Ký ức Tết trong tôi: Tết về nhớ ngoại ngày xưa
Năm nay, Tết đến xuân về, nhìn người ta xuôi ngược thăm chúc ông bà mà lòng buồn nhớ ngoại - một người đặc biệt bù đắp cho những mộng tưởng về ông bà của tôi hồi nhỏ, nhất là cái quãng đời hay hờn tủi, thèm thuồng chút tình thương xa xỉ của nội.
Tôi sinh ra, ngoại đã sống một mình. Bà cứ lủi thủi trong căn nhà cấp bốn ọp ẹp, chẳng muốn bấu víu, dựa dẫm vào ai. Dù bà có tận 6 người con, nhưng lúc nào nói đến chuyện đón ngoại về ở cùng, bà cũng cười xuề xòa: “Tao ở vậy quen rồi”. Thế nên, năm hết Tết đến nhà người ta tưng bừng, hứng khởi. Tết của ngoại buồn ơi là buồn. Chẳng đượm màu đào mai khoe sắc, không tấp nập người gói bánh chưng xanh. Tết nhà ngoại đơn giản là sáng mùng 2 mấy đứa con gái, cháu ngoại cùng về ăn bữa cơm sum họp gia đình.
Ấy thế mà, ăn một bữa cơm thôi nhưng từ đầu tháng Chạp tôi đã thấy ngoại dần chuẩn bị. Bà hay lẩm bẩm ngoài vườn như đánh dấu “cái hoa rau này vừa, để sau chắc cũng kịp”, hoặc lẩn quẩn trong nhà đếm mấy thứ cần mua. Rồi năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên. Chiều 29, mẹ sắm cho tôi cái túi đựng cặp bánh chưng, chai rượu nếp, mấy gói bánh và một phần trầu cau. Dặn kỹ càng rằng đưa bà cúng cụ thì khi về ngoại cũng nhắc liên miên. Nào rau cần, thịt bò, cân giò mỡ..., bảo mẹ cứ mua đừng tiết kiệm làm gì.
Ngoại chưa bao giờ tiếc con, tiếc cháu. Dẫu bình thường mình khổ chút không sao. Bởi bà không lương nên tiền đâu mà có. Toàn bòn nhặt từ mớ rau, con gà lâu lâu gửi mẹ bán, hay đôi lần con cháu về thăm nom. Bà dành dụm hết thảy, chờ phiên chợ tết thì sắm quần áo mới cho lũ nhỏ chúng tôi, lớn hơn nữa là phong bao lì xì. Dù không nhiều nhưng ai cũng thích khiến bà vui vẻ mà cười hoài không dứt.
Rồi sớm mùng 2, bốn nhà quây quần lại. Người ngồi trên giường, kẻ kê ghế vòng quanh, để cùng nói chuyện năm qua. Từ nhà cửa, ruộng vườn đến làm ăn buôn bán. Ngoại chỉ yên lặng lắng nghe. Ở dưới bếp, mẹ với các bác gái thịt gà, nhặt rau nấu cơm cúng gia tiên trong nhà. Những năm còn khỏe, ngoại hay lụi cụi trong bếp làm cỗ từ sớm, chẳng để ai động tay. Ai có tranh thì bà cũng gàn “để ngoại làm, cả năm mới có một dịp nấu cho tụi bây, chứ nhiêu đâu”.
Ừ nhỉ! Nếu không có Tết lấy đâu ra ngày về đông đủ. Chúng tôi còn gần, mấy bác lấy chồng xa, dẫu nhớ mẹ cũng chỉ biết giấu trong lòng. Nhà chồng thấu hiểu đồng ý thì mới được về quê mẹ ăn Tết, nhưng vài năm mới được một lần, thấm thoát gì với nỗi nhớ khôn nguôi.
Nhà ngoại nhỏ nên sắp cơm cũng hơi chật. Trải chiếu dưới nền lẫn trên giường mới vừa đủ chỗ. Cả nhà ngồi thành vòng tròn lớn, vòng tròn nhỏ quanh mâm. Người nói, người cười ầm vang khắp cả nhà. Tôi thấy ngoại ngồi trông nom vui lắm. Bà chả ăn mấy đâu, suốt buổi chỉ lo gắp hết đứa nọ đến đứa kia. Ai cũng có phần, về với ngoại lớn cũng thành con trẻ, đều được yêu thương như cái thuở nằm nôi.
Ngoại ngày xưa thường hay thủ thỉ, bà già rồi cần chi sang giàu. Cứ ngày Tết đến, cháu con trở về, gia đình đoàn tụ thì bà đã thỏa lòng mãn nguyện. Vì bà thương tất cả chẳng kể gái trai, nội ngoại xa gần. Cho đến tận năm cuối cùng, bệnh tật nằm một chỗ vẫn không quên dặn con, dặn cháu mùng 2 sang nhà ngoại.
Chỉ là ngoại ơi! Người đi từng ấy năm, mùng 2 không chốn về...
Lê Ngọc