Và bây giờ tôi trở lại Phan Thiết sau 32 năm xa cách. Đón chuyến tàu 2 giờ sáng từ Huế vào đến ga Mường Mán thì trời sẩm tối. Tôi kêu xe thồ chở về thị xã Phan Thiết. Về đến Phan Thiết thành phố đã lên đèn, đường phố sáng trưng. Tôi nhờ anh xe thồ hỏi khách sạn thì hầu hết khách sạn đều “cháy” (1) phòng. Vì gần đến ngày 30/4, khách du lịch các nơi đổ về quá nhiều. Chỉ còn vài khách sạn còn phòng VIP, thì với thân phận của tôi, tôi không dám thuê. Trước khi vào đây, một số học sinh cũ của tôi muốn đón tôi và bố trí cho tôi chỗ ở trong khách sạn. Nhưng tôi không muốn phiền lụy đến chúng, nên đã từ chối và xin được tự nhiên. Tôi đành tìm địa chỉ của một người bạn cũ. Lanh quanh một lúc mới tìm được căn nhà bạn trong khu tập thể 36 héc- ta.
-A, thầy Hiền, sao cậu vào mà không điện cho mình biết để lên đón? Bạn tôi đon đả hỏi.
-Thôi, phiền, cậu làm như mình là cấp lãnh đạo ấy à? Mình là dân thường từ lâu rồi thì xin "lai vô ảnh, khứ vô hình" thôi.
Bạn bè xa cách từ lâu, nay gặp lại hàn huyên tâm sự suốt đêm dài, chỉ chợp mắt được trong chốc lát thì trời hừng sáng. Ăn sáng xong, mượn xe Honda người bạn chạy một vòng. Sao Phan Thiết lạ thế này? Phan Thiết của tôi ngày xưa đâu? Tôi chẳng phát hiện được đâu là phương hướng, bị lạc đường, đành hỏi đường về nhà bạn. Nghĩ rằng mình còn mệt, tâm thần chưa ổn định nên hoa mắt chăng? Thôi nghỉ ngơi đã rồi hãy tính.
Chiều tôi nhờ người bạn chở vào trung tâm thành phố. Cầu sắt bắc qua sông Cà Ty ngày nào được thay bằng một cây cầu rất đẹp, có dạng cầu treo. Cầu Trần Hưng Đạo và tượng Trần Hưng Đạo vẫn còn đó. Chiếc cầu gỗ nối đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Đồng Khánh (bây giờ là đường Trần Phú) không còn nữa, thay vào đó là cầu Dục Thanh làm bằng bê tông cốt thép nhìn thẳng lên trường Dục Thanh, nơi thủa xưa Bác Hồ dạy học. Hai bên sông chảy qua thành phố được kè đá gọn gàng tạo thành một khoảng không gian thoáng đãng.
Ghé vườn hoa Lầu nước với bồn nước có mái hình lục giác rất độc đáo của kỹ sư hoàng thân Souphanouvong thiết kế. Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam nhưng không ở đâu có bồn nước đẹp bằng. Ngày trước vườn hoa còn đẹp hơn nhờ hàng cây Vông cao vút, mỗi cây cao to bằng cỡ 2 người ôm, được trồng theo hàng lối. Lá chúng thưa thớt, tạo cho vườn hoa thoáng đãng và rộng rãi. Cánh hoa sắc nét tạo thành những chùm hoa cứng cáp màu đỏ rất tươi trên nền trời xanh thẳm. Còn gì đẹp bằng! Chúng tạo thành một nét rất riêng, chỉ ở Phan Thiết mới có!
Cùng với gánh nặng thời gian chúng đã lụi tàn. Thay vào đó là những hàng cây xà cừ. Thật đáng tiếc làm sao!
Đường sá ở trung tâm thành phố sạch sẽ quá, nhà cửa hai bên đường thay đổi quá nhiều. Nhà đẹp hơn to lớn hơn. Thật khó mà tìm thấy một ngôi nhà cổ ngày trước!
Ra khỏi thành phố là những đường ngang đường dọc mới mở rộng thênh thang, lâu đài san sát. Khách sạn mọc lên như nấm, nhiều nhất và sang trọng nhất có lẽ là đường Nguyễn Tất Thành và bãi biển ở Đồi Dương. Cạnh đó lại có một sân Golf lớn nũa chứ!
Chỉ có các trường học là còn dáng dấp cũ. Trường Phan Bội Châu vẫn như ngày nào: tường màu vàng cạnh những cây ngủ chiều màu xanh im lìm, bụi trúc già bên giếng nước cuối phòng hiệu trưởng. Có khác chăng là người ta đã xây thêm một dãy nhà lầu 2 tầng song song với dãy lầu phía bên trái, tượng cụ Phan Bội Châu ở giữa sân. Còn hai bên mặt tiền đường hàng quán chi chit làm cho ngôi trường lọt thỏm vào sâu hơn…
Các trường Chính Tâm, Bồ Đề, Tiến Đức không còn nữa mà thay vào đó là trường chuyên, trường mẫu giáo và cơ quan công quyền của nhà nước.
Ngày hôm sau là ngày 30-04 tôi tham dự buổi họp mặt của học sinh cũ trường Chính Tâm. Vì trường Chính Tâm không còn nữa nên các em thuê hẵn một quán rộng ở bãi biển Đồi Dương làm nơi hội ngộ. Đồi Dương là một bãi biển đẹp, quán xá ngăn nắp, thức ăn thức uống đa dạng, cộng thêm bóng mát cùng tiếng vi vu bất tận của các hàng dương tạo cho ta một cảm giác thoải mái, một nơi họp mặt lý tưởng.
Đến 9 giờ các em đến tham dự khá đông. Có người từ Phan Rang, Phan Rí vào, có người Sài Gòn Vũng Tàu ra…Gọi là các em vì chúng là học sinh cũ của tôi. Đa số chúng trên dưới U 55, có một số lên chức ông bà nội, ông bà ngoại rồi. Phần lớn chúng không nhận ra tôi. Chỉ có một số em ở Sài Gòn thỉnh thoảng gặp tôi khi tôi có công việc vào trong đó mới biết. Khi được giới thiệu, bọn chúng xúm lại chào hỏi tôi rối rít :
Trời ơi! Thầy là thầy Hiền dạy văn hả? – Thầy còn trẻ quá thầy ơi ! – Thầy phong độ quá thầy ơi ! Chúng hỏi tôi đủ chuyện, nhiều quá tôi không thể trả lời hết được. Đáp lại tôi xin chào tất cả, và hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh sinh sống…một số em mà thôi.
Tham dự buổi họp mặt nầy về phía thầy giáo cũ có tôi từ Huế vào, thầy Hinh từ Sài Gòn ra và một số thầy ở Bình Thuận. Tội nghiệp nhất là thầy Chung già yếu đi không được mà cũng nhờ người cháu dìu đến.
Nhân, một cựu lớp trưởng ngày trước, khai mạc buổi họp măt rồi giới thiệu và mời các thầy, cô phát biểu ý kiến. Đến lượt tôi, tôi mới nói được vài câu thì thấy có cái gì nêm cứng ở cổ họng và nước mắt tuôn trào… Đến phần thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác, trong làm ăn kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt…chúng thảo luận có thứ lớp và cặn kẽ.
Đến trưa là phần nhập tiệc. Bày vẻ đủ món giống như tiệc cưới. Các món đều là “cây nhà lá vườn” hải sản tươi sống của đất Bình Thuận rất ngon lành. Nhưng hầu hết mọi người đều ham tâm sự, thăm hỏi nhau, nên chẳng thiết ăn uống là mấy.
Đến phần văn nghệ, ngoài loa thùng micro thuê sẵn, chúng còn đem đến đờn địch tự bao giờ. Các “ ca sĩ” nghiệp dư trình bày các ca khúc ngày xưa có, nay có, một cách hồn nhiên yêu đời. Xen giữa các ca khúc là các chuyện kể vui buồn trong đời học sinh và trong cuộc sống. Nét đặc biệt là chúng thách nhau đọc các bài thơ, bài văn đã học như “kẻ sĩ “, “Chí làm trai” (Nguyễn Công Trứ) , trích đoạn truyện Kiều, Chinh phụ ngâm….Ai đọc sai hoặc thiếu thì phải chịu phạt…một vài chai hoặc một thùng bia! Ai khỏe cứ vui, ai mệt thì ngồi thả lưng lên ghế xếp, hưởng gió biển. Cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến chiều.
Cuối cùng giờ chia tay cũng phải đến. Chúng bịn rịn chúc tụng nhau và hẹn ngày tái ngộ. Người đón xe ra phía Bắc , kẻ xuôi vào Nam, người còn ở lại thì cùng bạn bè ở Phan Thiết chia thành nhóm nhỏ vui chơi. Tôi cùng các em gặp gỡ, vui trọn một ngày cũng thấy mệt nên xin được về nhà nghỉ ngơi.
*Chú thích 1 (cháy là hết phòng)
(còn nữa)