F CHỢ TẾT TRONG KÝ ỨC ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


CHỢ TẾT TRONG KÝ ỨC

Bao năm tháng ngược xuôi tất bật cơm áo, gạo tiền, đã bao giờ bạn để lòng mình thảnh thơi mà sống lại những kỷ niệm thời thơ bé mỗi khi Tết đến xuân về. Còn tôi, dù đã rời làng quê yêu dấu lên phố xá bao năm, sắm Tết chỉ cần đi siêu thị một chuyến là xong, dẫu tiện lợi và đỡ mất thời gian nhưng tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu một cái gì chẳng thế gọi thành tên. Tôi thèm được trở về ngày xưa cũ với những hoài niệm da diết về chợ Tết ở quê mình.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày ấy, chợ huyện quê tôi nổi tiếng sầm uất trong vùng, người mua kẻ bán tấp nập, nhất là vào những ngày phiên chợ. Giáp Tết thì chợ càng đông đúc hơn bao giờ hết vì bao nhiêu sản vật của quê nhà đều được chở về đây. Tôi thích nhất là được theo mẹ đi chợ sắm Tết. Dù tôi xách đỡ mẹ chẳng được bao nhiêu nhưng Tết nào mẹ cũng đưa tôi đi cùng. Mẹ luôn miệng nhắc tôi không được rời khỏi mẹ nửa bước để tránh bị lạc.

Chợ ngày Tết la liệt các mặt hàng, cơ man nào là quần áo, giầy dép, thực phẩm... Tôi háo hức đi qua lần lượt các gian hàng, mắt cứ dán vào những chùm bóng bay rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng hình con thỏ, con cá, con mèo rất ngộ nghĩnh. Mẹ dẫn tôi đi qua hàng vàng mã mua mấy thẻ hương thơm và xấp giấy tiền rồi đến hàng đồ khô để chọn miến, măng, mộc nhĩ, đỗ xanh.

Mẹ dẫn tôi chen qua đám đông để tới khoảng đất trống, nơi các bà các cô mang đồ của nhà đi bán, ngồi bệt ngay vệ cỏ ở góc chợ mời chào. Mẹ chọn bó lá dong tươi xanh để chuẩn bị gói bánh chưng, vài mớ mùi già thơm nức mũi để nấu nước rửa mặt những ngày đầu năm mới. Hai quả gấc chín đỏ mẹ dành nấu xôi sáng mồng một Tết để dâng cúng trời đất, tổ tiên, cầu mong những điều tốt lành, bình yên. Mẹ dẫn tôi ra dãy hàng hoa để ngắm cho thích mắt rồi mới mua.

Cả một góc chợ sáng bừng rực rỡ đến nỗi tôi tưởng đâu người ta chở cả mùa xuân về chợ. Những cành đào muôn nụ chúm chím khoe sắc hồng, những chậu quất cảnh quả sai chi chít, vàng rực. Muôn hoa khoe sắc thắm, tỏa hương thơm ngát gọi xuân về, từ đồng tiền đến thược dược, hoa hồng, hoa cúc, hoa lay ơn, cẩm chướng... được bày bán cả một dãy dài. Mẹ chọn một cành đào nhỏ nhưng sai nụ, một bó hoa cúc đủ màu rồi gói cẩn thận vào một tờ báo cũ, nhẹ nhàng nâng niu.

Đi một vòng quanh chợ, mẹ dẫn tôi vào bách hóa tổng hợp, nơi ấy là niềm mong ước, là nỗi thèm thuồng của bất cứ đứa trẻ nào cùng trang lứa với tôi. Trong đó có quần áo, sách vở, bút viết..., nhìn thứ gì tôi cũng muốn mua nhưng mẹ chỉ chọn một bộ quần áo sặc sỡ cho tôi diện Tết và một chiếc bút máy. Mẹ chọn mấy gói mứt, kẹo lạc, kẹo chim chim và gói hạt dưa để tiếp khách ngày Tết. Trước khi ra khỏi chợ, thể nào mẹ cùng dẫn tôi qua hàng quà, mua vài cái bánh rán vừa được vớt ra từ chảo mỡ đang xèo xào, gói lại mang về. Dù sau này được đi nhiều nơi, được thưởng thức nhiều món ngon món lạ nhưng tôi chẳng thể nào quên được mùi vị bánh rán quê nhà thuở ấy, vỏ giòn nhưng bên trong lại dẻo vì được làm bằng bột nếp hương, nhồi nhân đậu xanh, ăn vào là vương vấn mãi không thôi.

Thời gian chẳng bao giờ chờ đợi một ai, bao mùa xuân đến rồi đi như quy luật tuần hoàn của đất trời. Tôi lớn lên, rời quê đi học xa, đi làm xa rồi lập gia đình nơi phố thị. Chợ quê chỉ còn trong nỗi nhớ niềm thương. Giáp Tết năm nào cũng vậy, nỗi nhớ quê, nhớ mẹ cứ cồn cào gan ruột. Lòng tự nhủ nhất định mình sẽ trở về, gác lại mọi công việc tất bật cả năm để được đi chợ huyện sắm Tết cùng mẹ như ngày xưa, để được ngắm hoa và bóng bay rực rỡ, đươc ngửi mùi Tết ấm nồng từ hàng bánh rán tỏa hương mời gọi.

Bây giờ, chợ huyện quê tôi không còn đông đúc như ngày xưa bởi các siêu thị mi-ni, các cửa hàng tạp hóa mọc lên khắp nơi. Muốn mua gì chỉ cần ra đầu ngõ là có hoặc bấm điện thoại thì dịch vụ sẽ chở hàng đến tận nhà. Riêng đào, quất và các loại hoa đã được chuyển sang chợ khác. Bách hóa tổng hợp đã giải thể từ lâu, còn chăng chỉ là ngôi nhà rêu phong in hằn dấu vết thời gian trên bốn bức tường cũ kỹ. Tôi thảnh thơi trong buổi chiều cuối năm, thăm lại từng ngõ ngách của chợ xưa nhưng có bao thứ đã bị lớp bụi của thời gian xóa nhòa cả dấu vết. Đành cất tất cả kỷ niệm vào một ngăn ký ức để mỗi khi trở về quê hương, trở về bên mẹ vào dịp xuân sang, lòng tôi lại ấm áp và đong đầy thương nhớ.

Trần Thúy Lành