Sáng thứ hai tôi đến văn phòng hiệu trưởng trình diện nhận nhiệm sở. Ông hiệu trưởng dặn dò đôi điều, cho phép nghỉ một tuần tìm nhà trọ và cuối tuần đến nhận thời khóa biểu để thứ hai tuần tới bắt đầu vào công việc.
Tôi được phân công dạy đến ba cấp lớp: 2 lớp 8, 2 lớp 10, và 2 lớp 11, đành phải chấp nhận thôi !. Tôi cố gắng chắc lọc kiến thức mình đã học 12 năm ở trung học và nhất là 4 năm ở đại học để soạn cho riêng mình một giáo án ưng ý nhất cho mỗi cấp lớp, phù hợp với chương trình của Bộ Giáo Dục. Là một giáo viên văn, đối với những lớp chưa thi Tú Tài tôi khuyến khích học sinh viết nhật ký. Tôi buộc học sinh lớp 10 phải sưu tầm thêm văn học dân gian nơi mình sinh sống ( chương trình lớp 10 trước đây, văn học dân gian chiếm một phần lớn ). Đối với lớp 10 và lớp 11 thi Tú Tài ( lớp 11 thi bán phần tú tài ) ngoài bài giảng của giáo viên, tôi chia lớp làm 4 tổ luân phiên thuyết trình các đề tài trong chương trình. Khi một tổ thuyết trình thì thành viên các tổ khác chất vấn, đưa ra những ý kiến trái ngược nhau cuối cùng đúc kết thành một ý kiến thống nhất. Nhờ thế giờ học của tôi học sinh không cảm thấy nhàm chán mà trái lại có vẻ sinh động, yêu môn văn chương hơn.
Muốn được như thế tôi phải làm việc cật lực : soạn bài thật kỹ, chấm bài, khảo bài, giảng bài, thảo luận....Tôi hầu như không có thời giờ rảnh để giải trí. Học sinh học với tôi cảm thấy mệt hơn nhưng vui hơn và được chúng chấp nhận.
Tôi đã đem kiến thức với tất cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ để truyền dạy cho học sinh của mình không một chút so đo, tính toán hơn thiệt.
Ở Phan Thiết thời ấy có câu phương ngôn: '' Văn chương không bằng xương cá mòi '' Ám chỉ văn chương chẳng có ích dụng gì thiết thực, chẳng bằng xương cá mòi. Vì thịt cá mòi dùng để ăn hoặc để làm nước mắm, xương cá mòi ủ lại làm phân bón cho cây cối tốt tươi. Đây là một sự so sánh có tính cách quá thực dụng và khập khiểng. Do đó muốn tạo cho học sinh niềm yêu mến văn chương không phải là chuyện đơn giản.