Ký ức Tết trong tôi: Thương nhớ tháng Chạp
Một chiều đầy gió, những cánh mận lắc rắc rơi đầy trên mái lá. Tháng Chạp rồi, khoảnh khắc của cuối năm chạm vào từng nốt lặng của ngày cũ.
Chẳng biết từ khi trưởng thành mình đã đánh mất đi bao nhiêu điều tốt đẹp và ấm áp của tuổi thơ bên ngôi nhà sàn lá cọ. Ngôi nhà sàn bốn mùa hun hút gió núi, dù là mùa nào tôi cũng thích ngồi trước ô cửa sổ ngắm chiều tan chậm trong những tia nắng khuất dần phía núi và cả ngày mưa che lấp khắp lối về bản nhỏ. Tháng Chạp trong hành trình ngược kí ức lúc nào cũng ăm ắp yêu thương và sự háo hức của những đứa trẻ ngóng Tết.
Ảnh minh họa.
Mẹ ngồi cặm cụi bên bếp, hơ hơ những ống nứa. Thi thoảng tôi nghe thấy tiếng nổ lép bép của ống nứa tươi khi bị hơ nóng, mẹ bổ ống nứa thành tư thành năm rồi chẻ lạt. Bàn tay chai sần của mẹ thoăn thoắt đan một lúc đã xong cái sàng, hai chị em cầm bó đóm lọ mọ theo sau mẹ để đi tháo nước ao. Mẹ đặt cái sàng xuống khe nước vừa khơi để cá không bơi ra ngoài và nước chảy vậy suốt đêm. Sáng hôm sau ai cũng dậy sớm mà không cần mẹ gọi vì đứa nào cũng ham bắt cá. Sau một đêm nước đã cạn gần hết, chỉ còn vài vũng nước nhỏ, đó là nơi nhiều cá nhất. Chẳng phải vất vả gì, đứa xô đứa chậu cứ thế mà bắt cá thôi.
Năm nào mẹ cũng bảo cứ con to là bắt hết, mẹ bảo vậy thôi chứ bắt xong mẹ lại chọn những con cá chép nào có trứng để thả đi. Đến khi thời tiết ấm, những con cá chép được thả sẽ dồn về một góc ao đã được chúng tôi làm tổ ấm bằng rễ dương sỉ và lá vải để đẻ con. Những đàn con của cá chép được thả ra ngoài đồng, chép đồng thả 1-2 tháng chỉ to bằng nửa bàn tay nhưng làm mắm cá lại rất ngon và đưa cơm. Ở làng tôi nhà nào cũng có một ao cá trước nhà và đứa trẻ nào cũng có tuổi thơ chờ ngày cuối năm bố mẹ tháo ao bắt cá như chị em tôi.
Ngày còn bé, mỗi khi nhìn về phía những ngọn núi trước nhà, tôi thầm ước có thể một lần lên đó và trèo lên cây là sẽ chạm tới những đám mây. Mãi về sau khi lớn lên, cùng mẹ đi rừng thì tôi mới biết phía sau đỉnh núi đó là một rừng măng vầu rộng lớn. Mùa đông ở trên núi lạnh như dao cứa vào da thịt, sương muối kết thành những dòng sông sương trôi bồng bềnh qua tán lá, qua cánh rừng. Những buổi sớm lên rừng tìm măng, con đường chập chờn không rõ lối, những hạt sương phả thẳng vào mặt, bám đầy mi mắt, vừa đi vừa phải lau mắt để nhìn rõ đường.
Leo lên dốc đứa nào cũng phải chống gậy cho đỡ mệt. Trên đỉnh núi là một bãi đất trống rộng thênh thang mọc chi chít cỏ may. Chúng tôi thường nghỉ chân ở đây để đi tìm cây đóng cán thuổng, phải là cây to và nặng thì lúc đào măng mới tạo ra lực mạnh. Từ trên đỉnh xuôi xuống bên kia là những sườn thoải, ở giữa khe sâu nhất các sườn núi là con suối "Khuổi Khá", cũng là ranh giới giữa làng tôi và xã Lăng Can.
Hầu như chủ nhật nào đám trẻ ở làng cũng rủ nhau đi tìm măng, vào đầu vụ có khi cả ngày cũng chỉ tìm được 4-5 củ thôi nhưng vẫn thích thú. Chúng tôi mang cuốc xới đỏ cả rừng vầu, lần theo từng cái rễ. Sau những đợt mưa phùn đất được tưới ẩm, những mầm măng nhú lên bám tươi lớp đất đỏ. Mỗi lần đi tìm măng chúng tôi chẳng ai dặn ai mà đứa nào cũng mang bật lửa và muối, cứ tầm trưa là xúm lại lấy củi nhóm lửa để nướng măng. Măng nướng phải chọn những củ mọc khỏi mặt đất thì mới có nhiều lá, ăn mềm và thơm. Hôm nào đi được sớm còn mang theo vợt để xúc cá, tìm rau rừng, bắp bi chuối. Trong mâm cơm Tết ở quê tôi nhà nào cũng phải có một đĩa măng, đó là một món ăn ngầm hiểu cho sự tri ân tổ tiên vì đã khám phá ra vùng đất trù phú này để các thế hệ con cháu dựa vào rừng mà được no đủ và khôn lớn.
Tháng Chạp về, những mùa cũ lặng im cho lòng người mênh mang nỗi nhớ. Trong mỗi con người trưởng thành ai cũng từng có cho riêng mình một khoảng trời thật tươi đẹp - đó là tuổi thơ.
Trịnh Thị Thứ