Như một thói quen, mỗi khi tiết trời se lạnh, gió mùa xuân ùa về trong ánh nắng sớm mai, Bích thấy lòng mình xuyến xao. Bích muốn viết một cái gì đó, dù chính Bích cũng không biết mình sẽ viết gì. Một bài thơ, một đoạn văn ngắn, vài dòng nhật ký trong những trang còn trống cuối cuốn vở cũ mèm, hay một lá thư gửi cho người phương xa.
Bích không biết người phương xa có nhận được lá thư của mình hay không, nhưng năm nào Bích cũng cặm cụi ngồi viết, bỏ vào phong bì, dán con tem ở góc trên lá thư rồi gửi về cái nơi mà Bích nắn nót đề là “Xóm Mù U”, nghe thôi đã thấy mịt mù, xa tít.
*
“Gửi quê nhà thân yêu của con,
Đã lâu rồi con không có dịp về lại xóm Mù U, bây giờ chắc xóm mình vui hơn xưa rất nhiều. Con nhớ xóm Mù U lắm! Con nhớ từng khuôn mặt người quê phúc hậu, hiền lành. Con nhớ cây mù u mọc dại ven bờ sông gần tết lại trổ bông rụng đầy trắng xóa.
Con nhớ cái nhà nhỏ nằm dưới rặng mù u, phía sau có mảnh vườn, hai ngôi mộ nằm trên cỏ xanh. Bao năm xa xứ, con thấy lòng mình trống trải, con muốn trở về nhưng quê xưa con chẳng còn lấy một người thân.
Tết năm này, con lại ở một nơi rất xa, vì hoàn cảnh nên con không thể về đón tết cùng bà con xóm mình được. Dì Mận nói út Cò chạy sang giẫy cỏ quanh mộ ba má con giùm, thắp cho ba má con nén nhang để ba má vui ngày tết. Con nhất định sẽ trở về vào một ngày không xa…”.
Lá thư được gửi về xóm Mù U. Người đàn bà mà Bích gọi là dì Mận cầm lá thư đưa ra xa để đọc cho rõ chữ, được mấy dòng thì dì Mận dụi mắt bảo “Cò ơi, mày lại đọc coi chị Bích mày viết cái gì đây nè! Mắt má “làng” rồi, đọc không rõ chữ”. Út Cò chạy lại cầm thư đọc tròn vành rõ chữ cho má nghe. Cũng nhờ Út Cò nghe lời chị Bích dặn dò qua mấy lần gửi thư, ráng mà học để biết cái chữ cái nghĩa, mai sau cuộc đời sẽ sung sướng, nên Út Cò mới biết chữ.
Nhà dì Mận với nhà Bích cách nhau một con kinh nhỏ xíu, bên bờ kinh có cây mù u, chim chóc hay về làm tổ trên cây này bao bận gió bão mà cây không bật gốc. Tết năm nào dì Mận với Út Cò cũng đi ngang qua con kinh, sang nhà Bích, lúi húi làm cỏ, quét tước, kỳ cọ ngôi mộ vôi đã tróc loang lổ từ lâu. Vừa làm, dì Mận vừa nói vu vơ:
- Con Bích thiệt tình, đi gì mà đi biền biệt không về. Mồ mả nhà nó mà năm nào tao cũng quét tước dọn dẹp, y hệt như nhà tao vậy hà- Nhưng rồi dì Mận lại dịu giọng- Mà nghĩ cũng tội chị Bích mày quá hen, Út Cò? Chắc nó có nỗi khổ riêng nó mới xa xứ đến giờ này. Chứ má biết con Bích nó ái náy dữ lắm.
Út Cò không đáp, út đang kỳ cọ mấy mảng rêu xanh đen bám trên thành hai ngôi mộ giữa đồng cỏ xanh. Người trong xóm Mù U mỗi lần đi ngang qua mảnh đất này đều buông lời trách “Con Bích bỏ xứ, quên cội quên nguồn, bỏ hẳn cái xóm Mù U khỉ ho cò gáy này luôn rồi”. Dì Mận nghe thì dì bênh, dù lòng dì cũng giận Bích dữ lắm. Không biết Bích ở đâu, xa xôi cỡ nào mà không về được, chỉ gửi lấy một phong thư làm tin.
*
Ở xứ người thì Bích cũng đón tết. Bích tham gia vào nhóm người Việt sống tại xứ sở hoa anh đào, cùng nấu bánh tét, cùng làm dưa củ kiệu, thịt kho… mấy món quen thuộc của ngày tết cổ truyền Việt Nam cho đỡ nhớ. Nơi đó mùa xuân thường lạnh hơn đất nước của mình, cách xa ngàn cây số, phong tục khác, cảnh vật cũng khác.
Đôi lúc Bích thấy mình lạc lõng, cô đơn, Bích nhớ đến xót xa những ngày ấu thơ được đón tết trong không khí ấm áp của một gia đình hạnh phúc. Tết năm nào má Bích cũng gói bánh, không nhiều thì ít; ba Bích sửa lại cái nhà, chặt bớt mấy nhánh cây lòa xòa trước sân cho quang đãng.
Tết thường đến khi vụ lúa đã xong, ruộng nằm phơi ánh nắng xuân, lúa chất đầy bồ và đống rơm vàng phảng phất hương thơm trước sân nhà gợi thương gợi nhớ. Những cảnh vật ấy đã khắc đậm trong tâm trí Bích. Bích nhớ dáng má khum khum ngồi bên bếp lửa sên mứt dừa, mứt mít.
Nồi bánh tét sau nhà sôi ùng ục, lâu lâu Bích lại chạy ra coi lửa còn đượm hay không. Bích nhớ tiếng ho sù sụ của ba mỗi khi ngồi hút thuốc trước hiên nhà, mắt ba nhìn ra sông- dòng sông quê hương chứng kiến từng đoạn đời của Bích, của ba má Bích. Dòng sông vẫn vĩnh hằng trong tâm trí Bích.
Lâu lắm, Bích không được đón tết cùng ba má, trong căn nhà đơn sơ ba má vun vén một đời. Ở đất khách, tết Bích thường nằm trong nhà, chùm kín chăn, lần lại những ký ức xa xưa để mà vui, mà buồn, mà khóc.
Bích viết, nỗi nhớ má, thương ba, nhớ xóm nhỏ hiền lành, nhớ dòng sông quê trong sạch như lòng người xóm Bích. Bích viết ra giấy thấm nhòe giọt nước mắt Bích rơi. Cũng đã lâu Bích không còn cảm giác sung sướng vì diện đồ đẹp đón tết. Hồi nhỏ, mỗi lần tết đến má lại chở Bích ra chợ huyện sắm cho Bích bộ đồ.
Còn má thì chỉ có độc một chiếc áo mới mặc tết năm này sang tết năm nọ. Nói là áo mới nhưng thật ra nó đã vá hai mảnh ở vai và ở hông. Nhà Bích nghèo, ba má Bích lam lũ, vất vả mà nợ nần vẫn tứ giăng. Có hôm Bích nấp sau vách nhà nghe tiếng chủ nợ mắng nhiếc má ở trong nhà, Bích thương đứt ruột.
Lớn lên một chút, Bích xin má cho Bích lên thành phố đi làm, theo chân các chị trong xóm Mù U, lâu lâu lại gửi tiền về cho má. Bích còn đòi đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài để ba má đỡ nhọc nhằn. Má nói “Thôi, má thà không tiền, nghèo khổ chứ má không muốn mất con”. Bích lặng thinh. Tận sâu trong lòng Bích thấy mình nợ ba má nhiều lắm.
*
Tết năm ấy yên ắng lạ kỳ. Đoạn tang ba, má lâm bệnh. Bích vừa dọn dẹp nhà cửa vừa chăm má, nghe má ho là Bích chạy vào buồng đỡ má dậy, lấy cho má cốc nước, vuốt ngực cho má dịu cơn ho. Bích sợ nhất là cái tuổi xế chiều của má, ba mất rồi, Bích chỉ còn mỗi mình má trên đời. Bích không muốn để mất điều thiêng liêng nhất.
Má bệnh, tết nhứt trong nhà không một món mứt, một cái bánh. Đó là cái tết buồn nhất trong cuộc đời của Bích. Chiều ba mươi, dì Mận bơi xuồng qua sông thăm má, dặn Bích dù gì cũng làm mấy món để cúng ba. Có con chim sáo bay từ bên kia về đây đậu ở tán cây mù u dưới sông réo inh ỏi. Bích ngồi ngoài thềm nhà nghe tiếng pháo nổ giòn rụm ở ngoài đầu xóm vọng lại, mà lòng Bích bộn bề. Cả tiếng cối xay bột xè xè bên nhà dì Mận vọng qua cũng không làm Bích vui và cảm nhận được không khí của tết năm ấy.
Cuối cùng, má đã không chống chọi được. Má đi, cũng trong cái tết năm ấy. Mộ má nằm giữa mảnh đất vườn nhà cỏ xanh, cạnh mộ ba, xung quanh có mấy cây mù u bông trắng rụng rơi. Bích trồng thêm hoa để tô điểm cho mộ phần ba má…
Bích đăng ký đi xuất khẩu lao động, học tiếng nước ngoài, lo giấy tờ, thủ tục, rồi đi. Ngày Bích đi, Bích thắp nhang cho ba má, gửi căn nhà với mảnh vườn cho dì Mận với Út Cò trông coi. Dì Mận buồn bã nói:
- Mày đi thì đi, nhưng nhất định phải về nghen Bích. Ở nhà dì với Út Cò trông. Dì thương mày như con đẻ vậy. Mày đi dì lo…
Bích cười cười cho dì yên tâm:
- Chừng nào đủ tiền trả nợ, mua lại mảnh đất bên kia sông mà ba má con cơ cực bao nhiêu năm mới có được thì con sẽ về. Dì Mận với Út Cò đợi con nghen.
Dì Mận không nói, quay đi giấu dòng nước mắt. Ngày Bích đi, dì Mận thay má đưa Bích ra đầu xóm. Trên trời có đám mây trắng vụt bay ngang qua. Bích đi, cũng mấy mùa xuân rồi mà Bích chưa về. Dì Mận nhắc hoài. Út Cò cũng hay gọi điện cho Bích rồi đưa cho dì Mận nghe. Dì hỏi tết ở bển có vui bằng tết xứ mình hay không? Dì nói đùa: “Mày đi lâu quá rồi, không chừng quên luôn cái xóm Mù U nghèo khổ này rồi, ha Bích?”
Bích xốn xang: Làm sao mà quên được hả dì Mận? Làm sao quên được nơi mình sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi má dắt Bích chập chững đi những bước chân đầu đời? Làm sao quên được mảnh đất thiêng liêng có mộ phần ba má mà lâu rồi Bích không có dịp quay về, vì đường xa, vì Bích chưa đủ can đảm đối diện với cảnh xưa nhưng không còn người thương cũ…
Nhưng Bích sẽ về, chắc chắn thế! Bích nhớ xóm Mù U đến khắc khoải trong lòng. Những lá thư đã thay Bích trở về quê, mang theo tâm tình của Bích. Dì Mận vuốt phẳng mấy lá thư giữ trong tủ gỗ, bao nhiêu lá thư là bao nhiêu cái tết trôi qua.
*
Đêm qua, Bích nằm mơ thấy ba má dắt tay nhau tìm đến chỗ của Bích. Má cúi xuống ôm lấy Bích, sưởi ấm cho Bích trong cái lạnh lẽo của mùa xuân nơi đất khách quê người. Bích nhớ ba má, nhớ xóm xưa nhiều lắm! Bích khóc nấc trong đêm, ngoài trời gió thốc bời bời. Hoa anh đào nở rộ.
Hôm qua, Bích lướt Facebook vô tình thấy bạn bè đăng ảnh tết Việt Nam: một cành mai vàng, một nồi bánh tét, mâm cơm với những món quen thuộc mà lâu rồi Bích không được ăn, những nụ cười rạng rỡ của người thân trong gia đình… Bích thấy lòng trống vắng. Bích nghe đâu đó trong tâm khảm của mình tiếng gọi của quê hương, của xóm Mù U với những con người bình dị, chân thành, sống lam lũ mà đong đầy tình nghĩa.
Bích sẽ về, về để sửa sang mộ phần ba má, về trông coi mảnh đất quê nhà, về giữ cho nếp nhà thêm gọn gàng, ấm áp. Bích sẽ về. Xóm Mù U vẫn còn lung linh những kỷ niệm tuổi thơ sống dậy trong tâm hồn của Bích. Bích sẽ về để áp tai vào đất, lắng nghe tiếng gọi của những điều thiêng liêng trong cuộc đời.
Bích cười. Một nụ cười tươi rói.
Trần Khánh Duy