Gia đình tôi quen biết một vị khách người Italia, dáng hình to cao, tính tình vui vẻ, dễ mến, dễ chiếm được cảm tình của người khác lần đầu gặp tên là Pietro Sequi, thường gọi là ông Sequi, mà nói thật đến lúc viết bài này tôi chẳng nhớ tên là gì cả, phải hỏi lại người bạn mới biết, có cô vợ người Việt Nam xinh xắn dễ thương, có một con gái Anna khoảng 7, 8 tuổi nhỏ nhắn đẹp như một thiên thần nói 4 thứ tiếng Ý, Anh, Pháp và tất nhiên là Việt, còn ông ấy không biết nói tiếng Việt nên cô vợ kiêm luôn phiên dịch. Cách đây gần một năm, vì thích xem vườn thanh long, hoa trái cây cỏ vùng nông thôn nên một người bạn đã đưa gia đình ông đến nhà tôi chơi. Hôm đó chiêu đãi gia đình ông Sequi bằng món rất dân dã đó là gà ta nấu lá giang, lần đầu tiên ăn thích thú khen ngon và cũng là lần đầu tiên thấy cây lá giang, cô vợ xin một gốc về “Thành phố” trồng, tôi ra hàng rào bứng luôn cho mấy gốc, có lẽ về trồng khó sống vì đặc điểm của cây lá giang ở đâu thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp tự mọc và lây lan, bứng trồng nơi khác tỷ lệ sống rất thấp.
Có người bạn hỏi ông Sequi vì sao lại lấy vợ Việt Nam và sống ở Việt Nam. Ông ấy trả lời: Năm 19 tuổi, tôi có nghe đến một quốc gia tên Việt Nam nhưng khi tới Việt Nam tôi đã 70 tuổi, một đất nước xinh đẹp, người dân hiền hòa dễ mến đặc biệt là phụ nữ rất dễ thương. Tôi không hiểu vì sao một dân tộc cần cù hòa nhã mến khách như thế lại phải chịu đựng những mất mát, đau thương, khổ cực của bao năm trời chiến tranh liên miên…Tôi yêu mến đất nước và con người các bạn nên quyết định lấy vợ người Việt. Khi mẹ tôi tại Ý qua đời, tôi đưa thi hài bà cụ qua chôn cất tại Việt Nam vì Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình. Nghe mà thấy bùi ngùi và cũng tự hào vì mình là người Việt Nam..
Lần này, chúng tôi lại có dịp tiếp gia đình ông Sequi vào đúng cái ngày cuối cùng của năm 2011, thời điểm thật đáng nhớ, cùng ăn trưa với gia đình ông tại nhà hàng Thủy tạ khu du lịch Tà Cú, cũng có món gà ta nấu lá giang, tép xào hành mỡ xúc bánh tráng nướng vàng hươm giòn tang, ếch xào lăn. Đến món lươn um, một người bạn nói: con này giống con rắn nhưng không phải con rắn, con lươn thì không biết (tức là không biết dịch ra tiếp Pháp là gì - Ông Sequi nói chuyện với chúng tôi bằng tiếp Pháp, với vợ bằng tiếng Anh) cuối cùng không biết cô vợ dịch thế nào mà ông ấy gật gật đầu rồi cười, thì ra bên nước Ý cũng có con lươn, to bằng cổ tay, ông ấy thỉnh thoảng cũng ăn. Có một anh cán bộ huyện vừa mới câu được con cá mè nặng 1,5 kg trong ao cá của Nhà hàng Thủy tạ đem đến tặng luôn ông Sequi cho dù mới gặp lần đầu, tình huống thật bất ngờ và thú vị, rồi nâng ly, xuống ly, anh cán bộ chỉ nói được hai tiếng yes, ok còn lại chỉ bằng động tác điệu bộ và vài câu phiên dịch thế mà câu chuyện càng lúc càng rôm rả, nói cười vui vẻ. Cá được nhờ nhà hàng chiên xù, cuốn bánh tráng rau sống, chấm với nước mắm, thật ngon.
Rời nhà hàng Thủy tạ, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên Chùa núi Tà Cú bằng cáp treo, thường thì những ngày rằm, mồng một hoặc đầu năm người ta mới đi Chùa lễ Phật, cầu kinh, hái lộc đầu xuân, mong muốn cuộc sống vươn lên như cây cối vươn chồi nẩy lộc. Mỗi người một mục đích, trẻ thì cầu xin học hành giỏi giang, thi đậu Đại học, lớn một chút thì cầu xin cho gặp được ý trung nhân kết tóc se duyên suốt đời hạnh phúc, già thì thì xin cho con cháu khỏe mạnh đầm ấm, “sồn sồn” như chúng ta thì cầu xin… đủ thứ. Còn tôi lại đi Chùa vào ngày cuối năm mà cuối năm Tây mới ngược đời chứ! Mới nghe thì cũng thấy hơi chướng chướng, nhưng nghĩ lại thấy cũng xuôi xuôi vì tôi đi Chùa chẳng phải để chiêm bái lễ Phật, cũng chẳng phải để cầu xin điều gì mà để thưởng ngoạn cảnh đẹp, để xem Chùa hôm nay và Chùa lần cuối tôi lên cách đây hơn 10 năm khác nhiều không, để ngắm nhìn không gian bao la ở độ cao gần 700 mét, để nghe chim kêu vượn hót… và vì một lý do chính yếu là ông Sequi đến Khu du lịch Tà Cú muốn lên Chùa, sẵn dịp cùng đi luôn cho vui nên đầu năm hay cuối năm, năm Ta hay năm Tây không liên quan gì cả…
PĐN (còn nữa)