Ký ức Tết trong tôi: Manh áo mới ngày Tết
Với mỗi người chúng ta, khi nhắc đến Tết thì hết thảy ai nấy đều thấy háo hức, bâng khuâng. Và khi đời sống ngày càng được nâng cao, thì ký ức về Tết thời nghèo khó tự dưng cứ ùa về làm lòng ta bồi hồi xúc động.
Trong miền ký ức của tôi, vẫn còn nguyên lành cái cảm giác vui sướng và thích thú khi ngày Tết được mẹ mặc cho bộ quần áo mới. Đối với những đứa trẻ quê như tôi thì đó quả là một niềm vui, một món quà vô cùng quý giá.
Bởi ngày đó kinh tế còn thiếu thốn lắm, chạy ăn từng bữa, chứ nói gì đến may mặc! Ngày ấy, cứ anh chị mặc quần áo ngắn lại chuyển sang cho em mình mặc. Cả năm có mỗi dịp Tết là được may quần áo mới, nhà nào đông con có khi chỉ được may áo, thôi may quần, hoặc là ngược lại. Có lẽ vì thế mà niềm mong ngóng, sự háo hức về Tết của chúng tôi trở nên đặc biệt hơn, ý nghĩa hơn.
Ảnh minh họa.
Vào mỗi bận cuối năm, mẹ dẫn anh em tôi đi may quần áo mới. Chúng tôi vui mừng lắm. Hai đứa em tôi cứ hết đi ra rồi lại đi vào giục mẹ tôi đi nhanh kẻo người ta may trước thì hết vải đẹp. Thực ra là chúng nóng ruột quá thôi, chứ ở hiệu may thiếu gì vải. Rồi mẹ dẫn chúng tôi đi, chúng tôi lăng xăng chạy phía trước, mẹ tôi đi như chạy theo chúng tôi. Mẹ phải luôn miệng nhắc: “Kìa, đi chậm thôi các con, ngã thì chết!”. Chúng tôi như chả nghe thấy gì. Trong đầu những đứa trẻ lúc đó toàn là những tấm vải với các màu sắc tuyệt đẹp, nó như nhảy múa trước mắt. Cảnh sắc những ngày cuối năm thường u ám và lạnh giá, thế mà tôi không thấy vậy. Tôi để ý thấy dọc lối quê những chùm hoa chó đẻ rung rinh trong gió cũng đẹp làm sao! Bầy ong vo ve ở trong ấy nghe thật rộn ràng, chúng như đang hát, bài hát gọi mùa xuân.
Ngày mùng 1 Tết, chúng tôi thường dậy rất sớm, dậy sớm để mặc quần áo mới. Trong khi mẹ và bà còn đang bận rộn sắp đồ cúng, chúng tôi đã léo nhéo đòi mẹ mặc cho quần áo. Mẹ tôi vì đang bận nên thường cười mà trì hoãn rằng, mặc muộn một chút thì quần áo sẽ được mới lâu hơn.
Khi đã khoác lên mình bộ quần áo tinh tươm, anh em chúng tôi thường chạy khắp nhà khoe với bố, với ông, rồi chúng tôi cười đùa rộn rã. Với chúng tôi, dường như lúc đó Tết mới thực sự đến! Đứa em gái tôi mặc chiếc áo hoa màu hồng, trông nó khác hẳn với ngày thường. Miệng con bé hình như luôn nở nụ cười, cặp môi như được bôi son đỏ như cánh hoa đào, đôi má hồng lên ấm cả gian nhà. Thằng em trai tôi diện một áo màu xanh da trời, cái quần tím than, nó đi quanh nhà, ra thềm, nhảy chân sáo ngoài sân và hát: “Xuân xuân ơi! Xuân đã về”. Cái giọng hát ngọng líu ngọng lô của nó làm cả nhà phải bật cười. Thằng bé chả hiểu ra sao, mắt tròn xoe nhìn mọi người, rồi nó cũng cười theo, tiếng cười trong và giòn tan. Tiếng cười làm mấy giọt sương đọng trên chót lá giật mình rớt xuống. Tôi cũng đã mặc quần áo mới và ngắm nghía thật kỹ trước gương. Bộ quần áo mới làm cho tôi thấy mình lạ quá, một cảm giác phấn chấn rộn lên ở trong lòng. Mẹ và bà nhìn chúng tôi cười, bà bảo: “Chà! Đúng là già được bát canh, trẻ được manh áo mới nhỉ”.
Đi chơi Tết thăm họ hàng, tôi thật sự thích thú khi có ai đó khen mình mặc đẹp, khen bộ quần áo vừa vặn... Tôi thường liếc nhìn rồi ngầm so sánh quần áo của mình với những đưá trẻ khác. Và kết quả cuối cùng thì vẫn tự đắc ý với bộ quần áo của riêng mình. Tôi còn nhớ lời dặn của người lớn khi đó rằng, phải giữ quần áo thật sạch sẽ, không lấm bẩn, thì sẽ không bị mất dông. Chúng tôi, những đứa trẻ quê, thật sự đã làm rất tốt điều đó. Chẳng đứa nào dại gì lại làm quần áo bẩn cả.
Tôi đã lớn lên và đi qua những cái Tết như thế. Những bộ quần áo mới của ngày Tết ấu thơ vẫn mãi là hình ảnh, kỷ niệm không thể nào quên. Giờ đây, mỗi khi Tết về, xuân đến, ký ức đẹp đẽ về những Tết xưa, những manh áo ngày ấy luôn làm cho tôi rưng rưng một nỗi niềm khó tả!
Lê Minh Hải