Tại Phòng tiệc rộng thênh thang, lịch sự; trang trí hài hoà, đẹp mắt; ước chừng có thể đủ chỗ cho 500 người, chúng tôi tay bắt mặt mừng gặp lại các bạn Sài Gòn: Hậu, Kiệt, Quý; còn bạn Thuần tạm thời “kết nạp” về Phan Thiết vì đang quản lý Karaoke KaNu. Rồi anh chị Hai, bạn Hoàng Oanh, Tuấn, chị Bình từ miền Tây sông nước Cao Lãnh xa xôi cũng lặn lội về Thành phố hội ngộ. Lại “chớp” nhưng lần này không phải một “bô” mà là nhiều “bô” để đăng blog và xem cho đã. Tiệc tan, không đành lòng chia tay mặc dầu các bạn Cao Lãnh có công việc phải về trong đêm, cả bọn kéo nhau đi uống café bờ kè; tìm được địa điểm quen thuộc nhưng quán café đã biến thành quán nhậu. Có một bạn “đề xuất” - Đi Niết Bàn. Trời! Nghe giật cả mình, giữa lòng thành phố xa hoa đô hội lại có một nơi thanh tịnh, trầm mặc sao? Có lẽ những kẻ trần tục, thô lỗ, tội lỗi như chúng tôi phải tu đến 81 kiếp mới vào được, thôi thì tạm thời làm người “cõi trên” vào Niết Bàn xem thử ra làm sao. Quán Niết Bàn được bài trí hoàn toàn theo phong cách “Tàu”, từ bàn, ghế, cửa và những bích họa trên tường được làm bằng gỗ đã sậm màu do thời gian, các hoa văn được chạm trổ, ghép nối mang phong cách người Hoa, có những bộ tràng kỹ vừa rộng vừa dài, ngồi cũng được mà ngả lưng cũng được; mái nhà trước được một hệ thống bơm giống như trời đang mưa liên tục đổ nước xuống, những chiếc quạt gió quy tít đưa hơi nước từ ngoài vào làm không khí mát mẻ một cách tự nhiên dễ chịu không như một số nhà hàng ngột ngạt vì máy lạnh. Tuy có tên là Niết Bàn nhưng khi vào rồi thì chẳng cần phải thận trọng khép nép gì cả mà cứ tự do chuyện trò, chúng tôi cười nói thoải mái. Quay sang cô tiếp viên với chiếc áo cũng màu nâu sậm nhưng tươi hơn màu gỗ, may theo kiểu “sườn xám” của người Hoa nhưng không phải sườn xám vì chỉ dài hơn lưng quần một chút - Quán này có phải của người Hoa không cháu bởi chú thấy cách bài trí giống như người Hoa? - Dạ không, chủ quán là người Việt, gốc miền Bắc – Vì sao quán lại có tên là Niết Bàn? – Dạ con cũng không biết….Bó tay, cũng chả thấy chủ quán đâu mà hỏi.
Trưa hôm sau, bạn Quý chiêu đãi món cơm gà ở nhà hàng có tên là “Cơm gà Thuợng Hải”, lần này chắc nịch là nhà hàng của người Hoa rồi, bởi cái tên Thượng Hải làm tôi nghĩ ngay đến một trong những thành phố thương mại, dịch vụ, công nghiệp tầm cỡ của Trung Quốc. Lại nhầm, vì nhà hàng bài trí theo kiểu Việt Nam trăm phần trăm mang phong cách hiện đại, từ tiếp viên, đầu bếp…hoàn toàn là người Việt nhưng có điểm đặc biệt là chủ quán đã dùng gam màu vàng nhạt rất dễ chịu, tiếp viên mặc áo vàng nhạt; vách, trần nhà được sơn màu vàng nhạt, sàn nhà lót gạch vàng nhạt, bàn ghế màu vàng nhạt, chén dĩa màu vàng nhạt luôn. Tuy nhiên món ăn có lẽ là của người Hoa vì ngoài cơm gà (tất nhiên là có thịt gà da cũng màu vàng nhạt) còn có dĩa heo quay, vịt quay, xá xíu, dưa món (người Phan Thiết gọi là chưa chua), canh tàn ô nấu thịt heo…Sài Gòn có những điều thú vị đến bất ngờ, Niết Bàn nhưng khi vào rồi thì ồn ào như chốn trần tục, bài trí theo phong cách “tàu” nhưng hoàn toàn là Việt Nam, nhà hàng mang địa danh của Trung Quốc nhưng không có một chút gì là phong cách người Hoa cả. Đây có lẽ là những ý tưởng rất khác lạ để ai đã từng một lần đến sẽ khó quên…
Buổi sáng điểm tâm bằng món cơm tấm ở vĩa hè trước nhà bạn Thuần, không khí cận tết nhộn nhịp thấy rõ, từng chiếc xe máy chở từng chồng quà tết, bia, nước ngọt chạy tới chạy lui; góc vĩa hè đối diện, có hai vợ chồng vừa dọn ra một cái “mô-tơ” có gắn cái vòng bằng vải nỉ để đánh bóng chân đèn lư hương cho khách, người vợ lấy từng thứ từ trong cái giỏ lác bên cạnh đưa cho chồng đánh bóng, rồi cận thận xếp từng loại lên chiếc bàn bên cạnh để giao lại khách hàng, nét mặt của chị rạng rỡ, nụ cười luôn nở trên môi ra điều mãn nguyện và hạnh phúc lắm, không biết mỗi ngày thu nhập được bao nhiêu nhưng thấy chị vui lắm làm tôi nghĩ ngay đến hai chữ Hạnh Phúc. Vậy thì hạnh phúc đâu phải là cái gì to lớn lắm đâu, hạnh phúc cũng chẳng phải ở đâu xa vời mà chính trong công việc cuộc sống bình thường hàng ngày mà nhiều lúc ta không nhận ra đó thôi.
Chúng tôi đã có một ngày thật vui, vui vì được chung vui cùng gia đình anh Tấn Hùng - Thanh liên, vui vì được gặp lại bạn bè Sài Gòn Cao Lãnh, vui vì có dịp được ngồi bên nhau chuyện trò nói cười thoải mái vui vẻ, vui vì những chuyện vui bắt gặp ở Sài Gòn. Bây giờ hồi tưởng lại để viết bài này tôi vẫn còn thấy vui./.
PĐN (hết)