Ngày thứ 5, gần trọn ngày tôi một mình lang thang qua phố, qua những con đường ngày trước tôi hay đi, ghé những quán xưa tôi hay đến. Ghé bãi biển Thương Chánh, bãi biển thân yêu tôi hay tắm mỗi cuối tuần. Nhìn ra: vẫn chân trời rộng mở, gió vẫn thổi, mây vẫn bay, trời xa vẫn long lanh...Ngồi một mình trong quán nhỏ nhớ lại những nơi mình đã đi qua, những chuyện mình đã gặp phải. Phan Thiết lớn mạnh ghê gớm so với ngày trước tôi sống. Nào phố xá, nào lâu đài, nào đường xá to đẹp và hiện đại. Có thể nói không ngoa rằng nó lớn mạnh gấp trước chục lần.
Người Phan Thiết thì cần cù chịu khó và rất hiền hòa, thực tế. Học sinh cũ ở Phan Thiết có lẽ là một trong những nơi học sinh có tình cảm thầy trò sâu đậm nhất.
Dù chúng là giám đốc một công ty, chủ tịch một hiệp hội, quan chức lãnh đạo trong chính quyền hay anh nông dân trồng lúa, trồng thanh long...dù chúng là ông tiến sĩ dư sức dạy lại thầy giáo cũ của mình hay anh ngư dân bỏ ngang sự học nửa chừng vì sinh kế, gặp nhau chúng đều "mày tao chi tớ" vui vẻ như khi cùng nhau ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt chúng rất thương mến, lễ phép kính trọng thầy giáo cũ.
Ôi trên đời này mà đâu cũng như thế thì cuộc sống đẹp biết bao!
Tôi cũng được biết một số lãnh đạo của tỉnh bây giờ, trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa...có nhiều vị là học sinh cũ của tôi.
Những ngày trở lại Phan Thiết, các em học sinh cũ thường hỏi tôi ngày nào tôi ra đi. Tôi trả lời chúng là tôi phải vào Sài Gòn có công chuyện, có thể là ngày thứ 5, có thể là ngày thứ 6 và cũng là ngày thứ 7. Sở dĩ tôi dùng dằng chưa quyết được, một phần thì tôi còn luyến lưu nơi ban đầu tôi dạy dỗ, một phần sợ biết được ngày ra đi các em tiễn đưa gây trở ngại thì giờ của chúng. Tôi thích làm việc âm thầm lặng lẽ và nhất là tránh làm phiền người khác.
Tôi đã dặn kỹ Diễn, người bạn chủ nhà tôi ở lại, đừng cho các em học sinh biết ngày ra đi của tôi. Sáng ngày thứ 6 tôi quyết định ra đi. chuẩn bị xếp quần áo vào túi xách thì đột nhiên một chiếc xe du lịch đời mới đổ ngay trước cửa nhà.
- Thưa thầy, thầy sắp đặt xong xuôi chưa, xin mời thầy lên xe em sẽ đưa thầy vào Sài Gòn. - Em là ai ? Em được ông Ẩn thuê và giao trách nhiệm đưa thầy an toàn vào Sài Gòn
Quay qua Diễn tôi ngỡ ngàng: - Thế này là thế nào?
Diễn phân trần: _ Cậu cứ khăng khăng không cho ai biết. Nhưng Ẩn có nói riêng với mình là cho anh ta biết ngày giờ ra đi của cậu trước nửa tiếng đồng hồ mà đừng cho cậu biết. Hồi nãy ăn sáng xong, cậu quyết định đi, mình mới nháy máy cho Ẩn nên Ẩn cho xe đến đón cậu. - Thế thì làm phiền Ẩn quá! Lấy tay vẫy người lái xe đến gần: Thầy cho em được phép về. Em nói lại với Ẩn là thầy đã đón xe đi trước đó rồi. - Không được đâu thầy ơi, làm vậy không những mất uy tín của em và chưa chừng em còn bị trách mắng nữa. Diễn xen vào : Ẩn đã có lòng tốt như vậy mà cậu còn từ chối thì cũng phụ lòng người ta. Thôi xếp đặt mà lên xe cho rồi.
Xe lăn bánh qua các phố phường rồi bỏ lại thành phố sau lưng. Tôi ngoảnh trông trở lại mà thấy rưng rưng khóe mắt. Đường vào Sài Gòn rộng thênh thang xe chạy êm re. Không khí mát lạnh tỏa ra xoa dịu phần nào xao xuyến trong lòng tôi...
Sau ngày trở lại, tôi được tuyển dụng làm giáo viên Văn ở Phan Thiết. Lớp học tôi dạy bây giờ là một hội trường lớn. Học sinh quá nhiều. Đa số bọn chúng đều lớn tuổi , tóc hoa râm, có em tóc bạc trắng. Giờ lên lớp tôi giảng cho chúng biết Văn chương là gì, mười lăm năm luân lạc của nàng Kiều, Nỗi khắc khoải đợi chờ của người chinh phụ....
Lát sau, không biết sinh viên ở đâu đến đứng chật ngoài hành lang . Lại thêm có cả trẻ con nữa.
Ủa sao kỳ vậy? Tôi hỏi một học sinh đầu bàn thì được biết đó là con và cháu của bọn chúng. Cao hứng tôi giảng thêm văn nghị luận đến đoạn: “ người ta lúc tuổi càng cao, kinh lịch càng lắm, bấy giờ mới biết sự đời là khó, tài mình là hèn, chân đã mõi, đường còn xa, lòng hy vọng mỗi ngày một nhạt…(1) “ thì có tiếng chuông reo hết giờ. Tôi giật mình tỉnh giấc. Ôi! Đó chỉ là một giấc mơ! – Thầy không ngủ nữa à? Người tài xế hỏi. – Sao thầy ngủ mà em không kêu? – Em đóan mấy ngày nầy thầy vào thăm, thầy đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều với người thân, học trò cũ chắc thầy mệt . Xe mới chạy ra khỏi Phan Thiết một đoạn thì thầy đã ngủ, mà lại có ú ớ gì nữa! – Thầy mơ thầy giảng bài em ạ. Đó là giấc mơ trong suốt cuộc đời tôi. Sẽ không bao giờ trở lại, thời gian đã trôi qua mất rồi, chỉ còn: “ Khi mơ những tiếc khi tàn, Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không (2) Hiện tại tôi chỉ còn một giấc mơ, được thỉnh thoảng trở lại Phan Thiết, thành phố dấu yêu của tôi. Ở đó tôi còn một ít bạn cũ, ở đó có nhiều học sinh thương mến tôi và cũng ở đó tôi đã mở màn bài giảng đầu tiên trong cuộc đời mình….
Lát sau, không biết sinh viên ở đâu đến đứng chật ngoài hành lang . Lại thêm có cả trẻ con nữa.
Ủa sao kỳ vậy? Tôi hỏi một học sinh đầu bàn thì được biết đó là con và cháu của bọn chúng. Cao hứng tôi giảng thêm văn nghị luận đến đoạn: “ người ta lúc tuổi càng cao, kinh lịch càng lắm, bấy giờ mới biết sự đời là khó, tài mình là hèn, chân đã mõi, đường còn xa, lòng hy vọng mỗi ngày một nhạt…(1) “ thì có tiếng chuông reo hết giờ. Tôi giật mình tỉnh giấc. Ôi! Đó chỉ là một giấc mơ! – Thầy không ngủ nữa à? Người tài xế hỏi. – Sao thầy ngủ mà em không kêu? – Em đóan mấy ngày nầy thầy vào thăm, thầy đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều với người thân, học trò cũ chắc thầy mệt . Xe mới chạy ra khỏi Phan Thiết một đoạn thì thầy đã ngủ, mà lại có ú ớ gì nữa! – Thầy mơ thầy giảng bài em ạ. Đó là giấc mơ trong suốt cuộc đời tôi. Sẽ không bao giờ trở lại, thời gian đã trôi qua mất rồi, chỉ còn: “ Khi mơ những tiếc khi tàn, Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không (2) Hiện tại tôi chỉ còn một giấc mơ, được thỉnh thoảng trở lại Phan Thiết, thành phố dấu yêu của tôi. Ở đó tôi còn một ít bạn cũ, ở đó có nhiều học sinh thương mến tôi và cũng ở đó tôi đã mở màn bài giảng đầu tiên trong cuộc đời mình….
Chú thích :(1) văn Nguyễn Bá Học, (2) Chinh Phụ ngâm
Huế, tháng 10 năm 2006
Nguyễn Văn Hiền
Nguyễn Văn Hiền