F TẾT NHẠT ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


TẾT NHẠT

Ký ức Tết trong tôi: Tết nhạt

Thời gian trôi mà chẳng chờ đợi một ai. Dù lặng lẽ hay ồn ào, một năm rồi cũng qua đi. 365 ngày đã trôi qua với đủ đầy những hương vị của cuộc sống.

Tết lại về, một năm nữa lại trôi qua. Thêm một cái Tết mấy mẹ con đón giao thừa mà không có ba. Ba đi lâu thật, đã 4 năm rồi mà không thấy về. Không biết ở nơi xa đó, ba có dõi theo mấy mẹ con không. Còn tụi con và mẹ, nhớ ba nhiều lắm. Năm nay một chị đi lấy chồng, giao thừa chỉ còn mấy mẹ con bên nhau. Nhà vì thế mà vắng thêm đôi chút.

Ai cũng bảo Tết mỗi ngày mỗi nhạt hơn. Ừ cũng đúng. Nhưng mà thật ra không phải vì Tết nhạt đi, mà bởi lẽ ai rồi cũng lớn, ai rồi cũng đổi thay. Chúng ta phải đối diện với hàng trăm nỗi lo trong cuộc sống. Và vì chúng ta không còn nhỏ để háo hức chờ đến Tết, được mua quần áo mới, được ăn bánh kẹo thỏa thích, rồi còn được nhận lì xì nữa. Nhưng cho dù Tết với người lớn có nhạt như thế nào thì người người nhà nhà vẫn rộn ràng, vẫn nhộn nhịp sắm sửa. Mọi thứ cứ như luật bất thành văn, cứ diễn ra xoay vần như thế năm này qua năm khác.

Ảnh minh họa.

Giữa những ngày biết mình đã bước qua thêm một đoạn đường thanh xuân, bất giác tôi lại nhớ về những ngày Tết của thời ấu thơ. Nó hồn nhiên tới mức bây giờ tôi ước giá mà tôi được một lần trở lại.

Ngày còn bé, Tết đến trong sự mong đợi của bọn trẻ con chúng tôi. Cữ hễ gần đến Tết, nỗi lo của bọn tôi chỉ đơn giản là: "Tết năm nay không biết sẽ mặc đồ gì? Nhận được bao nhiêu tiền lì xì? Rồi thì không biết ba mẹ sẽ cho đi đâu chơi?". Đấy, chỉ đơn giản như vậy đấy, mà ngốn cả một đống thời gian của chúng tôi rồi. Con nít ấy mà, cứ hễ có cái áo mới, chiếc quần mẹ mới mua hôm qua hay đôi giày để tung tăng thì cứ tíu tít cả ngày. Đem ra ướm thử không biết bao nhiêu lượt.

Ngày còn bé, là bọn con nít trong xóm cược với nhau xem giao thừa tối nay đứa nào còn thức. Và lần nào thì chị em nhà tôi cũng thắng, động lực lớn nhất để chị em tôi chiến thắng chẳng phải chúng tôi mong đợi thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mà là vì khi đồng hồ điểm 12h, là lúc bốn chị em được ba mẹ lì xì. Có tận hai bao lì xì nên dù có mắt nhắm mắt mở vẫn thức rồi trèo lên giường đi ngủ ngay sau đấy.

Ngày còn bé, là mọi thứ cứ như lịch trình đã được ba mẹ hoạch định sẵn. Sáng mồng 1 ngủ dậy, xuống bếp đã thấy mẹ chiên sẵn bánh tét, có củ kiệu dưa món đủ cả. Ăn xong cả nhà xúng xính quần áo mới ghé nhà nội chúc Tết. Cả nhà nội đều sum họp ở đấy. Cùng nhau tỉ tê, những cái ôm ấm áp tràn đầy tình yêu thương. Rồi người lớn lì xì cho con nít, người nhỏ mừng tuổi cho người lớn. Vui nhất là giây phút nội cầm một xấp tiền lẻ 2 nghìn mới kít, cả bầy cháu đứng xếp thành hàng, cháu đông quá nên nội còn sợ  sẽ bị sót đứa nào, nội cứ đếm tới đếm lui xấp tiền lẻ. Cả nhà xong “thủ tục” đâu vào đấy thì lại kéo nhau đi tảo mộ. Tảo mộ xong xuôi cả nhà về nhà nội ăn trưa, rồi chơi bài xì lát (hay còn gọi là bài xì dách). Năm nào cũng thế.

Tết năm nay cũng không ngoại lệ. Nhưng theo thời gian, “dân số” cứ ngày một thưa dần, vì mấy anh chị lớn giờ đã có gia đình, có những người định cư ở nước ngoài, cũng có những người đi xa chẳng trở về… Nội cũng không còn nữa. Cả ba cũng theo ông bà nội về với đất mẹ. Chính vì thế mà Tết chẳng còn vui như ngày còn bé. Giờ để mà sum vầy đông đủ, cũng khó!

Mồng 2 thì về nhà ngoại, ông bà ngoại chỉ có mỗi một mình mẹ nên chỉ đi tảo mộ ở quê ngoại rồi về. Nhưng mà vẫn háo hức dữ lắm, vì hồi ấy, hễ cứ được đi đâu xa là trong đầu cứ hiển nhiên nghĩ rằng “mình đang được đi du lịch”.

Mồng 3 lại tập trung ở nhà nội để cúng đưa ông bà. Lại một lần nữa sòng bài xì lát nhà nội đông đến nổi không đủ bài để chơi. Tiếng cắn hột dưa lốp đốp, tiếng cười nói không ngớt. Vang lên đều đều.

Ba ngày Tết trôi qua cái vèo. Nhanh đến nỗi tôi còn chưa kịp đếm tiền lì xì thì đã hết. Để rồi đọng lại tiếc nuối trong lòng bọn con nít chúng tôi.

Còn bây giờ, chưa đến tuổi lập gia đình nhưng cũng không còn là trẻ con nữa, nên Tết là những ngày nghỉ ngơi, là những ngày chuẩn bị tươm tất để đón khách. Không đến nỗi quá bận như “những người lớn” khác nhưng cũng không còn vô tư nữa, nên Tết trôi qua theo cách riêng như thế.

Ai cũng một lần trong đời được làm con nít, cũng một lần sẽ thành người lớn. Vì vậy ai rồi cũng cảm nhận được Tết vui như thế nào và rồi cũng sẽ nhận ra Tết không còn háo hức như ngày mình còn bé nữa. Giống như tôi của bây giờ vậy.

Thanh Thúy