F Ngựa Phi Đường Xa với chiếc xe Cúp Điếc ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Ngựa Phi Đường Xa với chiếc xe Cúp Điếc

      Ngày nay, với nền kinh nước Ta phồn thịnh hơn, phương tiện di chuyển của học sinh cũng dễ dàng hơn, ở tuổi trung học, nay có em đã chạy xe honda riêng tới trường học rồi, không giống như thời đại mà anh chị em chúng ta cắp sách đến trường năm xưa. Cũng vì sự hạn chế kinh tế thời đó, nên chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm giao thông từ nhà đến trường.
     Có nhiều ấn tượng mà lâu ngày quên hẳn, chợt nhớ đến bạn bè, trường lớp thì trí nhớ lại lôi kéo những kỷ niệm về, sực nhớ lại những lúc ngang tàng của tuổi trẻ. Cũng dạo ấy, chúng tôi mỗi người đều làm chủ có ít nhất là một chiếc xe cúp điếc. Mới nghe tưởng đâu là xe ngoại quốc hiện đại, nhè đâu, đó là chiếc xe đạp thường của thời thượng cổ, vì nó không có đèn và kèn nên gọi là cúp điếc, lắm chiếc lại điếc nặng hơn, bởi không có cái thắng và cái dè để che lốp xe, mỗi khi muốn stop, phải nghiêng người qua một bên, chạng chân, rồi dùng gót  bàn chân rà từ từ vào cái lốp cho xe ngừng, trông rất tục, giống như con chó đực đang đứng đái, không biết giới nữ có can đảm sử dụng loại xe thượng hạng này không? Sau giờ tan trường, chúng tôi thường cỡi cúp điếc trên quốc lộ 1, nối theo nhau như đoàn công voa (convoy) chừng hơn 1 km,  đến ngã tư Phú Hài bẻ bi đông sang tay phải, chạy thẳng là đến làng Thanh Hải chúng tôi. Đoạn đường này thì nhỏ, hẹp hơn nên có nhiều thú vui.
     Có lần chúng tôi gặp một chiếc xe ngựa chở hàng, một bạn chạy cuối đoàn, bám được chiếc xe ngựa vượt lên trên chúng tôi, khi phát hiện ra, thì mọi người cùng lên sức đạp cho nhanh chân, cố bám vào nhau làm theo hai đường thẳng song song trên con đường hẹp ấy. Lúc này thật đúng là ngựa phi đường xa, thoải mái và mát mẻ bởi sức gió, có cảm tưởng như đang lên cung trăng mà không cần phải dùng sức đạp xe nữa, miệng cười toe toét khi vượt qua mọi người. Được chốc lát thì nghe có tiếng lộp độp như pháo xuân nổ sớm, nhìn kỹ lại thì thấy Bác tài đang quật cái roi ngựa về phía sau lưng, như một mệnh lệnh báo hiệu phải tan hàng, rồi mọi người đành phải giã từ ngựa phi đường xa.
     Có lần chúng tôi gặp một chiếc xe Lambreta 3 bánh chở khách đang nhấn kèn phía sau chúng tôi, xin nhường khoảng trống phía trước để qua mặt.Tuy có nghe, nhưng giả vờ như điếc, đôi lúc trên mặt đường cũng có nhiều “ổ gà”làm chúng tôi phải lạng, lách từ từ theo hình chữ S. Hết chữ S này xong lại tiếp tục chữ S khác, giống như những cặp tình nhân đang chạy xe dạo trên hè phố, làm Bác tài nổi cáu lên. Nên Bác tài ca hát một bản nhạc bằng tiếng Đức có chất giọng Thanh Hóa: Cha cái tổ Cha bay, học sinh học đẻ gì mà mất dạy vậy, hết điệp khúc này, lại chuyển sang điệp khúc khác, đôi khi có kèm theo tiếng trống của điệu Slow Rock , nhịp chân gõ trên sàn xe, nghe như đang múa lân. Đột nhiên có 1 bạn chạy nhanh về phía trước của chúng tôi như để chỉ huy và báo ngầm tan hàng, rút lui. Với tọa độ đã nhớ sẵn trước của tên chỉ huy, nên chúng tôi chạy đuổi theo nhau, tiến vào một con hẻm nhỏ để thoát thân lánh nạn, có khoảng trống phía trước. Bác tài cảm thấy thoải mái tuy tức giận vẫn còn, chạy đến đầu ngõ hẻm, chiếc xe Lambreta chậm lại. Ông ta quay đầu về phía chúng tôi để ca tiếp bản nhạc tiếng Đức cho xong trước khi ruồng bỏ chúng tôi. Cảm thấy an toàn nên đoàn cúp điếc trở lại sân khấu để về nhà  bình an.
     Sau những ngày tan trường là mỗi lần đều có tai ương, chướng mắt của “Tiểu Thơ”sực nhớ ra, hầu kể để hình dung ra từng người bạn cũ. Lâu lắm không viết lách quốc ngữ Việt, nếu có gì sơ xuất, xin các bạn niệm tình xóa lỗi cho. Nhờ có trang mạng “học sinh trường chính tâm”nên Lão Già được tâm sự cho vui.
     Phút cuối. Lão già cũng yêu cầu các Tiểu Thơ năm xưa, xin vào blog với hình ảnh và tâm sự cho mọi người xem “dung nhan đó bây giờ ra sao? ”Điển hình như Julie mà Lão Già đã gặp lại nhau trong phôn sau mấy thập niên biệt tích. Xin chúc các Bạn luôn luôn vui tươi để chống lão hóa.
     Thân ái chào các bạn.
     Trung Nguyễn (USA)