Ngày thứ 3 ở Phan Thiết tôi để dành cho môt nhóm học sinh cũ của trường Phan Bôi Châu gặp gỡ. Chúng được tin tôi vào và muốn mời tôi đi chơi Mũi Né, Hòn Rơm.
Ẩn và hai học sinh cũ đưa xe đến đón tôi. Thầy trò tôi trực chỉ ra hướng Mũi Né.
Khác xa với ngày xưa đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn bị cát lấp đầy đi rất khổ sở thì ngày nay đường ra Mũi Né rất tốt và rộng rãi. Chẳng mấy chốc xe đã đến chỗ Lầu Ông Hoàng, nơi ghi dấu mối tình bất hủ trong thi ca giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm, nay chỉ còn một nền nhà trơ trọi thi gan cùng tuế nguyệt. Cạnh Lầu Ông Hoàng là một lô cốt hình tứ giác đã có từ lâu cao ngất ngưởng, rêu phong xám xịt. Bên trái bây giờ là làng biệt thự 192, các biệt thự kiểu tây phương xếp theo hàng ngũ trật tự rất sang trọng. Đến đoạn đá Ông Địa, cây cối xanh tươi lại có thêm một cái miếu khá to. Càng ra xa các khu resort nhà hàng nối tiếp nhau dọc theo hai bên đường. Được biết ở Việt Nam có khoảng 100 resort thì ở Bình Thuận chiếm hết 70. Một sự phát triển hết sức khâm phục!
Khu Mũi Né Hòn Rơm cảnh quan hùng tráng, đường xá nhấp nhô uốn lượn, đất đai còn nhiều đang trong giai đoạn qui hoạch, cải tạo và xây dựng. Ba mặt đều là biển cả không khí trong lành. Đây chính là viên ngọc mà tạo hóa đã ưu ái ban cho đất Bình Thuận, chứa đựng tiềm năng du lịch rất lớn.
Chúng tôi nghỉ trưa ở một nhà hàng. Thầy trò tâm sự hết sức chân tình và cởi mở. Đến tối có một nhóm học sinh cũ khác của trường Phan Bội Châu họp mặt ở quán café Win do Ẩn làm chủ, chúng chưa biết tôi có mặt ở đây, nên Ẩn muốn mời tôi tham dự. Tôi và Ẩn đi vào phòng, thấy đã có nhiều người ngồi nói chuyện ở đó. Cầm tay tôi Ẩn giới thiệu: giới thiệu với các bạn đây là thầy Hiền, thầy cũ dạy văn của chúng ta, đã 32 năm rồi thầy mới có dịp trở lại. - Chào các em. Rất hân hạnh được gặp lại các em. Sang đẩy ghế đến ôm tôi nói trong xúc động: - Thầy hả thầy? bọn em khi ngồi nói chuyện với nhau thường hay nhắc đến thầy. Em hình dung thầy bây giờ tóc đã bạc, tay chân run rẩy, đi đứng lụm khụm….Bây giờ gặp thầy, trông thầy khỏe mạnh, có phong độ nữa, sao hay vậy thầy? - Nhờ trời. - Nhưng bề ngoài thầy khác trước nhiều lắm, bọn em không tài nào nhận ra được. - Cũng do trời. Hơn nữa thầy trò ta xa nhau quá lâu rồi, biết bao vật đổi sao dời rồi còn gì? Một em chất vấn: Bọn em thỉnh thoảng hỏi nhau tin tức về thầy, nhưng chẳng ai biết, sao thầy dấu kỹ vậy thầy? Thầy tự xét mình chẳng có chút công danh sự nghiệp gì ở đời nên ẩn dật và chỉ biết cặm cụi làm lụng để nuôi con ăn học nên người. - Thầy có mấy người con hả thầy ? - Nói ra các em đừng cười, thầy thuộc diện lạc hậu, có 6 con. Có vài tiếng thở dài , kèm theo một tiếng than : trời!
Ẩn bước ra khỏi ghế để nghe điện thoại rồi bước vào phòng nói : Xin thưa với thầy, có một số bạn học cũ của chúng em ở thành phố (1) về nghỉ lễ sắp đến đây. Gặp thầy ở đây chắc chúng ngạc nhiên lắm! Thế Ẩn đã cho chúng biết thầy ở đây chưa. - Dạ chưa. - Tốt. Một lát sau bọn chúng vào, các hàng ghế được ngồi kín, chúng hỏi thăm nhau từng người ngày trước học B mấy, em thì nói B1, em B2, B3….Đến lượt tôi, Lạc (sau tôi mới biết tên) chỉ tay vào tôi : - Ông B mấy ? - B3 - Hèn gì ta thấy mặt ông quen quen.
Ẩn xen vào, giọng nghêm nghị : Lạc, đó là thầy của bọn mình ngày trước, Ông quên rồi sao? Lạc chưng hửng: - Ơ, ơ... Mầy có nhớ thầy Hiền dạy văn bọn mình không ? Lạc hướng về phía tôi : - Trời!... Chào thầy! Thầy tha lỗi cho em không nhận ra! . Tôi an ủi: không sao! Trái lại thầy cảm thấy vui là đằng khác. Vì chắc thầy cũng còn trẻ nên em mới hỏi học B mấy chứ! Cả phòng cười rộ lên vui vẻ
Chuyện cũ, chuyện mới cứ thế tiếp tục cho đến khuya.
Chú thích : (1) Thành phố Hồ Chí Minh