Ký ức Tết trong tôi: Tết của trẻ con
Tết, nghe là thấy tiếng reo của trẻ, tiếng reo vì nhiều lý do: Được nghỉ học, được về quê ăn Tết với ông bà, được ăn nhiều bánh kẹo mà không bị la. Tết đồng nghĩa với có quần áo mới, có tiền lì xì...
Tết là Tết của trẻ con, Tết của niềm vui sướng dù ở thời nào cũng vậy, những nụ cười của trẻ mang Tết đến mọi nơi, mọi nẻo, dù có lấm lem đôi chút ở những vùng quê nhưng không vì thế mà Tết của trẻ em trở nên kém sang đi tí nào.
Lũ trẻ quê nghèo chỉ mong được quần áo mới vào mỗi dịp này, kì mà cha mẹ đi làm ăn xa về sẽ có thêm ít tiền để thu dọn nhà cửa, mua thêm chồng chén bát mới thay cho chồng bát mẻ cả năm trời của mấy chị, em, bà, cháu tự bao lấy nhau nheo nhóc ở nhà, sẽ có thêm ít bánh mứt từ thành phố xa xôi để đặt lên bàn thờ, chị em trong nhà sẽ tíu tít đi tìm rửa cái xửng đựng bánh mứt lâu năm cất kỹ một góc trong tủ, cả năm chỉ dịp này mới được mang để dùng, nụ cười trên môi tươi rói. Mẹ sẽ lo chạy chợ, mua ít đỗ xanh về, bà lập cập ra vườn dỡ hàng rào tạm bằng những cành cây nhặt được quanh vườn để che cho bụi lá dong khỏi bị đàn gà trốc mổ cho rách lá, út sẽ chạy lăng xăng quanh bà để phụ bà xếp gọn lá dong lại thành chồng, thành bó.
Ngày xuân mang đến nhiều ký ức cho mỗi người. Ảnh minh họa
Bà không đem đi bán, mà chỉ để dành cho nhà gói bánh, còn dư thì đem chia cho vài nhà xóm giềng xung quanh. Anh Ba sẽ tần ngần bên cái chuồng nhỏ, lứa heo lớn xuất hết rồi, chỉ còn chừa lại một con còi nhất để ăn Tết thôi, đây là con mà mấy anh em cố công chăm nhất, con heo lang vừa đen vừa trắng, sinh ra đã còi cọc nhất, bà phải đỡ sau cùng, rồi anh cùng bà phải vén mười con còn lại để tìm một chỗ cho nó bú, chăm lau cái mắt lúc nào cũng đầy ghèn đầy nhử của nó, đến lúc tập ăn, anh Ba còn phải bắt riêng ra ngoài cho nó ăn riêng vì sợ nó giành ăn không nổi.
Vậy mà cũng gần đến lúc phải thịt nó rồi, ngày ngả thịt, mẹ biết ý mấy anh em buồn nên không cho làm ở nhà, bắt cha và chú Bảy phải khiêng về nhà chú làm, còn mấy anh chị em được quyền dậy muộn, mặc cho tiếng con heo lang kêu eng éc ầm ĩ khi bắt ra khỏi chuồng, bà sẽ ôm chặt anh Ba hơn nữa, và để kệ anh len lén lau nước mắt và sụt sịt.
Khi mấy chị em dậy thì mẹ đã ngâm gạo xong và đang ngồi đãi đậu, chị Hai và út sẽ lo đi rửa lá, lau lá và đo khuôn để cắt, xếp lá cho vừa vặn, anh Ba lo đi ngâm mớ lạt bà đã chẻ mỏng te từ hồi nào gác trên giàn bếp cứng queo vào lu nước cho nó mềm ra, khi nào bố đem thịt về là bà sẽ gói bánh. Sau đó mấy chị em sẽ chồm hỗm xung quanh xem bà gói, bà gói nhanh và đẹp lắm, cứ vuông chằn chặn, không cần khuôn cũng gói được.
Anh Ba cùng hí hoáy tập gói bằng khuôn, nhưng bánh không được chắc tay như bà nó cứ lỏng lèo và bục xục vài nơi mà bà không la, chỉ dặn anh lấy tay dàn đều gạo hơn và phải dằn mạnh ở bốn góc để bánh khỏi bị lỏng khi cột lạt mới đẹp được, cứ được một cặp là út và chị Hai lại giành nhau để cột lại thành một đôi. Đến tầm chiều thì bánh chưng đã gói xong, mẹ cọ lại cái xoong to cho sạch sẽ, bố tìm củi gộc và nhen bếp ở gần sân, mấy chị em sẽ nhảy nhót xung quanh xem bố bắc nồi bánh chưng rồi lại chạy ùa đi nhà hàng xóm để hẹn bạn đến tối đi chơi.
Chiều hôm giao thừa, mẹ nấu một nồi nước thơm cho cả nhà cùng tắm, xong xuôi, mấy anh chị em vẫn chưa dám chạy đi chơi, mà phải ngồi ngoan đợi mẹ tắm và giặt xong rồi mới vào lấy đồ cho mấy anh chị em ướm. Không năm nào bố mẹ rảnh rỗi ghé về thăm bà và mấy chị em lâu, chỉ tạt về một chút rồi hối hả đi ngay, có khi chỉ Tết mới về, chỉ tự ước lượng xem năm nay mấy anh chị em nó lớn chừng nào để mua đồ mà vẫn vừa in được, mà có hơi rộng chút xíu tụi nó cũng có để ý đâu, để dành lớn lên là cũng mặc vừa mà.
Diện đồ mới chỉ là để bà, bố và mẹ xem rồi xuýt xoa thôi, không được mặc đồ mới mà chạy đi chơi liền đâu, phải đến sáng mùng một mẹ mới cho mặc, còn giờ thì phải cởi ra cho mẹ treo lên vào góc, để đi chơi giao thừa về, đến sáng mùng một mới được lấy ra mặc cho mới, đồ Tết mà, phải đến Tết mới được mặc. Lúc này, được chạy đi chơi là vui rồi, mấy anh chị em chạy ào ra đường, bây giờ là lúc ríu rít khoe nhau xem đứa nào có đồ mới rồi và hẹn nhau sáng mùng một Tết đi chơi để đọ xem ai có đồ đẹp nhất.
Khu chơi Tết chỉ là khoảng đất rộng, có nhiều cây cối che bóng mát, cũng chẳng có trò chơi gì nhiều ngoài các trò bầu cua tôm cá, lô tô của cánh con trai và người lớn đi thả hên đầu năm thôi chứ không sa đà sát phạt nhau. Đám con gái chỉ túm lại ở các mẹt hàng đồ chơi, để lựa chọn búp bê, có khi không đủ tiền vì sáng mùng một mới chỉ có bố mẹ, hay ông bà lì xì thôi nên không có nhiều tiền, và lựa chọn duy nhất cho lúc này là những quả bóng bay nhiều màu sắc đứng riêng một góc, uống thêm ly nước mía mát lạnh những đá nữa rồi cả đám thơ thẩn đi về.
Khoảng chiều mới bắt đầu có người đến chơi nhà và lì xì Tết. Chị em nó chả dám đi đâu, chỉ chăm chăm chờ người đến chúc Tết để được lì xì, nhưng hễ có đủ là anh Ba lại chạy đi chợ để mua một chiếc ô tô về để dành ra Tết chơi, chị Hai thì để dành lại đưa cho mẹ để mẹ lì xì lại con người ta, út thì để dành vào hũ bùng binh nhỏ của của mình.
Cái hũ bùng binh chỉ bằng đất nâu xù xì, có cái khe nhỏ để út gấp tư những tờ năm trăm một ngàn cất vào, thường chỉ được khui vào đầu năm học tới để mua sách vở và dụng cụ, mẹ sẽ cho thêm út nếu sau Tết còn dư dả, còn không út sẽ để dành khi được thưởng hoặc đi lượm ve chai với anh Ba bán lấy tiền. Út là đứa hà tiện nhất, luôn com nhặt cất giữ từng đồng lẻ một, đồ chơi thì xài ké anh chị mỗi người một ít cũng được, chứ nhất quyết không mua món nào.
Mẹ thường than, làm cả năm chỉ đủ để lo cho ba ngày Tết mà còn không đủ, nhưng đám con nít có đứa nào than là Tết không đủ đâu. Chỉ biết hết Tết khi rổ bánh chưng ngoại cất trong buồng đem ra chiên và kêu đây là cái cuối đó để thòm thèm, để ủa sao mau hết Tết quá vậy bà, để rớm rớm nước mắt khi thấy bố mẹ lại sấp ngửa xếp đồ vô giỏ để chuẩn bị lên thành phố. Để xóc xách cái hũ bùng binh mà lẩm nhẩm không biết phải bỏ vô bao nhiêu nữa mới đầy, rồi lòng lại phơi phới hẹn cái Tết sang năm sao cho chóng đến để thấy mình thêm tuổi mới, để thấy nhà mình cũng lại tất bật sum họp đầm ấm như hồi nào giờ chỉ mong có vậy thôi Tết ơi!
Lê Thị Kim Sơn