F Truyện ngắn ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Truyện ngắn

NGƯỜI VỀ BỖNG NHỚ
         Tôi và Em học chung trường, Tôi hơn Em 2 lớp, cứ chờ đón lén nhìn Em chứ không dám nói với Em lời nào. Hôm ấy một ngày đẹp trời Tôi trễ chờ đón khi tan học, Em đi chiếc xe đạp vô tình sên xe cuộn áo dài, làm rách kéo dài lòi nguyên cả lưng mà biết bao người đứng nhìn làm Em vô cùng mắc cở. Tôi đến thấy Em liền ra tay trong tích tắc không lo nghĩ “Anh Hùng cứu Mỹ Nhân” nhào đến cởi cái áo trên mình đang mặc trùm vào Em, từ đó Tôi quen  Em .
        Rồi năm 1977 Tôi rớt Đại Học về nhà đi làm Phụ Hồ do gia đình không khả năng nuôi ăn học và cũng là tháng ngày Em phải bỏ học để phụ nhà bán Bánh Ú. Thế nên mỗi tối thứ bảy hằng tuần lén lúc gặp nhau đúng 7 giờ tại địa điểm đó, do tương lai không rõ, cả 2 không thể đặt vấn đề nên phải lén lút giữ cái chung, cái đẹp mà  chưa một lần vì Em là Em. Tôi luôn ngại ngùng đến nhà Em, cần thiết để gặp nhau, Tôi ngang qua nhà huýt gió bài hát “Nock three time” là Em bước ra cười như bắt được tín hiệu, nên nhớ những năm đó hầu như nhà nào cũng không có điện thoại, nói chi điện thoại di động như hôm nay. Khi Em nhận được tín hiệu là hiểu, tối nay 7 giờ gặp nhau tại địa điểm đó.
       Thời gian cứ trôi, sáng Tôi cứ ghé Em mua Bánh Ú cười với Em, rồi mới đi làm, nhiều lúc ăn ngán tới cổ họng, ngủ nằm mơ thấy người mọc thật nhiều Bánh Ú, thành đôi cánh rồi cùng nắm tay Em bay bổng, thế mà Tôi vẫn mua bánh để gặp nhìn Em, nói với Em vài ba câu vớ vẩn mà Tôi thấy vui ấm lòng trong ngày, còn Em cười vui hồn nhiên vui sướng trong ngày.  
         1 năm sau . . . ngày ấy đến, sáng hôm đó như thường lệ Tôi đến mua bánh, nhưng lần này khác, sẽ tặng Em món quà mà Tôi mới lãnh lương hôm qua, mua tặng Em để tỏ rằng Anh luôn và mãi yêu Em, đến nơi Tôi nhìn thấy Em thật lạ có vẻ già dặn, chửng chạc hơn hôm qua, do sửa soạn son phấn, mái tóc uốn cong, mặt đỏ hồng tay chân đỏ chét, mà bao năm nay Tôi chưa hề thấy Em như thế, chưa kịp mở miệng Em lại khoe Tôi “Vài ngày nữa Em lên Sài Gòn phụ bán café”. Tôi chưng hững muốn Em đừng đi, chận việc đi làm của Em cùng những lời ấp ủ lâu nay nhưng không can đảm, nói làm gì ! Có được không ? Sự im lặng của Tôi có nghĩa là mất Em vĩnh viễn. Mấy ngày cuối Tôi vẫn đến Em nhiều hơn với khuôn mặt buồn nhìn Em, có lần Em hỏi Tôi “Anh buồn hả?” Tôi cười ngượng ngập lắc đầu, Em nói “Em sẽ về thăm Anh mà !” rồi nắm bàn tay Tôi. Đó là những phút giây sung sướng cuối cùng yêu thương của Em dành cho Tôi.
       Ngày Em lên Sài Gòn, cũng là cái đêm khủng khiếp trong đời Tôi, cái đêm không sao quên được, cái đêm luôn nghĩ vĩnh viễn xa Em. Khi buổi sáng Em ra đi, Tôi bỏ việc lang thang đau lòng như đã mất cái gì đó huyền bí, ghé nơi Em bán, nơi đây hôm nay trống vắng, không có Em Tôi lại đau thêm, đêm đó không sao ngủ được lại lang thang, qua nhà Em, nơi Em bán, trường hoc, điểm hẹn 7 giờ, nơi nào Tôi cũng dừng lại để thưởng thức cái hương thơm trong sạch như có Em bên cạnh. Rồi cứ đi trong đêm trên bãi biển mà không biết đi đâu, tình cờ gặp một tổ chức Vượt biên Họ tống đẩy Tôi chạy theo Họ, lên ghe ra đi lênh đênh trên biển cả 3 ngày 3 đêm trong cảnh khốn khổ thiếu thốn đủ thứ, may mắn có chiếc Tàu vớt đưa vào Đảo, sau 1 tháng Tàu đó quay lại chở đến Mỹ. Đến Mỹ, Không một người thân, không 1 xu dính túi, ngôn ngữ lại bất đồng, ăn mặc đồ viện trợ, món ăn không hạp khẩu vị  . . .  Nhưng Tôi phải sống và Phải Sống. Tôi tìm và được nhiều tổ chức giúp đỡ đi làm và đi học. Tôi phải làm việc thật nhiều để có tiền đi học cùng giúp đỡ người thân ở Việt Nam nên làm lắm nghề, bỏ việc này, chạy đến việc kia cho mau, có khi làm việc ra mệt nhừ mua một khúc bánh đến ghế đá nào đó ngồi ăn vừa coi bài để đến lớp cho kịp, ra lớp lại đi làm mãi 1 hay 2 giờ sáng là thường, đêm ngủ 3 hay 4 tiếng đồng hồ để thức dậy bỏ báo, đó là công việc kiếm tiền khi mở mắt đầu tiên trong ngày, nhiều hôm bận làm quá phải đến lớp học bỏ máy thu thanh, sau đó ghé lấy về nhà để nghe lại mà học. Thế mà Tôi cứ nhận những lá thư Quê nhà gởi qua của những người thân, thư thật dài đọc lòng vòng cuối cùng cần tiền, gần như 90 % những lá thư Tôi đọc là như vậy. Thế nên Tôi nhận thư phải để cuối tuần mới mở đọc, vì đọc thư trong tuần sẽ làm Tôi phân tâm không học và làm việc được do những lá thư kể lể đủ chuyện khổ mà ai cũng là những người khổ nhất Thế Giới, do thế Tôi cũng cố làm việc nhiều để giúp, lắm khi người thân không bằng lòng về số tiền Tôi giúp, đó là một trong cái khổ người xa nhà. Từ khi rời khỏi Quê nhà, Tôi rất nhớ thương Ba Mẹ, Anh Em và người thân, cộng thêm Em là nỗi khổ khó quên của Tôi. Tất cả những cái đau khổ, bầm dập nhớ thương là mỗi tình cảm khác nhau, nên phải để lắng đọng mỗi ngăn của trái tim. Chính những cái đau khổ khác nhau của Con Tim, những thiếu thốn vật chất, những hoài bảo khi bé, những cái nhìn của người Chủ khi Tôi làm công cho họ . . . rồi Tôi chợt hiểu muốn thành đạt cuộc sống và diệt nỗi đau tâm hồn ở Tôi, chỉ có con đường duy nhất Phải Học, phải làm. Tôi vực dậy Phải Học dù ở hoàn cảnh nào .
Phan Thiết, ngày 20.6.2011                         
(còn tiếp)