F NGÀY TRỞ LẠI (7) ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


NGÀY TRỞ LẠI (7)

          Ngày thứ 4, tôi để dành thăm viếng những người thân quen cũ. Đến thăm căn nhà trọ nằm giữa khu vườn rộng tôi ở khi còn độc thân, nay đã chia năm xẻ bảy. Miếng thì bán cho người khác, miếng thì chia cho các con, bán qua bán lại, làm nhà, làm quán, cái thấp cái cao. Qua mấy đoạn quanh co tôi mới vào được căn nhà cũ. Vẫn còn đó bàn thờ trên tủ búp-phê, còn đó cái sập bằng gỗ trắc, bộ bàn chữ H tôi đã dùng để tiếp bạn bè, cùng học sinh, nói chuyện văn chương, học hành, thi cử… Nhưng người xưa nay còn đâu. Chủ cũ đã quá vãng. Các đứa nhỏ trong nhà hay quay quần quanh tôi mỗi khi tôi rãnh rỗi bắt kể chuyện, nay chúng đã có chồng, có vợ ở xa rồi. Chỉ còn một người con ở lại lo hương khói, mở một quán cơm nhỏ sống qua ngày…
          Thăm căn nhà thứ hai tôi thuê khi đã có gia đình, thì trái ngược với căn nhà trước, giờ đây là một căn nhà lầu khang trang, không còn dấu vết gì của căn nhà cũ. Hỏi thăm mới biết bây giờ nó thuộc chủ mới. Chủ cũ không ai biết ở đâu. Cảnh cũ duy nhất còn nhận ra được là cây chùm ruột ở đầu ngõ, oằn mình theo năm tháng… Ghé thăm một số bạn bè quen biết ngày xưa, chỉ có một số ít còn khỏe mạnh, nhà cửa tương đối tươm tất, con cháu sum vầy…số còn lại có người đã mất, có người già yếu đi đứng khó khăn, có người lưu lạc tận phương trời xa…
          Đặc biệt có người mất trong hoàn cảnh hết sức nghèo khổ như thầy Diệc dạy hội họa, gia đình không có tiền chu cấp thuốc men và lo tang lễ. Học sinh cũ đã đứng ra kêu gọi đóng góp lo chu toàn mọi thứ cho thầy. Trọn vẹn nghĩa tình…thật xúc động làm sao! Có người sống trong tình cảnh đau yếu liên miên như thầy Chung, thầy Ân…
          Tôi ghé thăm thầy Ân lúc chiều tà trong khuôn viên chùa Vạn Thiện. Thầy đã gắn bó với công việc dạy dỗ ở đất Phan Thiết trên 40 năm. Thầy không lập gia đình, cuối đời thầy nương nhờ cửa Phật, tá túc trong một căn phòng nhỏ biệt lập phía bên trái ngôi chùa. Tiếp tôi thầy không ngồi dậy nổi, nằm co ro trên giường. Tôi hỏi : - Tuổi già một thân một mình lại hay đau yếu, sao thầy không ” qui cố hương” ? Thầy cho biết anh chị em ở quê nhà đều đã có gia đình riêng, bận bịu con cái. Vả lại thầy đã sống ở đây quá lâu, người cảnh và đất ở đây đã thấm vào máu thịt của thầy, thầy bỏ đi không được. – Những lúc đau yếu thế này ai lo cho thầy miếng cơm, miếng cháo?  Tự mình lo liệu là chính. Trầm trọng lắm mới rung chuông nhờ đệ tử. Ngoài ra thông cảm hoàn cảnh của tôi, có một số học sinh cũ luân phiên ghé thăm.
          Nghĩ đến ngày trước khi cùng dạy với tôi, cuối tháng lãnh lương, phần lớn tiền có được thầy đều mua sách vở, tạp chí… Tôi ái ngại: Những lúc phải nằm viện, thầy có đủ tiền để trang trải mọi chi phí không? – Làm sao có đủ được, khi đó tôi phải viết. Tôi ngạc nhiên: Đã nằm viện làm sao đủ tinh thần và nghị lực để viết, vả lại thù lao có đáng là bao. Một cánh tay đập yếu ớt xuống giường: - Không phải, tôi viết vài dòng cho ban liên lạc cựu học sinh. Chúng liên hệ học sinh cũ ở đây và ở nước ngoài giúp đỡ. Ngoại trừ trường Phan Bội Châu còn tồn tại, còn các trường Tư Thục khác trước đây đều phải giải thể. Dù tồn tại hay giải thể, chúng đều có ban liên lạc cựu học sinh riêng của từng trường. Hóa ra là thế mà tôi cứ tưởng... - Thầy đã có lần nào làm như vậy chưa ? - Có một lần, lần đó tôi suýt chết. May mà… - Thế lần này thầy đã viết chưa? – Chưa và có lẽ không. Còn ngo ngoe được thì không nên làm phiền chúng, tội nghiệp. Tôi ra về mà lòng ngổn ngang trăm nỗi…