Sân ga cáp treo chiều cuối năm vắng lặng, thưa thớt khách, những chiếc cabin miệt mài thầm lặng chạy vòng lên vòng xuống trượt theo những sợi cáp chờ đợi những vị khách bước vào. Thú thật cáp treo Tà Cú đi vào hoạt động đã gần 10 năm, tôi lại là người ở địa phương này nhưng chưa một lần bước chân đến khu vực nhà ga chứ đừng nói đi cáp treo, nhiều khi rất ái ngại “biết trả lời sao” nếu như có ai đó hỏi về cáp treo Tà Cú, lần này thì nỗi “ái ngại” đã được giải tỏa. Khác hẳn với những gì tôi mường tượng trước đây, sân ga phải ở ngoài trời, những chiếc cabin tuy có chạy chậm khi vào ga nhưng phải bước vội lên mới kịp, chậm chân thì phải chờ chuyến sau, khoang ngồi trượt vùn vụt như ta ngồi trong xe hơi, ai không quen không dám nhìn ra ngoài, ngồi trong khoang bồng bềnh như đi tàu thuyền trên sông biển… Ngược lại sân ga được thiết kế trong nhà ở lưng chừng núi, rộng rãi, mát mẻ, đẹp đẽ và rất lịch sự, những chiếc cabin gần như nối đuôi nhau chầm chậm, chầm chậm khi vào ga, đến một vị trí nhất định, cửa tự động mở ra ta chỉ việc bước nhẹ nhàng vào, tôi thấy còn dễ dàng và an toàn hơn bước vào thảm trượt của mấy siêu thị khi muốn lên tầng trên, rồi cửa cũng tự động khép lại, theo hướng đỉnh núi trượt tới, nhẹ nhàng, êm ái như ta ngồi trong nhà; nhìn ra ngoài, cả một khoảng không bao la đầy dẫy những vườn cây ăn trái, những khu dân cư, con đường Quốc lộ thẳng tắp lí nhí những chiếc xe qua lại rồi mỗi lúc một nhỏ đi rồi mất hút. Hai bên dọc theo tuyến cáp treo, rừng cây to lớn dày đặc xanh tươi, cỏ cây hoa lá chen chúc nhau, ngắm chưa thỏa chí cabin chậm lại vì đã tới nơi, tức là chỉ mất khoảng 7 phút.
Khu vực Chùa núi Tà Cú đón chúng tôi bằng những cơn gió chiều lồng lộng mát rượi, tâm hồn cảm thấy thư thái nhẹ nhõm như lánh xa cõi trần, cũng trên con đường đất dẫn đến Chùa cách đây hơn mười năm tôi đã đi nhưng hôm nay nhiều đoạn được xây cấp bằng đá lên dốc xuống dốc ngoằn ngoèo, đi một đoạn là đến quần thể 3 tượng Phật uy nghiêm sừng sững được gọi là “Tam thế Phật”, có khác hơn xưa là thêm tượng “Tam Tạng” mới được xây dựng mấy năm gần đây cũng to cao nhìn thẳng về hướng Tây cách “Tam Thế Phật” độ vài chục mét. Tới cổng Chùa nhìn lên khu vực Chánh Điện, những bậc tam cấp cao và dài hun hút, tôi quên đếm là có bao nhiêu bậc như đã từng đếm ở các Chùa đã từng đến. Càng bước nhịp tim càng đập mạnh hơn phải dừng lại nghỉ ngơi, đúng là thời gian, tuổi tác đã lấy đi sức dẻo dai thời trai trẻ ngày nào nhưng không vì thế mà mất đi sự náo nức rộn ràng khi đến thăm Chùa. Khu vực Chánh Điện ngổn ngang vật liệu vì Chùa đang được trùng tu, sửa chữa và nâng cấp, có nhiều công trình đang đươc khởi công xây dựng mới. Tưởng giống như cách đây hơn 10 năm, tôi “lanh chanh” dẫn các bạn rẽ tay mặt để lên khu vực tượng Phật nằm, có tiếng gọi giật lại của một anh làm nghề chụp ảnh - Đi hướng này chú ơi. Thì ra trước đây từ Chánh Điện rẻ tay mặt men theo những phiến đá gồ gề mòn lẳng vì những bước chân người qua lại là đến Hang Tổ, rồi tiếp tục theo triền dốc là đến khu vực có bức tượng Phật nằm, rẻ tay trái là đến quần thể “Tam Thế Phật”. Nay đã khác, muốn đến khu vực Chánh điện phải đi qua 3 bức tượng Phật trước, từ đó rẻ tay trái mới đến tượng Phật nằm (còn gọi là Phật tích nhập Niết bàn), lối đi được làm mới bằng những tam cấp, hai bên có thanh chắn để vừa đi vừa vịn vào cho những ai cảm thấy mệt vì phải lên xuống dốc. Thấy chúng tôi xuống dốc theo tam cấp hơi khó khăn vì đầu bàn chân phải bấm xuống để chịu lực, anh làm nghề chụp hình hướng dẫn phải vừa đi vừa nhún sẽ giảm được đôi chân bị căng cơ, thế là bạn tôi vừa đi vừa nhún giống như múa làm mọi người không nhịn được cười.
Có một đôi bạn trẻ, trẻ lắm tay trong tay hớn hở đến thăm Chùa, đưa cho tôi cái điện thoại di động nhờ chụp cho mấy tấm hình làm kỷ niệm, tôi nhận lời ngay, ra vẻ thành thạo trong nghề nhiếp ảnh, khi thì sửa dáng đứng của 2 người, khi thì yêu cầu ngả đầu bên này, để tay bên kia. Thấy tôi dễ tiếp xúc, pha chút khôi hài và biết là người ở địa phương này nên không ngần ngại hỏi - Chú ơi, cháu thấy dọc theo hai bên lối đi và cả khu vực có tượng Phật nằm, từ bụi cỏ đến những nhánh cây người ta cột nhiều đoạn dây nhỏ, đủ màu sắc, đủ mọi chất liệu là sao hả chú? Một thoáng chần chừ. Bí. Đôi bạn trẻ “có ngờ đâu rằng” tuy là người ở địa phương nhưng hơn mười năm rồi chưa hề chước chân tới Chùa, làm sao biết đuợc những điều mới mẻ nơi đây. Hỏi thăm một chị bán nhang dưới gốc cây thật to mới biết những người đến viếng Chùa họ gởi lại nơi đây những điều xui xẻo trong cuộc sống, những điều bất hạnh trong cuộc đời bằng cách cột một đoạn dây ngắn vào nhánh cây hoặc bụi cỏ, có loại dây gì cột dây nấy, lòng sẽ thanh thản trở về như vừa gội rửa sạch sẽ được những lo toan mà họ đang gánh chịu. Nhìn hai bạn trẻ tung tăng líu lo, tôi lại nghĩ về thời trẻ của tôi và các bạn…
Tượng Phật dài 49 mét ở tư thế nằm, đầu tựa vào bàn tay mặt, hai chân duỗi thẳng chồng lên nhau được trùng tu, sơn lại màu trắng, sáng rực giữa nền xanh thẳm của rừng cây cao to bạt ngàn. Dưới chân đế tượng Phật, nhiều du khách đốt nhang cúng lạy có cả khách nước ngoài. Ông Sequi khó khăn lắm mới đốt được nén nhang vì càng về chiều trên đỉnh núi gió càng mạnh, ông từ tốn cắm vào lọ rồi đứng ngắm nhìn bức tượng thật lâu, tôi cố ý nhìn thật sâu vào mắt ông nhưng không tài nào hiểu được trong đầu ông nghĩ gì lúc này, chỉ thấy một vẻ thành kính tôn nghiêm trong dáng đứng và trên khuôn mặt. Không còn thời gian để đến Hang Tổ và chiêm ngắm những kiến trúc khác của Chùa núi Tà Cú, Chúng tôi quyết định “hạ san” xuống núi bởi gia đình ông Sequi phải về lại SaiGon trong đêm kịp đón mừng năm mới.
Chia tay nhau trong ráng chiều êm ả ở chân núi Tà Cú, ông Sequi bắt tay từng người một và luôn miệng nói lời cám ơn, hẹn Tết gặp lại, có nghĩa là Tết ta. Đâu đó xa xa vang lên những tiếng chim kêu như gọi nhau về tổ sau một ngày tung tăng bay lượn, thỉnh thoảng một vài cơn gió nhẹ từ hốc núi thổi ra mát mẻ sảng khoái, làm mái tóc của bé Anna xòa xuống khuôn mặt. Trong bộn bề của cuộc sống hàng ngày, có được những khoảnh khắc với gia đình ông Sequi và các bạn thật vui, thật thú vị và thật đáng nhớ./.
PĐN (hết)