F Chợ Hoa Tết Thành Phố ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Chợ Hoa Tết Thành Phố

Chợ Hoa Tết tại Thành phố HCM đồng loạt bắt đầu vào ngày 23 Tết, ngày đưa Ông táo, kết thúc trước 12 giờ trưa ngày cuối cùng năm âm lịch 30 hay 29 như năm nay. Bây giờ có rất nhiều chợ hoa ở công viên 23-9, công viên Lê văn Tám, công viên Gia Định, Thuận Kiều Q.5, trên sông Q.8…
Chợ Hoa Nguyễn Huệ có từ xưa, để người nông dân đem sản phẩm của mình nuôi trồng lên thành thị bán tết, riết rồi thành tục lệ. Chợ hoa chỉ diễn ra một tuần đem biết bao không khí sắc thái mùa xuân đang về trên quê hương đến một thành phố tân kỳ hoa lệ Sài-gòn, hòn ngọc viễn đông năm xưa. Một buổi sáng sớm người dân thành phố thấy tràn ngập các loài hoa vạn thọ, đồng tiền, thược dược, mồng gà, hướng dương, móng tay, cúc vàng; cây trái có hạnh, bồng, bưởi, cam, quít, phật thủ, cà, ớt, đu đủ vàng; chậu kiểng, giò lan… hương thơm, màu sắc lan tỏa một vùng.
Mai vàng mới là cây hoa được nhiều người đi Chợ Hoa Nguyễn Huệ ngắm chơi, chụp ảnh lưu niệm nhiều nhất. Cây mai vàng bó đất bằng bẹ chuối bán nguyên cây cho người chơi đem về vô chậu trồng luôn không sợ rụng bông, nhiều cây mai rừng cao 4-5 thước bông đơm đặc giá mua không nổi, cũng không có chổ để, nhiều người đứng ngắm xít xoa phát thèm ước gì mình có nhà cao cửa rộng. Hồi đó người ta không thấy mai ghép vô chậu đỏ, thân cây uốn nắn bông to nhiều cánh đẹp như bây giờ. Hồi đó rừng còn nhiều mai lắm, nên chỉ cần chịu khó đi chặt về bán, bỏ công khỏi bỏ vốn. Tới sáng sớm 30 Tết mai cành, mai nhánh bó lá dừa được ghe chở lên ở bến Bạch-đằng đưa qua đường Nguyễn-Huệ bán liền như tôm tươi, rẽ rề ai cũng có thể mua vài cành về chưng chơi lấy hên trong 3 ngày tết. Mấy anh bán mai cây, giờ cuối bán nguyên cây không được, cũng xả cành xuống bán luôn cho kịp giờ sở vệ sinh dọn dẹp.
Cảnh bán mai sáng 30 tết nhộn nhịp tấp nập khác thường làm cho người dân thành thị nhớ mãi. Mỗi người cầm một nhánh mai ưng ý nhất mình chọn lựa, tỏa đi về nhà với lòng vui hớn hở vội vàng cắm lên bàn thờ, cầu mong năm mới được nhiều may mắn. Nhứt là những người xa quê hương thường tìm về ăn Tết vào ngày có Chợ Hoa Nguyễn Huệ để được hưởng trọn vẹn mùa xuân trên quê hương Việt Nam mình. Mãi đến bây giờ đã có Đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp tết cho người dân thưởng thức, dù có nét nghệ thuật, mỹ thuật và kỹ thuật sắp xếp trình bày gọn gàng đẹp đẽ hơn xưa, cũng không làm những người lớn tuổi đã từng đi Chợ Hoa Nguyễn Huệ ngày xưa quên được. Họ cảm thấy luyến tiếc một chợ hoa mộc mạc tự nhiên, dễ sinh tình giữa người bán kẻ mua, giữa người du xuân và cảnh vật, nó thấm đẩm vào lòng không thể nào phai nhạt.
Tôi còn nhớ khoảng năm 1990, có một loài hoa mới xuất hiện tại Chợ Hoa Nguyễn Huệ đó là cây Mãn đình hồng. Hoa mãn đình hồng làm mọi người ngây ngất với vẻ đẹp lạ, giá đắt mấy người ta vẫn mua cho được. Từ năm 2004 Chợ Hoa Nguyễn Huệ trở thành Đường Hoa Nguyễn Huệ đến nay, người dân thành phố chỉ có đi xem hoa theo chủ đề có sự sắp đặt trước, có cách thưởng thức mới, mở rộng kiến thức văn hóa thời đại văn minh.
Hai cách thưởng hoa khác nhau cùng một nơi, ở hai thời kỳ khác nhau. Đó cũng nằm trong sự thay đổi mà người dân thành phố chấp nhận cho hướng đi lên tích cực dù có luyến tiếc, hoài niệm. Ngày Tết thường làm người lớn hay nhớ, hay nhắc lại chuyện xưa, để kể cho con cháu nó nghe, nó biết hồi đó… nó vậy vậy mà thôi.

NTH
Tân Định, mùng 3 Tết Nhâm Thìn