F tháng 1 2012 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Tết Với Bạn Tôi

Bạn ơi bạn ăn Tết thế nào
Mỗi người ăn Tết mỗi khác nhau
Mỗi nơi ăn Tết theo mỗi cách
Miễn hợp với mình sướng biết bao

Bạn ơi ăn Tết có vui không
Có cùng nhau gặp để ngồi chung
Có cùng nhau nhắc bao chuyện cũ
Chuyện cũ năm nào lúc đón xuân

Bạn tôi ăn Tết ở nơi xa
Nhớ chuyện ngày xưa ở quê nhà
Nhớ con đường cái mình đến lớp
Có cô bạn học vừa đi qua

Bạn tôi ăn Tết ở miền quê
Không bạn không bè chỉ có ghe
Máy nổ kô-le dòn như pháo
Bọt nước tung lên trắng thấy mê

Bạn tôi ăn Tết ở trên đồng
Mùa này sắp sửa lúa trổ bông
Có đâu ở nhà ngồi uống rượu
Tết ở trong đồng tết nhà nông

Bạn tôi ăn Tết ở bên rừng
Suốt ngày đơn lẻ nhớ mông lung
Nhớ thời ra tỉnh mài kinh sử
Mai nở lưng đồi mới biết xuân

Bạn tôi ăn Tết ở Trường sa
Thăm con chiến sĩ gác xa nhà
Cũng có mai vàng cùng dưa đỏ
Sóng vỗ rì rào hát Quốc ca.

NTH
30-1-2012

Chợ Hoa Tết Thành Phố

Chợ Hoa Tết tại Thành phố HCM đồng loạt bắt đầu vào ngày 23 Tết, ngày đưa Ông táo, kết thúc trước 12 giờ trưa ngày cuối cùng năm âm lịch 30 hay 29 như năm nay. Bây giờ có rất nhiều chợ hoa ở công viên 23-9, công viên Lê văn Tám, công viên Gia Định, Thuận Kiều Q.5, trên sông Q.8…
Chợ Hoa Nguyễn Huệ có từ xưa, để người nông dân đem sản phẩm của mình nuôi trồng lên thành thị bán tết, riết rồi thành tục lệ. Chợ hoa chỉ diễn ra một tuần đem biết bao không khí sắc thái mùa xuân đang về trên quê hương đến một thành phố tân kỳ hoa lệ Sài-gòn, hòn ngọc viễn đông năm xưa. Một buổi sáng sớm người dân thành phố thấy tràn ngập các loài hoa vạn thọ, đồng tiền, thược dược, mồng gà, hướng dương, móng tay, cúc vàng; cây trái có hạnh, bồng, bưởi, cam, quít, phật thủ, cà, ớt, đu đủ vàng; chậu kiểng, giò lan… hương thơm, màu sắc lan tỏa một vùng.
Mai vàng mới là cây hoa được nhiều người đi Chợ Hoa Nguyễn Huệ ngắm chơi, chụp ảnh lưu niệm nhiều nhất. Cây mai vàng bó đất bằng bẹ chuối bán nguyên cây cho người chơi đem về vô chậu trồng luôn không sợ rụng bông, nhiều cây mai rừng cao 4-5 thước bông đơm đặc giá mua không nổi, cũng không có chổ để, nhiều người đứng ngắm xít xoa phát thèm ước gì mình có nhà cao cửa rộng. Hồi đó người ta không thấy mai ghép vô chậu đỏ, thân cây uốn nắn bông to nhiều cánh đẹp như bây giờ. Hồi đó rừng còn nhiều mai lắm, nên chỉ cần chịu khó đi chặt về bán, bỏ công khỏi bỏ vốn. Tới sáng sớm 30 Tết mai cành, mai nhánh bó lá dừa được ghe chở lên ở bến Bạch-đằng đưa qua đường Nguyễn-Huệ bán liền như tôm tươi, rẽ rề ai cũng có thể mua vài cành về chưng chơi lấy hên trong 3 ngày tết. Mấy anh bán mai cây, giờ cuối bán nguyên cây không được, cũng xả cành xuống bán luôn cho kịp giờ sở vệ sinh dọn dẹp.
Cảnh bán mai sáng 30 tết nhộn nhịp tấp nập khác thường làm cho người dân thành thị nhớ mãi. Mỗi người cầm một nhánh mai ưng ý nhất mình chọn lựa, tỏa đi về nhà với lòng vui hớn hở vội vàng cắm lên bàn thờ, cầu mong năm mới được nhiều may mắn. Nhứt là những người xa quê hương thường tìm về ăn Tết vào ngày có Chợ Hoa Nguyễn Huệ để được hưởng trọn vẹn mùa xuân trên quê hương Việt Nam mình. Mãi đến bây giờ đã có Đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp tết cho người dân thưởng thức, dù có nét nghệ thuật, mỹ thuật và kỹ thuật sắp xếp trình bày gọn gàng đẹp đẽ hơn xưa, cũng không làm những người lớn tuổi đã từng đi Chợ Hoa Nguyễn Huệ ngày xưa quên được. Họ cảm thấy luyến tiếc một chợ hoa mộc mạc tự nhiên, dễ sinh tình giữa người bán kẻ mua, giữa người du xuân và cảnh vật, nó thấm đẩm vào lòng không thể nào phai nhạt.
Tôi còn nhớ khoảng năm 1990, có một loài hoa mới xuất hiện tại Chợ Hoa Nguyễn Huệ đó là cây Mãn đình hồng. Hoa mãn đình hồng làm mọi người ngây ngất với vẻ đẹp lạ, giá đắt mấy người ta vẫn mua cho được. Từ năm 2004 Chợ Hoa Nguyễn Huệ trở thành Đường Hoa Nguyễn Huệ đến nay, người dân thành phố chỉ có đi xem hoa theo chủ đề có sự sắp đặt trước, có cách thưởng thức mới, mở rộng kiến thức văn hóa thời đại văn minh.
Hai cách thưởng hoa khác nhau cùng một nơi, ở hai thời kỳ khác nhau. Đó cũng nằm trong sự thay đổi mà người dân thành phố chấp nhận cho hướng đi lên tích cực dù có luyến tiếc, hoài niệm. Ngày Tết thường làm người lớn hay nhớ, hay nhắc lại chuyện xưa, để kể cho con cháu nó nghe, nó biết hồi đó… nó vậy vậy mà thôi.

NTH
Tân Định, mùng 3 Tết Nhâm Thìn

Sirô lên Chùa


Năm mới đi lễ Chùa-Cầu xin Phúc muôn nhà :)

Chúc Nhau Đầu Xuân

Ngày đầu năm khai bút với bài văn hay bài thơ đây, đôi khi ngẫm nghĩ chỉ có vậy mà cũng phân vân. Một phân vân của nhiều phân vân mỗi dịp Tết đến Xuân về trong tôi. Chẳng qua tính tham lam muốn làm nhiều điều, rồi lúng túng điều trước điều sau. Tết, ngày vui ai cũng muốn sang sẻ cho nhau, thăm nhau, gặp nhau để chúc đến bạn mình những gì tốt đẹp nhất, có vậy mỗi khi chúc xong mình có cảm giác vui lây. Nói nãy giờ là tôi viết văn khai bút rồi. Vậy cho tôi xin chúc luôn tất cả bạn từ gần đến xa, bạn từ thuở có lớp 11B1, bạn đến bây giờ sắp sửa lên lớp 60Bnhau, Bcon, Bcháu và sẽ còn Bchắt, Bchít trong tương lai.

Tết Nhâm Thìn 2012 năm nay đến với tôi hoàn toàn có nhiều cái mới. Nếu nói sáu mươi năm cuộc đời thì tôi được hưởng chử thọ, nghe qua giật mình, mình đã lên lão. Năm rồi lên hàng xui gia, tưởng lâu thật ra mới được mười ba ngày. Tết này, sắm sửa trịnh trọng đi thăm hỏi xui gia nữa. Tôi thấy đây là những dấu ấn trong đời người, nó để lại cho mình nhiều niềm vui khôn tả. Cái vui như đến tự nhiên hòa quyện, không muốn cũng không được. Đến từ thiên nhiên từ cha sanh mẹ đẻ, theo cùng đất trời sinh sôi nẩy nở, để người đầu trắng thương trẻ tóc xanh.

Niềm vui đến vào dịp Xuân về, càng làm lòng tôi vui gấp bội, khó diễn tả như đi lâng lâng trên nước trên mây. Bây giờ đây có được thêm một đứa con kêu mình bằng Ba. ‘’ Thưa Ba con đi làm… Thưa Ba con mới về… Con mời Ba ăn cơm…‘’ những lời mời thưa của con dâu cũng đủ làm lòng tôi vui sướng. Rồi đây chúng nó sẽ sinh cho tôi vài đứa cháu nội, nghĩ tới đây lòng tôi ngất ngây. Tết đến, để cho tôi mong ước hy vọng, tôi cầu mong như thế, rất tin phật trời phù hộ cho mình.

Tết nhứt người ta hay nói rất bận. Nhưng bận không như ngày thường cực khổ làm lụng, bận ở đây là bận vui, bận làm điều vui cho thiên hạ. Tôi cũng xin bận. Bận tổ chức thi chim hót tại Hội hoa xuân Thành phố, Công viên Tao Đàn. Tôi nghĩ mình đã cố gắng làm một điều gì đó, để có ngày Tết đến với mọi người vui vẻ hạnh phúc thì mình cũng cảm thấy hạnh phúc rồi.



NTH

Mùng 1 Tết Nhâm Thìn 2012

HẠNH PHÚC ĐẦU XUÂN

Kính chúc quý Thầy Cô các anh chị và các bạn năm mới
SỨC KHỎE - HẠNH PHÚC - THÀNH ĐẠT


Ai mua cốm không ?

Tặng Hồ Thái Thiết khai sinh từ " quá đã"


Tôi chở trên xe những sắc màu " quá đã"
Ai mua không?- Cốm Tết đã vào mùa
Đừng méo mó nhăn mặt cười xa lạ!
Cuối mùa rồi, ai tính hơn- thiệt-được - thua?

Tôi chở trên xe một thùng đời nặng quá
Đi khắp phố phường, bán hương vị mùa xuân
Tôi vác trên vai bao lo toan nghiệt ngã
Rao bán bon chen, bán trần thế xô bồ

nvn

" Tác giả nvn là chồng của bạn Bạch Thu "

LOI VAN NGAN

 Tặng những người Bạn phương xa 
           CH  ĐÊM  TẾT  
        Cứ vào những ngày kề Tết xứ Tôi có tục lệ Chợ Đêm còn gọi là Chợ Tết, chỉ bán trên một con đường chính lớn ngắn nhất, rào lại cấm các xe ra vào đường chia từng ô nhỏ 6 mét vuông, con đường chia làm 4 lằn đường để bán, 2 trên lề đường và 2 dưới  lòng đường mà chỉ mua bán có 3 ngày 3 đêm cho đến trưa 30 phải xong dọn dẹp,  mọi người nhà ai về nhà nấy để đến 12 giờ đêm đón Giao Thừa chào mừng, đón nhận năm mới.
        Chợ Đêm bán những món đồ dân dã truyền thống dân gian, những bánh mứt ngon ngọt đủ màu sắc đẹp mắt, những cái bánh Tét, bánh Ít, bánh Chưng, bánh Đúc, bánh bột Lọc, bánh Tráng, bánh In... cùng những món ăn bình thường bằng bột mì hay bột gạo, những cây trái tươi tắn ở Quê chăm sóc cho kịp để bán vào Tết trong 3 đêm mày, những thứ này mua về để chưng bàn thờ Tổ Tiên cùng những trái cây như trái Dừa, Đu Dủ, Xoài, Sung... mà dân gian hay mua để bàn thờ gọi những trái đó là Vừa Đủ Xài hay Sung Túc an bình cho năm tới, cùng những cây mai to nhỏ đủ cở, đủ giá mua về chưng cho nở vào Mùng 1 Tết là cả năm may mắn và những bông hoa lạ đủ màu sắc mà nếu không có 3 đêm này chắc khó tìm thấy những món trên, nên 3 ngày đêm nay thật vui sôi động làm Già Trẻ Lớn Bé đều nao nao ngày Tết, thế nên đã làm sống lại những Con Người vào những ngày này.
         Năm nay Tôi và Vợ Con ở xa về, nhìn thấy lại những hình ảnh thật thương yêu Quê nhà mà khá lâu Tôi không có dịp bắt gặp nên cảm xúc trong Tôi thật nhiều về Chợ Đêm, thêm cái phải giải thích cho Vợ Con hiểu về Chợ Đêm, khi nói đến từ “Chợ Búa” Tôi hơi ngẹn do nhớ đến Ba, khi bé Tôi cũng đã từng hỏi và được nghe Ba giải thích nên việc giải thích của Tôi là lời lặp lại của Ba nhưng khác ngôn ngữ. Ba muốn chúng Tôi hiểu biết về Chợ Đêm, tại sao có Chợ Đêm, có từ lúc nào, có ra sao? Ba Tôi đã giải thích tường tận Tôi biết từ đó. Giờ thì Tôi thích thú giải thích và người nghe thích thú nghe nên cái Chợ Tết sống lại trong Tôi hơn bao giờ hết, đang cùng Vợ Con vui vẻ sống lại những tháng ngày của Tôi về Chợ Tết, rồi có từ Ngày Tết Tôi bỗng chùn người một thoáng không vui do sáng Mùng 2 Gia Đình Tôi phải vào Sài Gòn để tối hôm đó lên máy bay về lại nước mà không biết bao lâu trở lại Thăm Nhà, Quê Hương, Chợ Đêm, dù Gia Đình Tôi rất muốn ở lại để hưởng trọn vẹn cái Chợ Đêm, Cái Tết nhưng không thể.

           Phan Thiết, Ngày 22.1.2012
               NGUYENTIENDAO 

    @ Quê hương là nơi mà khi Bạn đi đến đó làm Bạn lưu luyến 
                    Robert   Frost 

Cúng Rước Ông Bà

          Tết làm người ta tư lự. Nhớ quê hương, nhớ về cội nguồn của nhiều người con làm ăn xa xứ. Một nổi buồn nhớ nhung, lỗi hẹn không kịp trở về ăn Tết cùng bà con thân thuộc. Bên mâm cơm cúng rước ông bà trưa ngày hai mươi chín Tết, năm thiếu như năm nay, cũng có bánh tét, thịt kho hột vịt, kiệu chua, dưa hấu... Người xa quê cũng ráng sắm sửa cho có đủ hương vị ngày tết như xứ mình, có những món quen ông bà cha mẹ ngày xưa từng nấu cho mình ăn.  Nhắp một chung ‘’nước mắt quê hương’’ trắng trong cay nồng, chạy xuống tận cỏi lòng ấm áp, mắt dõi xa xăm trầm tư để nhớ quá khứ, nhớ tổ tiên, nhớ về ông bà ông vải của mình.
          Tết, tôi mong tới tết lắm để được má dắt về quê ăn tết. Tết năm nay má xin ba để ba ở lại một mình, má dắt tôi về quê ngoại ăn tết cho ngoại vui.
          Mấy năm trước ngoại còn mạnh, ngoại thường từ dưới quê lên thăm con thăm cháu. Ngoại đi lúc đầu hôm mát trời, từ làng Tân-an ngoại đi bộ ba bốn cây số ra bến đò Kinh Xáng. Chờ đò đưa qua sông, ngoại lên xe lôi ra tới chợ Tân-châu nửa đêm, mua vé lên xe đò ngồi chờ đi thành-phố. Xe đò Tân Châu – Sài gòn mỗi ngày chỉ một chuyến, xuất bến hai ba giờ sáng. Ngoại đi cho sớm mới kịp mua vé có chỗ tốt ngồi. Ngoại còn xách theo hai tay hai giỏ đệm, một bên giỏ mấy chục trái vú sữa với vài bộ áo quần, một bên giỏ có mấy con gà giò. Mấy thứ này ngoại nuôi ngoại trồng, tấm lòng của ngoại đem lên cho con cho cháu ăn lấy thảo.
          Đi được xe suốt vậy là may. Có khi đường hư hay bị đấp mô do giặc giã còn khổ hơn. Ngoại phải lặn lội mười mấy cây số qua phà Châu Giang, tới bến xe Châu Đốc mới có xe. Đi xe chuyền, nhảy lên hai cái bắc Vàm Cống, bắc Mỹ Thuận, kẹt phà kẹt bắc thật khổ cực. Tới Xa cảng miền tây lớ quớ bị bọn móc túi rạch giỏ lấy đồ. Má rất lo cho ngoại, tuổi già đường sá xa xôi nguy hiểm, gió máy dọc đường trắc trở. Ngoại đi từ đầu hôm trước tới chạng vạng hôm sau mới tới nhà má. Má cản ngoại hoài, vậy mà hể nhớ má, là ngoại âm thầm một mình khăn gói lên thăm má. Tới thành phố ngoại đi tiếp xe lam từ xa cảng về Ngã Bảy, đường Lý-Thái-Tổ vào nhà má ở khu tạm cư Pétrus Ký.
          Lần nào cũng vậy ngoại vô tới cửa má mới hay. Má chạy ra liền đỡ hai cái giỏ cho ngoại. Hai cái giỏ ngoại cắt ca cắt củm mang nặng, giữ kỹ suốt bên mình từ dưới quê lên làm quà Tết. Ngoại nhìn má, tay run run giơ hai cái giỏ, kêu’’con’’, má rớt hai hàng nước mắt.
          Bây giờ ngoại không còn, má cũng không còn.

           NTH nhớ Ngoại với Má
        Trưa 29 Tết Nhâm Thìn 2012

LOI VAN NGAN

        CHỢ  ĐÊM  VÀ  ĂN  XIN  

       Trời se se lạnh của ngày gần Tết, đâu đâu cũng rộn ràng tươi vui  kéo về tập trung trên con đường chính chỉ có 3 ngày 3 đêm, người trông kẻ coi người mua kẻ bán những món đồ đơn sơ dân dã, món ăn mộc mạc, những cây trái tươi tắn, những cành mai lạ, những bông hoa đủ sắc màu mà không Tết khó tìm thấy. Nơi đây thật vui náo động, đông đảo người làm ăn tứ xứ về thăm nhà đón Xuân cúng Ông Bà, họ giàu nghèo ăn mặc đủ sắc màu, dạo mua những món đồ Tết, tạo một khung cảnh sinh động vui tươi đáng nhớ trong lòng ai đã từng ở vùng trời này.
         Trong những người về đoàn tụ Ăn Tết ấy có những người sống đi ăn xin ở những vùng khác nhau nhưng khi về xứ sở Ăn Tết thì bảnh bao như đang làm nghề gì đó, bình thường thôi!
        Anh A sống nghề ăn xin nuôi một Vợ hai Con, đi khắp đất nước đến đâu xin đến đó, hai tháng mới về nhà thăm Vợ Con một lần, lắm lúc ở vài ngày thấy buồn lại đi, ăn xin thì phải ăn bờ ngủ bụi, tiền xin được toàn tiền xu, tiền lẻ nên phải gửi người quen rồi đổi ra tiền chẳn hay mua 1 chỉ vàng. Đó cái xin được sau 2 tháng. Ngày tết, ăn tết trước cùng Vợ Con, chiều 30 lên Thành Phố xin. Mùng 1,2,3, bình quân mỗi ngày xin được gần chỉ vàng.
        Ăn xin có nhiều cách xin của người ăn xin. Có người ăn xin đen đui dơ dáy cụt 1 chân đi bằng cây nạng, khi xin mặt lúc nào cũng lạnh lẽo, cảm tưởng nếu không cho, cây nạng có thể đập vào tủ kiếng nhà, kiểu cách nét mặt ăn xin ấy làm người cho phải cho như né cái không vui có thể đưa đến. Nhiều khi đi xin gặp đôi tình nhân, phải kè kè không đi, như chướng ngại là người thứ ba nghe chuyện, nên khách cho đại để đi chứ không là hành động bố thí con người với con người.
       Có Bà B, hàng ngày Bà đi chợ nhưng không bao giờ có tiền,  khi bước khỏi nhà Bà đi rất lanh lẹ mạnh khỏe không gì là bệnh đau ốm yếu, đến khu buôn bán sầm uất bỗng dưng Bà đổi hẳn cách đi khó khăn, bệnh hoạn, ai nhìn cũng nghĩ Bà bệnh đau không tiền chữa nên đi xin ăn. Bà gặp ai hay đến trước hiệu buôn sè tay xin bố thí, hầu như ai cũng cho do dáng vẻ cùng khuôn mặt thiểu não của Bà, rồi Bà có tiền đi chợ, nhờ vào ăn xin, cứ thế.
        Đừng ai nghĩ rằng xứ nghèo mới xin ăn nha. Tại một cái xứ văn minh, giàu có bậc nhất thế giới lại có những anh chàng có học ăn mặc rất lịch sự, đi xin.
      - Làm ơn cho tôi một đồng hay một ổ bánh mì, nếu không hãy cho tôi một nụ cười.
        Những lời này được ghi trên tờ giấy treo trước ngực để xin, khi cho họ nụ cười, họ vui vẻ trả lại nụ cười cùng lời “ Cám ơn ngài! ”.
        Đó cái xứ văn minh nên xin ăn cũng văn minh lịch sự để kiếm sống chứ đâu phải xứ nghèo, bần cùng mới xin ăn đâu.
      Đi ăn xin, một nghề kiếm sống có đất được Cảnh Sát cho phép để xin. Trên con đường nhiều khách bộ hành, thỉnh thoảng thấy người xin ăn cầm đàn hát mà không đi khỏi cái diện tích nhỏ nhoi mấy mét vuông được Cảnh Sát cho phép, họ đàn hát bài Tôi biết, nên Tôi đứng lại nghe thưởng thức bài hát rồi cho họ 1 dollar, bài thứ hai họ hát, Tôi biết lại cho thêm 1 dollar, bài thứ ba Tôi biết, nhưng lần này họ từ chối 1 dollar. Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao? Sau này Tôi mới biết, vì đã đồng cảm những bài hát (Âm Nhạc) cùng họ. Đó là phong cách ăn xin của người Xin Ăn.
       Thôi thì có 3 đêm Chợ Tết để mọi người về đây, cùng thưởng thức và chia nhau những cảm giác Chợ Xuân dù ở bất cứ nơi nào  Tây Tàu , xa gần.

         Phan Thiết, Ngày 21.1.2012         
              NGUYENTIENDAO 
 
   @ Kho tàng Anh ở nơi nào thì Tim Anh cũng ở nơi ấy 
                        Pascal 

Bài Thơ Cuối Năm

Nghiêng
Gẫm lại năm qua có khác thường
Thần tài ông địa múa nô-ên
Tết tây tết ta chơi rượt đuổi
Người chạy vắt cổ chẳng kịp rên

Lặt lá mai vàng nụ chưa nhú
Trời lạnh sương mù sợ trể bông
Nắng đâu hừng hực dăm ba bửa
Hoa nở lưa thưa cũng an lòng...

Sáng ngắm mai vàng thấy tiết xuân

Hồn theo chim hót sướng lâng lâng
Yên ổn nằm trưa vào giấc điệp
Nghe mưa đổ ào ở ngoài sân

Vội vã ra ngoài cất chim cưng
Lau lại chiếc lồng xưa bát bửu
Trời ơi, mưa chi mưa bất tử
Tết có còn mai để đón Xuân?!

NTH
20-1-2012 nhằm ngày 27 Tết

LOI VAN NGAN

            VĂN  HÓA  ĐỜI  SỐNG 
         Đến trường cái đầu tiên học lễ phép, trật tự, giao tế thương yêu đồng loại, cách sống cho ra Con Người để hòa nhịp cộng đồng mà phát triển tiến bộ đi lên nhưng hỡi ơi!
       Những cái học ban đầu sơ đẳng nay gần như trả hết cho người dạy dỗ mà nếu ai cũng trả hết thì đất nước có 100 năm sau vẫn như hôm nay.Trong xã hội đang sống phải có Văn Hóa, mà Văn Hóa Xã Hội thì to lớn quá nên có thể chia ra nhiều cụm từ như  Văn Hóa Giao Thông, Công Cộng, Giao Tiếp, Giải Trí...v...v...
       1. Văn Hóa Giao Thông:
     Đã học từ bé, khi ra đường luôn đi bên phải, luôn nhường đường cho Người Già, Phụ Nữ... Thế mà khi gởi xe không thứ tự chen lấn để vào cái cửa nhỏ, ai cũng vôi vã muốn mình đi trước không sắp hàng đến trước đến sau mà cứ chen nhau không ai bảo ai cứ chen. Dòng người chen lấn ấy có Tôi, kề bên Tôi một Phụ Nữ nên liền nhường vào trước thì liên tiếp 2, 3 Anh chàng khỏe mạnh thừa cơ hội chen tiếp đưa xe vào dù tuổi Tôi hơn các Anh 2, 3 lần mặc kệ. Nếu Tôi cứ nhường thế này chắc vĩnh viễn sẽ đứng đó một đời, cuối cùng Tôi phải chen dành lại vị trí của mình các Anh mới thôi.
       Xe Bus vừa tấp vào trạm chở khách luôn nhìn thấy những Cô Cậu Thanh Niên khỏe mạnh sáng sủa sừng sững giành chen lên xe trước ngồi  ghế, còn người Già, Phụ Nữ đứng trên xe Bus là chuyện bình thường, chở một người “Có Thai” trên xe, nếu xe có biến cố gì xảy ra thì tại “Người mang thai sui xẻo”. Ở những đất nước phát triển Họ trọng và luôn dành ưu tiên cho Phụ Nữ nhất là Phụ Nữ “có thai” và người Già, Họ trọng những người  này vì trong những người Già này đã hy sinh một đời cho đất nước Họ hay đã sinh sản ra những con người giỏi, người tài đã phát huy đất nước Họ, hay những con người đang mang thai hôm nay có thể đang mang những con người giỏi cho tương lai đất nước Họ, nên phải tôn trọng và ưu tiên trong bất cứ nơi nào. Đó một trong những Văn Hóa Giao Thông.                                     
       2. Văn Hóa Công cộng:
      Vào chiều tối những đôi Thanh Niên Nam Nữ lịch sự sáng sủa đi trên những chiếc xe đắt tiền sau khi chạy lòng vòng khắp Thành Phố rồi tập trung vào cái vườn hoa trung tâm Thành Phố ngồi trên những băng ghế đá, thành sắt của Công Viên chơi đùa, ăn uống những món ăn nhanh rồi xả rác tại chỗ dù thùng rác công cộng chỉ cách 10 mét. Nơi này khi Họ về hết, nếu để đôi mắt và cái mũi nhìn xuống, gần xa giấy rác vất bừa bãi như một cuộc biểu tình vừa thoáng qua, hay một cơn ngập lụt mới rút hết nước cần trợ giúp nên không khí hơi thở bỗng dưng ngột ngạt khó thở cho buồng phổi và đôi mắt.
       Đó là cái vườn hoa trung tâm thành phố chung quanh lối đi toàn rác và bịch nylon, tàn thuốc lá, bao trắng đựng thức ăn, ly giấy, lon, cùng các thức ăn dư thừa gì,... và lá rụng. Với một ngày rác như thế, thử hình dung nếu Công Viên 10 ngày không ai quét rác thì Công Viên hay Trung Tâm Thành Phố thế nào, ra sao? Đây cũng một trong những Văn Hóa Công Cộng.
3 . Văn Hóa Giao Tiếp:
       Tôi chưa bao giờ đến một cơ sở Thẩm Mỹ Viện đồ sộ thế này, lại ghi là Bệnh Viện Thẩm Mỹ phải ngước cao đầu mới đọc được hàng chữ trên. Đang lớ ngớ gởi xe thì Anh Bảo Vệ với phong cách oai phong như một vị chỉ huy ngoài chiến trường ra lệnh lớn tiếng chỉ chỏ sắp xếp gởi xe “ lúc ấy xe mới có vài chiếc ”dù cái tuổi Tôi hơn Y ít nhất 2 lần, làm cái nhìn đầu tiên đến cơ sở của Tôi mất đi 50 % thiện cảm mặc dù sau đó vào trong phòng thật thoáng và  các Cô chào mời khách rất tuyệt, nhẹ nhàng từ tốn. Khi chia tay Tôi chỉ nói một câu:
         - Hy vọng có 50% Tôi trở lại và cám ơn đã tiếp Tôi như thế!
         Đó một trong những Văn Hóa Giao Tiếp.
       4. Văn Hóa Giải Trí:
      Đến tựu điểm Ca Nhạc, vào đêm những Cô Ca Sĩ với phong cách ăn mặc thật thiếu thốn những tấm vải che người, lắm khi lại múa nhảy “Bốc giật quá”quên hẳn là mình không tôn trọng “Khách Hàng là Thượng Đế” nên đưa hết những đường cong gợi cảm thẳng diện khán giả mà không ngại ngùng mắc cỡ là gì, lạ lùng khán giả lại la ó như tâng bốc cổ vũ cho Ca Sĩ thêm hơn “Có thể tiếng la ó ấy của những Bạn Trẻ”. Còn vào những Câu Lạc Bộ về đêm thì gặp những Cô Tiếp Viên luôn kề cận thực khách, gò bế khách hàng mà ăn mặc những bộ đồ khác nhau thật không tưởng. Những người đàng hoàng vào nơi này tưởng giải trí lành mạnh nhưng lại là nơi ô uế, một ổ vi trùng đang phát triển bệnh tinh thần và thế kỷ dần dần cho thế hệ sau mà chẳng ai để ý. Giải trí phải có Văn Hóa, phải lành mạnh mới thực sự là giải trí để các thế hệ sau kính trọng mà ngẩn cao đầu.
        Ở trên là 4 cái Văn Hóa trong nhiều cái Văn Hóa mà cuộc sống chúng ta phải nhìn nhận mà xây dựng . Ta đã tự hào, tự đánh thắng nhiều Đế Quốc. Thế tại sao Ta không cùng nhau tự nhìn lại mình, tự mỗi người nhìn lại bài học vỡ lòng khi cấp sách đến trường để cùng chung có cái Văn Hóa tổng hợp gìn giữ, đưa đất nước đi lên cho Mùa Xuân đẹp càng đẹp hơ .
         Hãy cùng nhau !

        Phan Thiết, Ngày 20.1.2012
             NGUYENTIENDAO 

    @ Một thể xác cường tráng, một tinh thần cương trực, một ý chí đạo đức, đó là một nền gíao dục tốt    
                    V. Hugo 

LOI VAN NGAN

  Gởi Blog và tặng Chế Khắc Thuận .
  Bài dự thi tùy bút Xuân Hạnh Phúc 2010 .
            
       Mùa Xuân Hôm Qua Và Hôm Nay

      Nhiều khi những việc đã qua hồi tưởng lại cũng thấy vui và buồn cho mình cho Xã Hội.
      Có 1 mùa Xuân và những mùa Xuân kế tiếp Tôi không quên được. Nhớ Xuân 1977, tuổi 20 Tôi cùng người bạn có số phận giống nhau đu xe lửa vào Sài Gòn không một mảnh giấy tùy thân, đêm ngủ tại ga xe lửa, ngày lang thang khắp Sài Gòn không biết đi đâu? Làm gì? Tương lai nơi nào? Không một hướng đi cho ngày mai mà khi bé hoài bão thật lớn, trong Tôi thật nhiều. Bấy giờ Tôi chỉ ước mơ là 1 công nhân nho nhỏ để góp 1 hạt cát cho Xã Hội, nhưng nơi nào cũng từ chối. Sáng hôm ấy, Tôi cùng người bạn đi lang thang đến 1 cửa hàng, lúc ấy thật sang trọng trên đường Công Lý, bước vào đi chưa được bao nhiêu. Bỗng 1 Cô nhân viên bán hàng ăn mặc sạch sẽ khuôn mặt dễ mến, nhìn chung dễ coi chặn lại nhìn Tôi từ trên xuống dưới, lúc đó Tôi mặc bộ đồ công nhân màu xanh, đôi giày mở miệng, vai mang túi xách, Cô bán hàng hất mặt nói:
- Anh có nhìn vào tấm bảng treo trước cửa chưa?
- Xin lỗi… Tôi không để ý lắm.
Cô bán hàng khằn giọng nói từng lời:
- Đây là cửa hàng chỉ bán cho người nước ngoài không bán cho người Việt, nghe chưa!
Tự nhiên máu dân tộc tính trong Tôi trào lên đột ngột nhưng cố gằn, giữ lại rồi nói:
-  Này Cô đừng bao giờ có cái nhìn như thế!
Cô bán hàng bỉu môi và nói:
-  Anh làm gì có tiền mà mua được hạt cát trong cửa hàng này.
Lần này Tôi không làm chủ được mình, nhào tới tát vào mặt Cô bán hàng nhưng người bạn cùng đi kịp chặn lại, Tôi lớn tiếng nói:
Tại sao? Cô lại tôn trọng những người không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ, không cùng đất nước hơn những người như Tôi lại có cùng chung tất cả…
Nghe lớn tiếng nhiều người bảo vệ chạy đến ngăn cản rồi đuổi Tôi ra, lúc ấy máu dân tộc tính trong Tôi dâng lên tột độ, tận cùng, không còn ngán hay sợ hãi bất cứ chuyện gì nên cứ nói và nhào đến Cô bán hàng, cuối cùng người bạn lôi Tôi đi, nếu không Cảnh Sát sẽ đưa Tôi vào nhà đá. Tôi ấm ức bực dọc, nghĩ ngày nào đó sẽ gặp lại Cô vì đây là cái sĩ nhục quá lớn mà cuộc đời Tôi sẽ không bao giờ quên được chuyện này.
        Phải! 25 năm sau cũng đúng ngày gần Tết ngày mùa Xuân Tôi và người bạn ấy cùng đi lang thang trên đường Cách Mạng Tháng Tám Thành Phố Hồ Chí Minh tình cờ bước vào 1 cửa hàng bán dầu thơm, người bán ân cần vui vẻ đón rước chúng Tôi như người khách quý, vì lúc này Tôi là một Doanh Nghiêp trong nước, bạn Tôi là một Kỹ Sư Compurter thành đạt ngoài nước nên Tôi và người bạn, ở khách sạn nhiều tiền nhất, ăn nơi ngon miệng nhất, mặc những bộ đồ sang trọng nhất và dùng những đồ đắt giá nhất. Sau 1 hồi Cô bán, chào hàng, giới thiệu hàng, bạn Tôi muốn mua 1 loại nước hoa tốt nhất mà nơi này không có, bạn Tôi và Cô bán hàng trao đổi về nước hoa, Tôi nhìn Cô bán hàng thấy có cái gì đó là lạ, quen quen. Cô bán hàng ăn mặc sạch sẽ khuôn mặt dễ mến nhìn dễ coi. Tôi tự nhiên buột miệng:
   - Xin lỗi cách đây 25 năm có phải Cô bán gian hàng dành riêng cho người nước ngoài ở đường Công Lý phải không?
      Cô bán hàng ngước lên nhìn Tôi tròn mắt, vui vẻ ngạc nhiên mà trả lời không đúng câu hỏi.
-  Ô... ô... sao Anh lại nhớ... biết đến Tôi.
Tôi ồ lên và nói:
- Không ngờ gặp lại, Trái Đất nhỏ bé quá!
Tôi nhẹ nhàng, tế nhị, vui vẻ nhắc lại câu chuyện cách đây 25 năm. Cô bán hàng hồi ức sau 2 phút, òa lên trong nét mặt không tự nhiên:
- À  à...Em nhớ... em nhớ...
Cùng lúc người bạn:
-      Ừ! Tao nhớ... tao nhớ...
Lúc này Cô bán hàng nở 1 nụ cười xin lỗi dễ thương thay lời muốn nói như 1 thiên thần chứ không phải 1 khuôn mặt ác quỷ như 25 năm trước. Làm người thật khó, 25 năm trước Cô bán hàng đuổi Tôi như kẻ cầu thực, 25 năm sau Cô bán hàng mời  Tôi như vị khách quý. Và ngày ấy, quá khứ là quá khứ và hãy để nó lụi tàn nhưng mùa Xuân vẫn rực rỡ là mùa Xuân thương yêu  .
       Phan Thiết, ngày 11.2.2010
          NGUYỄN TIẾN ĐẠO
         Số 4 Nguyễn Du Phan Thiết                                                                       

          @ Mọi thứ đều tồn tại trong một lượng rất giới hạn nhất là Hạnh Phúc .
                                Picasso 

Phạm Đình Nhân

Có người lớp trưởng thật dễ thương
Quen lo cho bạn chẳng nghĩ thân
Sốt sắng xênh xang đi đám cưới
Ngày sinh nhật mình lỡ quên đăng

Ngày mười hai tháng một đầu năm
Ngày bạn ra đời đó phải không
Ngày ấy muôn hoa đều đua nở
Tô điểm đất trời một sắc xuân

Tết lại sắp về trên quê hương
Nao nao trong dạ nổi nhớ thương
Vui vui tất lòng cùng cạn chén
Quên chuyện vui buồn luống vấn vương

Chúc bạn ngày sinh vui gấp trăm
Năm mới vây quanh mọi chuyện lành
Nhịp đùi lên blog ngồi gõ gõ
Khề khà với hocsinhchinhtam !


NTH
18-1-2012 nhằm ngày 25 Tết

LOI VAN NGAN 100 TU .

Bài văn đã gởi nay đọc lại có gì đó “là lạ.” có thay đổi vài từ. Hãy chia sẻ cùng Tôi. Thân ái.

Lời văn ngắn 100 từ
          MỘT  ĐỜI  MÃI  MÃI 

        Tụi Nó bắt đầu từ tuổi :
     _  U30, cưới nhau còn nghèo khổ, Tụi Nó đèo nhau trên chiếc xe đạp trành không dè, ôm eo ếch, vui vẻ.
      _ U40, Tụi Nó đi trên chiếc xe Honda Cánh Én, ôm sát người, ấm áp.
     _ U50, Tụi Nó chở nhau bằng chiếc xe Honda Dream mới, ôm nhau, sung sướng.
      _ U60, Tụi Nó ngồi trên chiếc xe hơi Chevrolet, sang trọng, hạnh phúc.
      _ U70, có thể người ta chưa bao giờ thấy, 2 quan tài chung một chiếc xe tang, đưa đến huyệt.
       Một đời và ra đi Vĩnh Viễn Hạnh Phúc.

            Phan Thiết , Ngày 9.7.2011
               NGUYENTIENDAO

 @ Trăm năm trước Ta chưa lần gặp mặt .
     Trăm năm sau biết có gặp lại không ?
                   ( Quên tác giả )

LOI VAN NGAN

  Bài văn ngắn dự thi báo Xuân 2009. Gởi Blog Xuân 2012
           Mùa Xuân 
        Năm ấy kề ngày Tết trời se se lạnh dự báo năm nay cái Tết sẽ thật lạnh, mà lạnh thật kể cả tâm hồn và thể xác.
        Chị ở tận cùng mũi Cà Mau , vợ chồng làm công đủ nuôi 4 con, thế mà ông Trời khắc nghiệt không buông tha gia đình Chị. Thằng con trai út 5 tuổi gương mặt sáng sủa luôn tươi vui bỗng có bệnh kỳ lạ, thỉnh thoảng ngất ngất không biết gì, càng ngày ngã ngất nhiều hơn, làm Chị phải đưa con lên bệnh viện tỉnh để khám cứu chữa, nhưng vẫn không xong.
-Xin lỗi chúng tôi không thể giúp Chị được, Chị nên chuyển cháu lên Thành Phố Hồ Chí Minh sớm chừng nào tốt chừng đó.
        Đó là lời từ chối tế nhị của Bác Sĩ tỉnh lỵ, câu nói vừa hết Chị sầm người mệt mỏi, cũng hôm ấy bầu trời bên ngoài tối sậm, gió chuyển mây u ám như lòng Chị.
       Chi lo nghĩ trời thì gần Tết đưa Thằng Út lên Sài Gòn trị bệnh phải bỏ Chồng và 3 đứa Con ở lại không biết sao? Mà tiền bạc lại không có, thế nào đây? Nhưng rồi cũng xong, nhờ sự giúp đỡ của xóm làng quyên góp tiền gạo cho mẹ con Chị lên Thành Phố Hồ Chí Minh điều trị. Ở bệnh viện sau vài ngày kiểm tra phát hiện thằng con 5 tuổi “ung thư máu” nghe tin Chị chết đứng không biết gì chỉ khóc và khóc suốt đêm, sáng hôm sau Chị quyết định trốn bỏ lại thằng con trai 5 tuổi mang con bệnh nan giải ở lại bệnh viện để quay về 3 đứa con đang thiếu ăn,  thiếu Me. Biết bao nước mắt đã bỏ trên chuyến xe mà thời gian sao lại dài, lại thật lâu cùng cái bụng lai lo, ngực nghẹn nghẹn như điều gì đang lại chờ đón Chị. Đến nhà, trên xe bước xuống nỗi lòng chưa cạn, nước mắt chưa khô thế mà trước mặt chị toàn cảnh căn nhà lá thương yêu cháy rụi lúc sáng nay cũng là lúc Chị đau đớn rời bỏ thằng con trai 5 tuổi tại bệnh viên. Chị trơ người gục xuống bên đường, nhìn đống tro tàn mà chỉ thấy 1 vùng trời đen tối bao quanh, cũng đúng lúc ấy trên nền trời những chùm pháo bông bay rực rỡ, sáng láng đủ màu sắc cùng tiếng pháo nổ lốp bốp lén lút xa xa đâu đó, để báo hiệu đón nhận 1 mùa Xuân, 1 năm mới. 1 cái Tết.
         Đọc những dòng trên tôi nghẹn lại, chuyện của Chị, nỗi đau của Chị hôm qua, hôm nay là của Tôi, hy vọng chuyện của Chị xin đừng lặp lại ở Tôi, điều Tôi đang mong đợi. Tôi tin, Tôi tin mùa Xuân, mùa Xuân sẽ hạnh phúc đến bên Tôi, đến với tất cả mọi người, Mùa Xuân.
           
Phan Thiết, ngày 27 tháng 1 năm 2009 
          NGUYỄN TIẾN ĐẠO

      @ Đòn bẩy mạnh nhất trong các đòn bẩy: đó là ý chí
                      Lamenais

Gởi Bạn Tha Thiết

Ngày buồn hôm trước mới qua đi
Ngày vui hôm nay đến tức thì
Làm sao biết được ngày chưa đến
Thôi thì vui lấy có mấy khi

Bạn đến bên ta nói những gì
Nói lời chúc tụng tết chớ chi
Mấy khi áo mới đem ra diện
Mình ngắm lấy nhau chẳng muốn đi
 

Bạn của tôi ơi, bạn tuyệt vời !
Đời tôi hạnh phúc với bạn thôi
Một ngày không bạn lòng tôi nhớ
Nhớ thể như chưa thấy vợ về
 

Ngày vui quây quần bên bạn hữu
Hôm sau ngó lại thấy mất tiêu
Làm sao có được ngày vui nữa
Lấp lại cho đầy phút đáng yêu
 

Bạn đã đi rồi bạn biết không ?
Có người trông ngóng giữa mênh mông
Bàn ghế chơ vơ xem lỏng chỏng
Mang cả thương mong mới ngập lòng
 

Gởi đến bạn mình vào câu chúc
Sống đến bạc đầu đứng run run
Cầm tay muốn siết mà muốn rớt
Ôm nhau không chặc làm sao hun...!!!
 

NTH
17-11-2012 nhằm ngày 24 Tết.

LOI VAN NGAN

Bài dự thi tùy bút xuân hạnh phúc năm 2010.  Nay gởi Blog những người Bạn của Tôi. 
            ĐÊM  GIAO  THỪA
     Còn 1 giờ đồng hồ nữa giao thừa, nên ai cũng muốn về nhà cho kịp cùng gia đình xua đi năm cũ ô uế để đón nhận 1 năm mới may mắn hạnh phúc. Ngoài đường xe cộ tranh nhau chạy tấp nập, gió xuân thổi những cọng rác bay len lén như len lén trong tâm hồn những ai xa nhà vào giờ này.
     Cuối góc phố 1 chiếc xích lô, người đạp tuổi trung niên mệt mỏi những bước đạp, lo nghĩ gần Giao Thừa cố  tìm 1 cuốc đạp cuối năm rồi về nhà, mặc dù đã mệt mỏi ngày nay. Bỗng 1 Cô gái sang trọng, quý phái, khoảng tuổi 22, 23 đón xe. Anh xích lô mừng rỡ dừng lại, lễ phép chào mời.
- Thưa Cô về đâu?
Cô gái khựng khựng rồi nói:
- Anh chở Tôi đến...ngã tư Võ Văn Tần...Nguyễn Đình Chiểu...bao nhiêu tiền?
- Cô cho 10.000.
- 5.000 thôi!
- Trời! Sao ít vậy!
  Sau lúc mặc cả, Anh xích lô cũng bằng lòng vì phải vội về nhà nhưng lòng không vui vì người sang trọng và giá cả. Cô gái bước lên xe thật đẹp, duyên dáng, mùi son phấn và nước hoa mà chưa bao giờ Anh bắt gặp, lại được ngồi trên xe mình nữa chứ.
  Khá mệt mỏi khi gần đến nơi, Cô gái thay đổi địa điểm khác cũng khá xa, lúc này ngoài đường xe cộ đi lại ít, đường trống vắng có lẽ giờ Giao Thừa sắp đến, rồi đến điểm mới Cô lại lừng khừng muốn đến nơi khác, Anh xích lô  mệt mỏi lớn tiếng:
- Cô trả tiền đi, để Tôi về nhà đón Giao Thừa, Tôi không chở Cô nữa.
- Anh thối lại tiền...cho Tôi, tiền 500.000 đồng...hay...Anh chở đến Trần Hưng Đạo rồi tính tiền luôn.
  Anh xích lô nghe ngẫm nghĩ 1 lúc rồi đi. Gần đến địa điểm thứ 3 thì pháo nổ nhiều hướng, nền trời những cụm pháo hoa cháy sáng rực rỡ, báo hiệu Giao Thừa mà sáng nay hứa với Gia Đình phải về nhà trước 12 giờ để cùng Vợ, 3 Con và người Mẹ già ốm yếu đón Giao Thừa, thế mà lúc này lại còn nơi đây, Anh xích lô dừng xe, thật sự nóng giận dồn hết sự bực tức vào chân dậm xuống đường cùng khuôn mặt nhăn nhó.
- Này Cô!...Hãy trả tiền cho Tôi...để Tôi về.
     Cô gái nài nỉ, tất cả những đồ dùng trên người Cô, hãy lấy mà dùng để trừ vào tiền xích lô đêm nay. Cô đưa ra những món đồ trang sức thật đẹp, lộng lẫy nhưng toàn đồ giả, đồng hồ kim đứng...Cô lại tiếp tục nài nỉ đến địa điểm thứ 4 gần đây mượn tiền để trả, qua giai đoạn nhăn nhó Anh xích lô chở đến địa điểm thứ 4, Cô xin Anh chờ đi lấy tiền, Anh nghe theo, nhưng khi Cô đi rồi mới ngỡ, Cô đi luôn thì sao...? Không! 5 phút sau Cô trở lại, với khuôn mặt vẫn không vui, lại nài nỉ mà lần này 2 giọt nước mắt lăn tròn trên má, cuối cùng nói:
- Tôi không có tiền, Tôi có thân xác, Anh muốn...hãy đưa Tôi đến góc tối nào đó để trả Anh cho kịp, nếu không trời gần sáng rồi đó Anh ạ!
Anh xích lô giật mình tròn mắt, cả cuộc đời chưa bao giờ gặp 1 người phụ nữ nào trẻ, đẹp, sang trọng, quyến rủ như Cô, mà chưa lần như thế nên hỏi:
- Nhà Cô ở đâu không về đón Giao Thừa mà lang thang thế này?
Cô  liền òa khóc với những dòng nước mắt ấm ức, thỏ thẻ kể, gia đình nghèo bỏ quê lên Thành Phố kiếm sống, bao nhiêu tiền gửi về, lúc đầu phụ bán Phở, Hớt Tóc Thanh Nữ, Bia Ôm và cuối cùng Gái. Năm về nhà 1 lần mà nói làm việc ở Công Ty nước ngoài, 3 tháng nay Mẹ bệnh có bao nhiêu tiền và mượn thêm  gởi cho Mẹ, nên cuối năm không trả tiền thuê phòng 3 tháng, Bà chủ nhà đuổi. Quần áo gởi hết, đêm nay lang thang không nơi chứa, nếu có khách thì tốt vừa có chỗ tá túc, vừa có tiền, Cô càng khóc nhiều hơn như chưa bao giờ được khóc hay được nói. Anh xích lô nghe qua đồng cảm người nghèo khổ, có người sanh ra đã đẹp, quyến rủ, sang trọng nhưng vẫn đau khổ, đêm nay không mái ấm  thật đáng thương tâm, nên nói:
- Này Cô, lên xe Tôi đưa về nhà tá túc cùng gia đình Tôi đêm nay, rồi mai hẳn tính.
        Cô gái ngước lên thật nhanh nhìn Anh xích lô với đôi mắt tròn xoe ngờ ngợ trong nước mắt rồi chuyển qua đôi mắt kính phục lòng tốt của 1 con người nghèo khổ mà tốt bụng. Có lẽ ngày mai, ngày mới, ngày Xuân trời lại sáng, Cô gái sang trọng nghĩ thế,  đứng lên lau nước mắt mà bước đi .

Phan Thiết, ngày 6 tháng 2 năm 2010                   
          NGUYỄN TIẾN ĐẠO     
      Số 4 Nguyễn Du Phan Thiết

        @ Chia sẻ niềm vui là nhân đôi niềm vui, chia sẻ niềm đau là giảm bớt niềm đau
           Tục Ngữ Thụy Điển

Ngựa Phi Đường Xa với chiếc xe Cúp Điếc

      Ngày nay, với nền kinh nước Ta phồn thịnh hơn, phương tiện di chuyển của học sinh cũng dễ dàng hơn, ở tuổi trung học, nay có em đã chạy xe honda riêng tới trường học rồi, không giống như thời đại mà anh chị em chúng ta cắp sách đến trường năm xưa. Cũng vì sự hạn chế kinh tế thời đó, nên chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm giao thông từ nhà đến trường.
     Có nhiều ấn tượng mà lâu ngày quên hẳn, chợt nhớ đến bạn bè, trường lớp thì trí nhớ lại lôi kéo những kỷ niệm về, sực nhớ lại những lúc ngang tàng của tuổi trẻ. Cũng dạo ấy, chúng tôi mỗi người đều làm chủ có ít nhất là một chiếc xe cúp điếc. Mới nghe tưởng đâu là xe ngoại quốc hiện đại, nhè đâu, đó là chiếc xe đạp thường của thời thượng cổ, vì nó không có đèn và kèn nên gọi là cúp điếc, lắm chiếc lại điếc nặng hơn, bởi không có cái thắng và cái dè để che lốp xe, mỗi khi muốn stop, phải nghiêng người qua một bên, chạng chân, rồi dùng gót  bàn chân rà từ từ vào cái lốp cho xe ngừng, trông rất tục, giống như con chó đực đang đứng đái, không biết giới nữ có can đảm sử dụng loại xe thượng hạng này không? Sau giờ tan trường, chúng tôi thường cỡi cúp điếc trên quốc lộ 1, nối theo nhau như đoàn công voa (convoy) chừng hơn 1 km,  đến ngã tư Phú Hài bẻ bi đông sang tay phải, chạy thẳng là đến làng Thanh Hải chúng tôi. Đoạn đường này thì nhỏ, hẹp hơn nên có nhiều thú vui.
     Có lần chúng tôi gặp một chiếc xe ngựa chở hàng, một bạn chạy cuối đoàn, bám được chiếc xe ngựa vượt lên trên chúng tôi, khi phát hiện ra, thì mọi người cùng lên sức đạp cho nhanh chân, cố bám vào nhau làm theo hai đường thẳng song song trên con đường hẹp ấy. Lúc này thật đúng là ngựa phi đường xa, thoải mái và mát mẻ bởi sức gió, có cảm tưởng như đang lên cung trăng mà không cần phải dùng sức đạp xe nữa, miệng cười toe toét khi vượt qua mọi người. Được chốc lát thì nghe có tiếng lộp độp như pháo xuân nổ sớm, nhìn kỹ lại thì thấy Bác tài đang quật cái roi ngựa về phía sau lưng, như một mệnh lệnh báo hiệu phải tan hàng, rồi mọi người đành phải giã từ ngựa phi đường xa.
     Có lần chúng tôi gặp một chiếc xe Lambreta 3 bánh chở khách đang nhấn kèn phía sau chúng tôi, xin nhường khoảng trống phía trước để qua mặt.Tuy có nghe, nhưng giả vờ như điếc, đôi lúc trên mặt đường cũng có nhiều “ổ gà”làm chúng tôi phải lạng, lách từ từ theo hình chữ S. Hết chữ S này xong lại tiếp tục chữ S khác, giống như những cặp tình nhân đang chạy xe dạo trên hè phố, làm Bác tài nổi cáu lên. Nên Bác tài ca hát một bản nhạc bằng tiếng Đức có chất giọng Thanh Hóa: Cha cái tổ Cha bay, học sinh học đẻ gì mà mất dạy vậy, hết điệp khúc này, lại chuyển sang điệp khúc khác, đôi khi có kèm theo tiếng trống của điệu Slow Rock , nhịp chân gõ trên sàn xe, nghe như đang múa lân. Đột nhiên có 1 bạn chạy nhanh về phía trước của chúng tôi như để chỉ huy và báo ngầm tan hàng, rút lui. Với tọa độ đã nhớ sẵn trước của tên chỉ huy, nên chúng tôi chạy đuổi theo nhau, tiến vào một con hẻm nhỏ để thoát thân lánh nạn, có khoảng trống phía trước. Bác tài cảm thấy thoải mái tuy tức giận vẫn còn, chạy đến đầu ngõ hẻm, chiếc xe Lambreta chậm lại. Ông ta quay đầu về phía chúng tôi để ca tiếp bản nhạc tiếng Đức cho xong trước khi ruồng bỏ chúng tôi. Cảm thấy an toàn nên đoàn cúp điếc trở lại sân khấu để về nhà  bình an.
     Sau những ngày tan trường là mỗi lần đều có tai ương, chướng mắt của “Tiểu Thơ”sực nhớ ra, hầu kể để hình dung ra từng người bạn cũ. Lâu lắm không viết lách quốc ngữ Việt, nếu có gì sơ xuất, xin các bạn niệm tình xóa lỗi cho. Nhờ có trang mạng “học sinh trường chính tâm”nên Lão Già được tâm sự cho vui.
     Phút cuối. Lão già cũng yêu cầu các Tiểu Thơ năm xưa, xin vào blog với hình ảnh và tâm sự cho mọi người xem “dung nhan đó bây giờ ra sao? ”Điển hình như Julie mà Lão Già đã gặp lại nhau trong phôn sau mấy thập niên biệt tích. Xin chúc các Bạn luôn luôn vui tươi để chống lão hóa.
     Thân ái chào các bạn.
     Trung Nguyễn (USA)

Một ngày vui (tt)

Tại Phòng tiệc rộng thênh thang, lịch sự; trang trí hài hoà, đẹp mắt; ước chừng có thể đủ chỗ cho 500 người, chúng tôi tay bắt mặt mừng gặp lại các bạn Sài Gòn: Hậu, Kiệt, Quý; còn bạn Thuần tạm thời “kết nạp” về Phan Thiết vì đang quản lý Karaoke KaNu. Rồi anh chị Hai, bạn Hoàng Oanh, Tuấn, chị Bình từ miền Tây sông nước Cao Lãnh xa xôi cũng lặn lội về Thành phố hội ngộ. Lại “chớp” nhưng lần này không phải một “bô” mà là nhiều “bô” để đăng blog và xem cho đã. Tiệc tan, không đành lòng chia tay mặc dầu các bạn Cao Lãnh có công việc phải về trong đêm, cả bọn kéo nhau đi uống café bờ kè; tìm được địa điểm quen thuộc nhưng quán café đã biến thành quán nhậu. Có một bạn “đề xuất” - Đi Niết Bàn. Trời! Nghe giật cả mình, giữa lòng thành phố xa hoa đô hội lại có một nơi thanh tịnh, trầm mặc sao? Có lẽ những kẻ trần tục, thô lỗ, tội lỗi như chúng tôi phải tu đến 81 kiếp mới vào được, thôi thì tạm thời làm người “cõi trên” vào Niết Bàn xem thử ra làm sao. Quán Niết Bàn được bài trí hoàn toàn theo phong cách “Tàu”, từ bàn, ghế, cửa và những bích họa trên tường được làm bằng gỗ đã sậm màu do thời gian, các hoa văn được chạm trổ, ghép nối mang phong cách người Hoa, có những bộ tràng kỹ vừa rộng vừa dài, ngồi cũng được mà ngả lưng cũng được; mái nhà trước được một hệ thống bơm giống như trời đang mưa liên tục đổ nước xuống, những chiếc quạt gió quy tít đưa hơi nước từ ngoài vào làm không khí mát mẻ một cách tự nhiên dễ chịu không như một số nhà hàng ngột ngạt vì máy lạnh. Tuy có tên là Niết Bàn nhưng khi vào rồi thì chẳng cần phải thận trọng khép nép gì cả mà cứ tự do chuyện trò, chúng tôi cười nói thoải mái. Quay sang cô tiếp viên với chiếc áo cũng màu nâu sậm nhưng tươi hơn màu gỗ, may theo kiểu “sườn xám” của người Hoa nhưng không phải sườn xám vì chỉ dài hơn lưng quần một chút - Quán này có phải của người Hoa không cháu bởi chú thấy cách bài trí giống như người Hoa? - Dạ không, chủ quán là người Việt, gốc miền Bắc – Vì sao quán lại có tên là Niết Bàn? – Dạ con cũng không biết….Bó tay, cũng chả thấy chủ quán đâu mà hỏi.
Trưa hôm sau, bạn Quý chiêu đãi món cơm gà ở nhà hàng có tên là “Cơm gà Thuợng Hải”, lần này chắc nịch là nhà hàng của người Hoa rồi, bởi cái tên Thượng Hải làm tôi nghĩ ngay đến một trong những thành phố thương mại, dịch vụ, công nghiệp tầm cỡ của Trung Quốc. Lại nhầm, vì nhà hàng bài trí theo kiểu Việt Nam trăm phần trăm mang phong cách hiện đại, từ tiếp viên, đầu bếp…hoàn toàn là người Việt nhưng có điểm đặc biệt là chủ quán đã dùng gam màu vàng nhạt rất dễ chịu, tiếp viên mặc áo vàng nhạt; vách, trần nhà được sơn màu vàng nhạt, sàn nhà lót gạch vàng nhạt, bàn ghế màu vàng nhạt, chén dĩa màu vàng nhạt luôn. Tuy nhiên món ăn có lẽ là của người Hoa vì ngoài cơm gà (tất nhiên là có thịt gà da cũng màu vàng nhạt) còn có dĩa heo quay, vịt quay, xá xíu, dưa món (người Phan Thiết gọi là chưa chua), canh tàn ô nấu thịt heo…Sài Gòn có những điều thú vị đến bất ngờ, Niết Bàn nhưng khi vào rồi thì ồn ào như chốn trần tục, bài trí theo phong cách “tàu” nhưng hoàn toàn là Việt Nam, nhà hàng mang địa danh của Trung Quốc nhưng không có một chút gì là phong cách người Hoa cả. Đây có lẽ là những ý tưởng rất khác lạ để ai đã từng một lần đến sẽ khó quên…

Buổi sáng điểm tâm bằng món cơm tấm ở vĩa hè trước nhà bạn Thuần, không khí cận tết nhộn nhịp thấy rõ, từng chiếc xe máy chở từng chồng quà tết, bia, nước ngọt chạy tới chạy lui; góc vĩa hè đối diện, có hai vợ chồng vừa dọn ra một cái “mô-tơ” có gắn cái vòng bằng vải nỉ để đánh bóng chân đèn lư hương cho khách, người vợ lấy từng thứ từ trong cái giỏ lác bên cạnh đưa cho chồng đánh bóng, rồi cận thận xếp từng loại lên chiếc bàn bên cạnh để giao lại khách hàng, nét mặt của chị rạng rỡ, nụ cười luôn nở trên môi ra điều mãn nguyện và hạnh phúc lắm, không biết mỗi ngày thu nhập được bao nhiêu nhưng thấy chị vui lắm làm tôi nghĩ ngay đến hai chữ Hạnh Phúc. Vậy thì hạnh phúc đâu phải là cái gì to lớn lắm đâu, hạnh phúc cũng chẳng phải ở đâu xa vời mà chính trong công việc cuộc sống bình thường hàng ngày mà nhiều lúc ta không nhận ra đó thôi.
Chúng tôi đã có một ngày thật vui, vui vì được chung vui cùng gia đình anh Tấn Hùng - Thanh liên, vui vì được gặp lại bạn bè Sài Gòn Cao Lãnh, vui vì có dịp được ngồi bên nhau chuyện trò nói cười thoải mái vui vẻ, vui vì những chuyện vui bắt gặp ở Sài Gòn. Bây giờ hồi tưởng lại để viết bài này tôi vẫn còn thấy vui./.
PĐN (hết)