F TÔ PHỞ NGÀY CUỐI NĂM ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


TÔ PHỞ NGÀY CUỐI NĂM

Ngoài đường, bất chấp cái lạnh đang lan tỏa, người người vẫn tấp nập, hối hả mua mua sắm để chuẩn bị cho Tết đang đến gần.
cha con

Như thường lệ, cửa hàng phở chúng tôi mở đến hết trưa 30. Cửa hàng nằm ngay trên con phố Hàm Long tấp nập người qua lại. Những ngày cuối năm được nghỉ học là tôi chạy ra cửa hàng phụ giúp bưng bê từ chiều đến đêm. Khung cảnh Hà Nội những ngày cuối năm thật khiến người ta xốn xang.
Hôm đó là buổi tối đầu xuân giá lạnh, cửa hàng phục vụ hai vị khách đặc biệt. Họ là hai bố con. Nói đặc biệt là vì người bố ấy bị mù. Cậu thanh niên đứng cạnh cẩn thận đỡ ông bước vào quán. Trông cậu tầm 18 tuổi, ăn mặc giản dị, nét mặt trầm tĩnh.
Chàng trai đến trước mặt tôi nói dõng dạc: “Cho em hai tô phở bò”. Tôi đang định ghi phiếu thì cậu bỗng hướng về phía tôi vẫy vẫy. Tôi nhìn cậu ngạc nhiên, còn cậu thì cười tỏ vẻ áy náy, sau đó dùng ngón tay chỉ vào bảng giá dán trên tường phía sau tôi và bảo: “Anh cho em 1 bát phở bò thôi, còn bát kia thì phở không nhé”. Lúc đầu tôi giật mình, do dự, sau đó vài giây mới chợt hiểu ra. Thì ra cậu gọi to hai tô phở bò là để cha cậu nghe thấy thôi vì thực tế cậu không đủ tiền nhưng lại không muốn cha biết. Tôi hiểu ý nhìn cậu cười.
Rất nhanh chóng, tôi bê ra hai tô phở nóng hổi. Chàng trai đặt bát phở bò trước mặt cha rồi nhẹ nhàng mời ông: “Bố, phở của bố đây. Bố ăn đi, cẩn thận không nóng ạ”. Tiếp đó cậu bưng tô phở “không người lái” về phía mình. Người bố không vội ăn. Ông từ từ lấy đũa khua đi khua lại bát phở của mình. Không dễ dàng để gắp được một miếng thịt, ông vội vàng gắp miếng thịt đó vào bát phở của cậu con trai. “Con ăn đi, ăn nhiều vào để còn học. Sắp thi đại học rồi, con cố gắng thi đỗ để làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với con giọng hiền từ, đôi mắt ông mặc dù không có thần, nhưng những nếp nhăn trên khuôn mặt ông ánh lên một nụ cười ấm áp. Điều làm tôi thấy hơi khó hiểu đó là, chàng trai không hề ngăn cản hành động của cha mình mà lặng lẽ nhận lấy những miếng thịt mà người cha gắp cho, sau đó cậu lại lặng lẽ gắp trả những miếng thịt đó vào bát cha mình.
Cứ như vậy, những miếng thịt bò trong bát của người cha dường như gắp mãi không hết. “Quán phở này bán rẻ quá, vừa nhiều bánh lại vừa nhiều thịt”, người cha nói. Đứng bên cạnh mà tôi cảm thấy xấu hổ, đó chỉ là mấy miếng thịt mỏng như lá lúa. Lúc này cậu con trai vội tiếp lời cha: “Cha mau ăn đi, bát của con không thể chứa thêm thịt được nữa rồi”. “Được rồi, con cũng ăn nhanh đi, thực ra mấy miếng thịt đó cũng mỏng thôi mà”.
Hành động và đoạn đối thoại vừa rồi của hai cha con họ đã khiến chúng tôi cảm động. Không biết từ lúc nào mẹ tôi cũng đã ra đứng bên cạnh tôi, lặng im đứng nhìn. Vài phút sau thì anh Chương bê từ trong bếp ra 1 bát thịt bò vừa thái, mẹ tôi ra hiệu bảo anh bê ra bàn cho hai cha con anh.
Chàng trai ngẩng đầu nhìn một vòng xung quanh, ở bàn này không có thực khách nào khác ngoài hai cha con họ, thấy vậy chàng trai liền nhẹ nhàng nhắc khéo: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải, em đâu có gọi thêm thịt”. Mẹ tôi thấy vậy liền tươi cười bước đến: “Không nhầm đâu cháu ạ, hôm nay cửa hàng cô kỷ niệm ngày khai trương, tô thịt này là hoàn toàn miễn phí”.
Chàng trai mỉm cười và không hỏi thêm nữa. Cậu lại tiếp tục gắp thịt vào bát người cha, sau đó cất những miếng còn lại vào trong một chiếc túi ni-lông.
Chúng tôi lặng lẽ đứng quan sát hai bố con họ ăn xong rồi tiễn họ ra khỏi quán. Lặng nhìn cha con họ dắt tay nhau đi giữa dòng người hối hả chiều cuối năm mà lòng tôi như thắt lại.
Phạm Nguyễn