Nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Trần Chút cho rằng, những giáo sĩ phương Tây thế kỷ 17 đáng trân trọng, đáng tri ân bởi công lao chế tạo chữ quốc ngữ.
Tại hội thảo 100 năm chữ quốc ngữ ngày 21/12, Nhà giáo Trần Chút nêu tiến trình lịch sử nhân dân Việt Nam đã tự nguyện chọn chữ quốc ngữ làm chữ viết tiếng Việt. Giá trị của chữ quốc ngữ ngày càng được nâng cao, được dùng làm cơ sở để xây dựng hệ thống chữ viết cho nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Chữ quốc ngữ là thành quả được khởi tạo từ công lao của các giáo sĩ phương Tây đầu thế kỷ 17 như Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonia Barbosa... Bằng việc hợp, chỉnh lý, bổ sung thành quả của lớp người đi trước qua các tác phẩm Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh và Phép giảng tám ngày năm 1651, Alexandre de Rhodes là người có công tổng kết giai đoạn hình thành của chữ tiếng Việt bằng hệ thống chữ cái Latinh.
Nhà giáo Trần Chút tại hội thảo được tổ chức ở TP HCM ngày 21/12. Ảnh: Mạnh Tùng.
|
Theo ông Chút, mục đích ban đầu của việc dùng chữ cái Latinh để ghi tiếng Việt là tạo ra một công cụ cho việc truyền bá đạo Thiên Chúa, nhưng kết quả khách quan đã vượt khỏi mục đích ban đầu. Tiếng Việt từ đó đã có một hệ thống chữ viết mới, tiện lợi và tiến bộ, trở thành chữ viết quốc gia ngày nay.
Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ tham dự hội thảo đồng quan điểm với nhà giáo Trần Chút - là phải tri ân, ghi nhận công lao của các nhà truyền giáo đã truyền bá chữ quốc ngữ.
Trong đó, GS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) bổ sung, quá trình xây dựng chữ quốc ngữ ghi âm bằng các con chữ châu Âu là một quá trình rất lâu dài, với sự góp sức của nhiều người, trong đó có người Việt. Các tài liệu cho thấy vào thế kỷ 17, chữ quốc ngữ bắt đầu có diện mạo bước đầu ổn định, nhất là khi xuất bản cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes.
Nhiều người thống nhất cho rằng, chữ quốc ngữ hiện đang ổn định, tiện dụng, khó chấp nhận được sự cải tiến nào khác. Hiến pháp hiện hành xác định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, chữ quốc ngữ là chữ viết tiếng Việt. Bất cứ sự thay đổi nào về chữ quốc ngữ, thẩm quyền phải thuộc về Quốc hội.
GS Đinh Văn Đức (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) phân tích, chữ quốc ngữ ghi âm theo âm vị học là một phát minh kỹ thuật, một âm vị có thể được ghi bằng một con chữ hoặc hơn thế. Độ vênh này là tất yếu và bình thường bởi các hệ ngôn ngữ Roman, German hay Slavian đều có chuyện tương tự. "Sửa chữ viết là động đến văn hoá. Mà văn hoá thì bền vững và có bộ lọc cực kỳ tinh tế", ông nói.
Từ cuối thế kỷ 19 qua suốt thể kỷ 20, sự phổ biến của chữ quốc ngữ có những bước tiến nhảy vọt cả bề rộng lẫn chiều sâu. Cùng với tiếng Việt, chữ quốc ngữ được dùng trong báo chí, văn chương, khoa học - giáo dục, hành chính, công vụ.
Ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử nho học. Năm 1919, triều đình nhà Nguyễn quyết định kết thúc nền giáo dục và khoa cử phong kiến được coi là sự gỡ bỏ của những rào cản nặng nề, tạo ra không gian cho sự phổ biến của chữ quốc ngữ.
Mạnh Tùng