Nếu bạn chưa từng được một lần ngồi thui chuột trên đồng, có nghĩa là cuộc đời bạn còn thiếu thốn và đơn điệu đấy!
Trong ký ức tuổi thơ nghèo khổ và đói dài của tôi, chuột chiếm một vị trí khá quan trọng.
Những con chuột đồng béo núng nính, lông óng mượt luôn luôn là một thứ quà tặng của trời cho những đứa trẻ thiếu đạm như chúng tôi. Thích nhất và chúng tôi cũng mong ngóng nhất là vào mỗi vụ gặt tháng mười.
Quê tôi, chỉ vụ tháng mười khô ráo người ta mới cấy lúa nếp, đương nhiên là lúa nếp cái hoa vàng kén đất hơn mẹ chồng thời ấy kén dâu. Loại lúa ấy làm thơm cả đất, giờ đây tôi đi tìm khắp không thấy. Bọn chuột vốn là loại tinh ranh, lại rất sành ăn, thường chén đẫy lúa nếp vào khiến thịt chúng chả khác nào được ướp hương. Trời se se lạnh. Các chân ruộng gặt đều khô, cộng với hương vị mùa màng khiến tâm hồn bọn trẻ chúng tôi rất hưng phấn. Nhưng hưng phấn hơn cả là những cuộc đi săn chuột, loại chuột ăn lúa nếp vừa nói.
Khi cánh đồng lúa thu hẹp dần, lũ chuột buộc phải tìm cách ẩn náu trong hang. Hang chuột phát hiện không khó. Chúng đầy rẫy trên khắp cánh đồng. Cái khó nhất là đoán xem trong hang có chuột hay không, chuột to hay bé? Khi quyết định tấn công một hang chuột nào đó, chúng tôi có đủ các cách khác nhau. Thông dụng nhất là dùng thuổng đào. Nếu gặp đất rắn, việc đào khó khăn thì có thể dùng ngay rạ trên đồng đốt lên rồi quạt khói hun chuột. Còn có cách nữa là thay nhau múc nước đổ vào hang. Chuột không chịu được khói và nước, sẽ phải theo ngách thoát hiểm ra ngoài và trước sau cũng bị chúng tôi chịt cổ.
Nhưng hun khói và đổ nước chỉ hữu hiệu với những con chuột chưa từng trải, ít kinh nghiệm sống, sức chịu đựng kém. Còn với những con đã lão luyện trường đời, đã từng ăn đủ lộc, đủ đòn của thiên hạ thì hai cách trên nhiều khi chỉ được “lông chuột”. Khi đào hang, những con chuột này hình như cũng đã lường tới tình huống bị tấn công bằng khói và nước. Chỉ cần trong hang có một khe nhỏ, bí mật thông lên trên lấy không khí, vừa cho con chuột đút mũi vào đấy, thì chúng tôi có hun khói hay đổ nước cả ngày cũng không bắt được chúng!
Những con chuột đồng săn được nhanh chóng bị vùi vào tro nóng để việc làm lông trở nên vô cùng dễ dàng. Sau đó chúng được thui như người ta vẫn thui chó. Da con chuột, từ trắng tinh trắng nõn chuyển sang màu vàng, căng lên, ngấm theo ra một chút mỡ khiến toàn thân nó bóng nhoáng. Và thơm, lẫn mùi khen khét đến điếc cả mũi. Mùi thơm của mỡ chuột đồng, quyện với mùi lông chuột cháy có lẽ là thứ mùi quyến rũ nhất trên đời. Nếu bạn chưa từng được một lần ngồi thui chuột trên đồng, có nghĩa là cuộc đời bạn còn thiếu thốn và đơn điệu đấy!
ông việc tiếp theo là mổ bỏ nội tạng chuột. Chỉ với một mảnh tre, việc này dễ hơn mổ cá rất nhiều, nhất là đối với lũ trẻ thạo nghề kiếm sống như chúng tôi. Và hoàn toàn mổ khô, tức là không được rửa qua nước. Con chuột sau đó bị banh ra để rắc lên vài hạt muối và ép vào đó lá ổi đã bị bóp nát, thứ lá ổi bánh tẻ hái từ những cây ổi găng cho quả có mùi thơm kỳ dị luôn được chúng tôi chuẩn bị từ ở nhà. Nhất thiết phải là lá ổi. Lá ổi đi với chuột nướng kỳ diệu hơn lá mơ đi với thịt chó nhiều. Và tất nhiên là thịt chó lá mơ không bao giờ có thể sánh được với thịt chuột nướng lá ổi của chúng tôi hồi bé.
Mỡ chuột nhỏ xuống than đốt từ gốc cây lúa nếp, kêu xèo xèo cùng với nước miếng tứa ra khắp chân răng. Những cái bụng học trò chả mấy khi được no cơm, xuân thu nhị kỳ mới nom thấy miếng thịt, đồng loạt réo lên. Chỉ một lát sau mặt đứa nào đứa ấy bóng nhẫy, cười nói hể hả trong khi tâm hồn trở nên phơi phới, vừa hát váng vừa độ lượng rong trâu về, bỏ lại những đống lửa nướng chuột cháy bập bùng trên khắp cánh đồng chỉ còn chân rạ và một thứ mùi thơm được gió đưa đi làm ấm cả không gian.
Sẽ chẳng có cao lương mỹ vị nào trên thế gian này đủ sức thế chỗ món chuột đồng nướng lá ổi trong ký ức lũ trẻ của chúng tôi ngày ấy.