Ký ức Tết trong tôi: Bếp lửa bà tôi
Tết đã tràn về khắp các con ngõ nhỏ, miên man lòng người những nỗi niềm khó tả. Năm nay, tôi bắt đầu sợ Tết, lại chỉ muốn bỏ xa thành phố mà về quê sống ngày một ngày hai. Và không biết tự lúc nào, những mảng ký ức về bếp lửa của bà đêm giao thừa năm ấy đã khỏa lấp cả nỗi thương, nỗi nhớ trong tôi.
Bếp củi hồng bập bùng giữa những mảng tường lóc chóc và đen kịt dính đầy bồ hóng. Trong đôi mắt đục ngầu của bà có ánh lửa đỏ rực, cao vun vút. Lửa hắt lên cả đôi má bà hồng hồng. Giữa đêm đen mịt mù, những khoảng tối trùm khắp căn nhà ngói lụp xụp để rồi cả thế giới như thu vào bếp lửa bà tôi.
Tôi không rõ là vì ấm đen hơn bóng đêm hay vì ngọn lửa sáng soi tỏ cái ấm đã bám thành từng tầng từng lớp muội. Ấm này đã qua mấy đời và méo mó mất mấy chỗ, ngày xưa phải gom bao nhiêu vỏ lon mới đúc thành. Bà tôi thường hay cầm ấm rồi vỗ vỗ ra vẻ tự hào lắm, bà bảo nhìn thế thôi nhưng ấm còn bền, sau này lấy chồng bà cho mang theo làm của hồi môn. Bởi lẽ, những người xưa hay tự hào về những điều rất đỗi bình thường.
Thỉnh thoảng vang lên tiếng nổ lách tách từ cành củi chưa khô hẳn, làm văng những tàn tro đỏ thành từng hạt li ti bay lơ lửng trong không trung. Những đứa trẻ như tôi vì thích âm thanh ấy mà thường cố kiếm những cành củi nhiều nhựa, nhiều nước đun bếp cho nổ to, nổ nhiều. Rồi mấy đứa ngồi cười khằng khặc đến hồn nhiên. Và tôi nghe rét mướt luồn qua khe cửa nhỏ. Gió rít gào, gió phả mạnh vào ngọn lửa đang bùng cháy dữ dội. Nhưng bên bếp lửa lại chẳng cảm nhận được cái lạnh là mấy. Cả người đều âm ấm mà tuyệt vời nhất là cảm giác khi áp hai tay vào má, bỗng nhiên như thấy mình xinh đẹp hơn mấy phần.
Ảnh minh họa.
Ấm. Nhưng nước mắt cứ muốn chảy ra ngoài. Những làn khói bốc lên đều đều dù chẳng nhìn thấy được nhưng cái cay xè nơi khóe mắt cũng đủ để hình dung ra. Mắt bà cũng trở nên long lanh. Bà ngồi trầm ngâm thế, như sâu xa lắm, bà đang nghĩ những điều xưa cũ, từ những ngày bà còn trẻ đến những ngày khóe mắt ấy nhăn nheo toàn những vết chân chim. Chẳng biết từ bao giờ bà thường nghĩ đến cảnh gần đất xa trời. Tôi không rõ là bà sợ hay bà thản nhiên đón nhận nó nữa, nhưng chính tôi lại sợ bếp lửa những đêm giao thừa sau này sẽ không còn bà.
Bấy giờ, trời gần sang canh. Tiếng loa rè vẫn vang đều đều, âm thanh bình thường với tần số chạy ngang, vô cùng khó nghe nhưng bây giờ ngồi lắng tai cũng nghe được gần hết. Loa oang oang những đoạn cảnh báo người dân không được đốt nổ pháo, thỉnh thoảng lại thông báo còn mấy phút nữa là đến giao thừa, như sợ mọi người bận rộn mà bỏ lỡ khoảnh khắc này vậy. Những nội dung lặp lại hàng năm, nghe nhàm đến nỗi những đứa trẻ con trong làng đã đọc làu làu trước đoạn loa phát, nhưng không có là người ta thấy thiếu ngay.
Và tiếng chuông chùa điểm, cũng là những giây phút đầu tiên của năm mới chậm rãi bước đi. Bếp lửa vẫn cháy, ngọn lửa từ năm cũ hừng hực cháy trong đôi mắt bà, lan cả đến một vùng ký ức rực lửa.
Hoài Thương