rất xanh cho bánh chưng. Cái vị lá dong khó ai mà nhận ra được vì có lẽ nó đã quyện vào vị bánh làm nên hương vị ngày Tết, còn màu xanh của lá thì không loại nào thay được.
Tết bên ông bà vẫn là ký ức Tết tuyệt đẹp, không thể xóa nhòa - Ảnh minh họa
Nội lọ mọ đi vào bếp xem nồi đậu xanh đã chín chưa. Bếp củi nhiều khói làm nội cay mắt nhưng nội không thích nấu bằng bếp ga vì nó sẽ “cướp mất” vị ngon của bánh. Nhà không đông người nhưng nội luôn muốn tự tay làm bánh cho cả nhà. Nội sai mấy đứa nhỏ quét sân sạch sẽ để chuẩn bị gói bánh. Ông nội nghe vậy, vươn mình dậy với cơn ho từ đêm qua chưa dứt.
Những ngày này bố mẹ còn đang bận bịu với công việc chợ búa, mưu sinh cho ngày Tết đủ đầy nên một tay nội quán xuyến tất cả. Nội trải tấm chiếu rách lỗ chỗ ra sân và gọi ông ra gói bánh. Trên mái nhà hàng xóm, chiếc loa của thôn đã hát mừng mùa xuân từ lúc tờ mờ sáng làm ai nấy cũng nôn nao.
Bọn trẻ hàng xóm cứ lon ton lại gần, bánh chưa gói mà chúng cứ lấy tay bốc đậu xanh bỏ vào mồm. Bà mang gạo đã ngâm lại chỗ ông, tay bà bới lên những hạt gạo trắng muốt, nõn nà và căng mọng. Chiếc khuôn gỗ vẫn treo lủng lẳng trên gác bếp bởi vì nó biết ông nội đã quá thành thạo và không cần sử dụng đến nó nữa. Bàn tay ông bà đều chi chít đồi mồi, nhô lên những khớp xương đã mòn mỏi với thời gian...
Khóm đất trước sân, cây đào năm ngoái bố mua đã nở hoa ngập tràn. Hoa năm nay có vẻ đằm thắm hơn năm ngoái có lẽ do được ở trong đất chứ không phải là hoa chậu nữa. Tối về, bố và tôi sẽ đưa cây vào trong nhà và trang trí cho cây những ánh sáng lấp lánh cùng những phong bao lì-xì xinh xắn. Con bướm nhỏ khẽ đậu trên nhành hoa, chắc biết Tết đang đến gần nên đi tìm phấn hoa đào.
Bà không biết gói bánh chưng như ông nhưng không có bà, ông cũng không biết làm thế nào. Con bé Út táy máy đòi nhổ tóc bạc cho bà, nó cứ làm tóc bà rối tung lên nhưng cũng không nhổ được cọng nào dù đầu bà duy chỉ có tóc trắng. Bà bế nó vào lòng, truyền cho nó hơi ấm - khi bố mẹ nó cũng phải hết 30 Tết mới có mặt ở nhà với nó.
Loáng cái, ba mươi đồng bánh chưng đã được ông gói xong, mọi người sắp xếp gọn gàng vào nồi rồi cùng nhau khiêng đến bếp. Trên bếp củi đã được mồi lửa sẵn, nội hứa tối nay sẽ kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ của bà và ông, của bố mẹ - điều làm chúng tôi rất tò mò.
Và câu chuyện đó cũng là chuyện của gần một năm trước...
Năm nay, không còn ai gói bánh chưng nữa vì ông bà đã ra đi mãi mãi. Vẫn căn bếp đó, vẫn khoảng sân đó và vẫn cây đào năm nao nhưng thiếu đi hai nhân vật quan trọng.
Những bài ca Tết lại vang lên từ chiếc loa của làng, cảm xúc mùa xuân năm nay có chút gì đó phảng phất buồn trên nét mặt tôi và bé Út, nhất là con bé cứ đòi tôi phải nhóm lửa và đun bánh chưng, nhưng chỉ là đun nồi nước không thôi vì bên trong sẽ không có bánh.
Tết trong tôi và bé Út đơn giản là những kỷ niệm về ông bà, về những chờ mong khi bố mẹ chưa về chợ mà có lẽ năm nào cũng sẽ lặp lại, ngào ngạt vô cùng.
Nguyễn Văn Công (Hà Nội)