Ký ức Tết trong tôi: Tết yêu thương
Tết là dịp của những đứa trẻ, được mặc quần áo mới, được tung tăng trên đường làng theo cha, theo mẹ tới nhà anh em bà con nhận lì xì. Tết là dịp để chúng tôi ngồi lại cùng nhau đếm tiền chia nhỏ ra bỏ vào ống heo và sắm vài thứ nho nhỏ cần thiết. Đối với mỗi đứa trẻ hồi đó, Tết là dịp để chúng tôi được đắm chìm trong những tờ tiền mới, đếm đi đếm lại mấy chục lần.
Tôi nhớ mẹ thường dặn, tiền lì xì anh em ráng góp cho nhiều nhiều rồi tới hè mẹ sẽ mua cặp sách mới cho mấy đứa. Sách vở và những thứ cần thiết phục vụ học tập. Anh em chúng tôi vâng dạ rối rít nhưng tôi biết anh cả chẳng bao giờ nghe lời mẹ. Anh thường lén rút mấy tờ tiền ra tạp hoá đầu ngõ mua pháo tép về chơi. Hồi đó việc sử dụng pháo chưa bị cấm nên mỗi lần bố mẹ chuẩn bị đi qua nhà anh em bà con là anh cả chạy về treo tràng pháo tép lên bụi chuối và bật diêm đốt. Không khí ngày Tết cứ rộn ràng. Chị em tôi ngồi dưới gốc ổi nhìn sang, bịt tai hờ hờ vànghe tiếng nổ lép bép. Xong đâu đấy, anh cả dọn mớ xác pháo quẳng ra ngoài bờ sông cho nước cuốn trôi, xoá hết dấu vết.
Ảnh minh họa.
Tôi nhớ năm đó, nhà mất mùa nên mẹ chỉ mua được cho tôi được một bộ quần áo mới, chị một chiếc quần và anh một chiếc áo. Tôi sợ đồ nhanh cũ nên chỉ mặc độc một chiếc quần, để dành áo qua Tết mới mặc đi học. Thế nhưng hôm đó, buổi sáng đi thăm anh em bà con xong thì buổi chiều cái quần đã rách tơi tả.
Số là cái tính hay leo trèo nghịch ngợm nên khi anh cả giong xe trâu đi chở lúa xay cám cho heo thì tôi chạy theo. Trâu đi lững thững, tôi cầm lấy đuôi xe trèo lên. Cái quần mới vướng ngay vào cọc sắt trên xe. Vậy là "xoạc", chiếc quần rách bung ra. Tôi hoảng hốt nhảy ngay xuống nhưng tình hình đã không cứu vãn được. Tôi ôm mặt khóc nức nở, nằm lăn ra đường bắt vạ anh cả. Anh tôi sợ bố mẹ về sẽ đánh nên hò trâu dừng lại dỗ dành tôi cả buổi.
Mẹ về, ngán ngẩm nhìn cái quần của tôi, nghĩ cách vá nó lại cho tôi mặc ở nhà. Trong tâm trạng "bất ổn" tôi cứ tưởng bố sẽ đánh đòn vì cái tội nghịch ngợm, nhưng năm đó bố chỉ cười rồi còn đùa:
- Còn cái áo mới nữa, mai vẫn được nghỉ Tết, mặc mà quậy rồi tới đi học cởi trần luôn nghe con?
Cả nhà nhìn cái mặt mếu máo của tôi ai cũng cười.
Năm tháng trôi qua, kinh tế ổn định hơn, anh chị em tôi được bố mẹ mua sắm cho đầy đủ hơn mỗi dịp Tết. Nhưng có lẽ trải qua những kỉ niệm ấy làm cho tôi và anh chị trân quý hơn những năm tháng tuổi thơ, những cái Tết thiếu thốn nhưng ấm áp vô cùng.
Ngô Nữ Thùy Linh