Ký ức Tết trong tôi: Vọng Tết
Tôi về với má, chiều 30 Tết, xuân căng tròn trên nụ mai vàng rực rỡ. Thằng con mãi bôn ba nơi thị thành xanh đỏ đèn màu, loay hoay giữa láo xáo đám đông bon chen danh lợi, chợt thẩn thờ khi thấy má gội đầu chiều cuối năm.
Quê tôi miệt đồng bưng sóng nước Cửu Long. Má tôi cũng cả đời cần lao với ruộng đồng, phù sa bồi lỡ hai bên triền sông. Cả đời má gắn liền với mảnh đất quê nghèo. Hình như trong bảy chục năm tuổi đời, má ít khi nào rời nhà đi đâu xa. Thỉnh thoảng đám con nì nằn má lên Sài Gòn chơi vài ngày. Má cũng miễn cưỡng gật đầu, nhưng chừng đôi bữa ba hôm, má lại thắt thẻo ruột gan với khạp mắm đang ủ, với đám bầu bí sau vườn nhà đang mùa ra trái.
Đám con của má lớn khôn ra đi theo ánh sáng lấp lánh của chốn đô thành xa hoa, rồi neo phận đời mình ở đó, bỏ lại má mình ên với xuồng ba lá, với mùi khói đốt đồng, với những ngày mòn mắt ngóng con về. Mỗi một mùa Tết là một mùa mà lòng má vọng từng tiếng nói cười của đám con. Má luôn nấu sẵn nồi nước lá cho đám con gột rửa những thứ tanh tao của một năm trường bôn ba. Cái nếp nhà má giữ từ xưa đến tận bây giờ.
Má hay nói, mần gì mần, cả năm đăng đẳng làm sao không vướng phiền muộn âu lo, hay nhọc nhằn bụi đời. Tắm nước lá, để trôi đi hết những điềm gỡ, những xui rủi của một năm cũ. Gột rửa tất thảy những ốm đau tai ương, đón một năm mới thân thể sạch thơm, vạn điều hanh thông. Rất nhiều năm sau này, khi đám con của má miên di khắp nẻo trong cuộc mưu sinh, đôi ba lần vụn vỡ với lòng người thị thành ráo hoảnh, không dưng thèm về đắm mình trong nồi nước lá của má.
Hồi đám con còn nhỏ, mỗi bận Tết về nhà vui như hội. Dẫu cuộc sống lúc đó cơ cầu, chắt mót cả năm trời má mới có một cái Tết đủ đầy cho đám con. Nhà ba đứa con, mỗi đứa ba bộ đồ Tết, tự tay má ra chợ lựa từng cái quần cái áo, theo màu mà từng đứa thích. Đứa thích bông hoa, đứa thích chim cò, đứa chỉ thích rặt một màu đỏ. Má nhớ hết. Má mua đồ mới về, giặt sạch và để vào tủ, bỏ thêm long não cho thơm đồ. Đám con thèm thuồng nhìn bộ đồ mới và ngóng Tết mau đến, để xúng xính trong bộ đồ mới mà chạy tung tăng khắp đường làng khoe cùng chúng bạn.
Giờ họa hoằn lắm, thoảng khi ngang qua những shop thời trang, đám con thấy cái áo đẹp, thấy cái khăn xinh, muốn mua cho má, nhưng năm lần bảy lượt điện thoại cho nhau hỏi má mặc cỡ nào, má thích màu gì, hoa văn ra sao. Ba đứa con vẫn ú ớ, chẳng thể trả lời câu hỏi. Cho đến khi trưởng thành, làm ra đồng tiền, chưa bao giờ đám con của má biết được, má mình thích thứ gì?
Rồi đến chuyện nấu nướng mấy món ăn cho con. Đứa chỉ thích ăn thịt, không ăn mỡ. Đứa ăn Bánh Tét nhưng phải kèm dưa kiệu, cải mặn. Đứa thích trứng kho phải chiên trước khi bỏ vào nồi. Một tay má lo toan để mấy đứa con có được dăm ba ngày Tết sung túc vui cười. Nhưng tuyệt nhiên trong nhà những ngày Tết luôn có bánh phồng nếp tự tay má làm.
Khi những cánh đồng lúa nếp gặt xong, hương thơm nồng nàn của nếp mới từ ngoài đồng tràn về khắp làng xóm, quyện trong cái nắng hanh hanh mùa gió chướng len vào từng căn bếp nhỏ. Khi đó, đâu chừng giữa chạp, má bắt đầu làm bánh phồng nếp.
Má ngâm nếp từ chập tối chiều hôm trước, đến 5 giờ sáng đem ra tút thật sạch rồi xôi lên. Xôi tức là nấu cách thuỷ, nấu bằng nồi đất, độ nóng đều và lan tỏa, xôi sẽ chín đều và ngon hơn. Xôi chín đổ ngay vào cối, quết khi xôi còn nóng hổi bột mới mau dẻo.
Bánh phồng. (Ảnh minh họa)
Những ai lớn lên từ miệt thứ bưng biền khi xa quê khó mà quên được tiếng chày quết bánh phồng mùa giáp tết. Tiếng bình bịch vang đều khắp cả xóm từ sáng tinh mơ. Tiếng chày âm âm trong giấc chiêm bao tuổi thơ và vang mãi trong nỗi nhớ. Mãi sau này, thỉnh thoảng anh em tôi vẫn còn ngồi nhắc nhớ với nhau, hồi đó, cứ nghe tiếng quết bánh, là biết Tết về. Rồi kí ức của những ngày thơ dại với cái Tết quê cứ rưng rức mà chảy tràn lòng.
Bánh phồng có ngon, khi nướng có chuồi to hay không chủ yếu là nhờ quết kỹ, quết khéo. Chỉ có bàn tay kinh nghiệm vùa bột mới cảm nhận được khi nào thì bột đủ dẻo, vừa tới bánh. Lúc này, bột sẽ được nêm đường, nước cốt dừa. Má kể, hồi ngoại còn sống, ngoại dạy làm bánh phồng phải thêm một ít đậu nành ngâm, xay nhuyễn nêm vào một cối bột sẽ giúp cho bánh chuồi, phồng to hơn. Đó là bí quyết của riêng ngoại. Nhờ vậy, bánh phồng của má mới có vị ngon đặc biệt với mấy đứa con.
Khi bột được quết thấm đều gia vị rồi sẽ được bắt thành viên, đem cán. Cán bánh cho nhanh, cho khéo thì bánh sẽ tròn, mỏng đều. Đám anh em tôi, tụ quanh cái bàn cây, ngồi hì hục cán, cán được mươi cái đã mỏi nhừ cả cánh tay. Những câu bông đùa trêu ghẹo lẫn nhau rôm rả cả chái bếp.
Bánh cán xong mớ nào đem phơi ngay mớ nấy. Chiếu dùng để phơi phải là chiếu mới, được gặt sạch, phơi khô từ trước. Nếu không, sợi gai dệt chiếu sẽ dính bánh, nhìn không đẹp. Nắng tốt, phơi chừng nửa ngày là khô, gỡ bánh ra, phải xốc xới và quạt cho thật nguội mới sắp bánh.
Má nói ngày tết mâm cơm cúng ông bà ở quê thường có dĩa bánh phồng, đó như món nguồn cội. Dĩa bánh thật to, tròn đầy như sự ước mong đầy đủ, viên mãn, cầu xin cho những mùa lúa trúng tràn đồng.
Cơm áo gạo tiền cuốn những đứa con của má vào vòng xoáy đầy mãnh lực, những ngày Tết nhứt mới tề tựu về ngôi nhà xưa, nghe yêu thương cuộn tròn trong cái mùi vị cũ kĩ đầy xa xót.
Chiều 30 Tết, tôi quét lá ngoài sân như hồi tía còn sống hay làm, má ngồi hong tóc bên hiên nhà, tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt. Nhìn thời gian ngả bóng xuống mớ tóc bạc trắng màu sương mai, không dưng tôi thấy mình đi lạc hun hút bao lâu nay. Tôi cơi lửa lên, đốt đống lá khô, mùi ngai ngái quyện vào thinh không.
Cái mùi xưa xa thơm dịu gọi về quá khứ, hồi tưởng bao kỉ niệm và nối lại những miền thời gian. Nghe kí ức của thời nghèo khó mà đầm ấm niềm vui sum vầy lan trong từng mạch máu của mình. Chiều cuối năm là buổi chiều ấm cúng nhất trong các buổi chiều.
Giữa sân vườn, lửa cơi đã tàn, bỏ lại những bon chen phố xá thị thành, tôi thấy lòng mình thư thái nhẹ nhàng. Mắt tôi đã hết cay vì khói, lại thấy trời trong xanh và khoáng đản hơn. Rũ sạch hết thảy muộn phiền, thời gian rồi sẽ cuốn trôi tất cả về hư vô. Lòng mình cứ như nụ hoa, mưa gió nắng nôi, vẫn cứ sinh sôi cho một mùa tinh khôi đang đợi.
Tôi là người quê, lớn lên từ phù sa sóng nước bưng biền, đi đâu thì cũng phải về. Nơi nào cũng không bằng nhà mình, đất nào cũng không thể sánh được đất quê. Một năm dài mỏi gót thiên di, chiều ba mươi tết, ngồi bên má, nghe trong âm ba từng con sóng nước, lòng mình vọng Tết rộn ràng, đó mới là xuân.
Tống Phước Bảo