F Tình thương dành cho con luôn là duy nhất! ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Tình thương dành cho con luôn là duy nhất!

Bố có thể làm nhiều nghề nhưng tình thương dành cho con luôn là duy nhất!

Trẻ nhỏ thường hay được hỏi những câu về bố mẹ như: "Bố mẹ con tên gì, bố mẹ con làm nghề gì?". Nhiều trẻ tự hào kể: "Bố con làm bác sĩ", "Mẹ con làm công an".

Nhưng song song đó, nhiều đứa trẻ gặp khó xử khi cha mẹ của mình không có nghề nghiệp ổn định. Một nick Facebook có tên Minh Trần mới đây chia sẻ lại câu chuyện có thật về bố của mình. Câu chuyện khiến ai cũng rơi nước mắt vì tấm lòng thương con bao la của người bố:

"Tôi nhớ, vào đầu năm lớp 2, khi giáo viên chủ nhiệm yêu cầu đứng lên giới thiệu tên, tuổi của từng học sinh và nghề nghiệp của cha mẹ.

Các bạn tôi, từng đứa, từng đứa một trong lớp đứng dậy nói, người thì cha làm bác sĩ, người lại có cha là thợ cơ khí. Trông mặt đứa nào đứa nấy hớn hở.

Đến lượt tôi, mặt tôi đỏ rần rần rồi chuyển sang tái mét. Mẹ tôi làm nghề tráng bánh, điều đó thì tôi thuộc như in. Còn cha, có bữa tôi thấy ông đi kéo cát dưới bãi, có bữa lại làm bên xưởng đóng gạch, có hôm lại ra đồng cấy, cày…

Tôi đỏ mặt không phải vì xấu hổ với nghề của cha mà vì thật sự tôi không biết cha làm chính là nghề gì.

Tôi không quen nói dối. Điều này anh em chúng tôi đã được cha dạy từ khi còn chưa biết mặt chữ. Bởi vậy, sau khi nói mẹ làm bánh tráng thì miệng tôi cứng đơ lại. Cô giáo phải nhắc lại lần hai:

"Còn cha con làm nghề gì?".

Tôi ấp úng:

"Cha con làm… nhiều nghề lắm ạ!".

Cả lớp cười lớn khiến mặt tôi nóng ran. Một bạn ngồi kế bên, nói với giọng châm chọc, khiêu khích:

"Nhiều nghề là nghề gì nhỉ?".

Tôi tức anh ách, không làm gì hơn ngoài lườm nó một cái. Chuyện chỉ có vậy nhưng tụi bạn cứ đem ra chọc ghẹo khiến tôi rất bực. Rồi có lần không hiểu sao tôi lại hỏi cha:

"Sao ngày xưa cha không học một nghề như cha của mấy đứa bạn con?".

Lúc đó cha chỉ cười, xoa đầu tôi rồi tiếp tục công việc.

Tốt nghiệp lớp 9, ngoại trừ một số đứa con nhà khá giả, quan chức mới đi học tiếp còn phần lớn chúng tôi hoặc là vào nông trường hoặc xin làm trong các nhà máy.

Mẹ tôi, mặc dù không nói ra nhưng tôi biết suy nghĩ của mẹ là:

"Cơm ăn chưa đủ, tính sao chuyện học hành cao".

Tôi hỏi ý cha, cha nghiêm mặt:

"Ai cho con có suy nghĩ vậy, cứ đi học, có gì cha lo".

Thế là tôi được tiếp tục đến trường. Và cũng từ ấy, cha làm nhiều việc hơn. Ông thức khuya dậy sớm, nhận thêm nhiều việc về nhà làm như đan rổ, rá.

Có đám xây nhà nào, cha cũng xin một chân thợ hồ. Người ta thuê cày ở ruộng sâu, cha cũng nhận. Người ông đã gầy càng gầy thêm.

Cứ như vậy, tôi vào đại học, sống bằng những đồng bạc lẻ cha gom góp gởi lên. Ngày tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, cha lên dự, cổ vũ cho tôi. Hai cha con ôm nhau rưng rưng. Chưa bao giờ tôi thấy thương cha như lúc này.

Cảm ơn những nghề cha làm đã nâng bước con vào đời!".

Câu chuyện sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến ngay cả những người mạnh mẽ nhất cũng phải rơi lệ. Bố có thể làm nhiều nghề nhưng tình thương của bố dành cho con luôn là duy nhất, không gì sánh bằng.

Nhiều người cho biết, sau khi đọc câu chuyện đã ngay lập tức gọi điện về để cám ơn công lao dưỡng dục của bố mẹ.

THANH HƯƠNG, THEO HELINO