F tháng 9 2020 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Muỗi cũng say rượu

 

Ảnh minh họa.

* Một người đàn ông bảo bạn:

- Này Bill, tớ giới thiệu cho cậu một phương pháp mới để chống muỗi nhé: Trước khi đi ngủ, cậu hãy uống cạn sáu ly đúp rượu whisky. Thế là cậu sẽ say đến nửa đêm, mà hầu như không cảm thấy bị muỗi cắn. Còn nửa đêm về sáng, lũ muỗi đã say đến mức không thể nào đốt cậu được nữa.

* Hai anh chàng nói chuyện với nhau:

- Thời gian rảnh rỗi cậu thường làm gì?

- Chẳng làm gì cả, tớ chỉ ngồi mà chán chường.

- Vậy cậu nên ghi tên vào dàn đồng ca của bọn tớ đi. Ở đó, chúng tớ chơi đô-mi-nô, chúng tớ kể chuyện tiếu lâm cho nhau nghe, chúng tớ uống bia uống rượu.

- Thế các cậu hát vào lúc nào?

- À, chúng tớ hát đồng ca váng lên trên đường về nhà.

* Chồng bảo vợ:

- Cái mũ em đội ấy mà, anh chẳng thích chút nào.

- Nhưng em không thể đội chai rượu trên đầu được!

K.T (sưu tầm) / Thể Thao & Văn Hóa

Tết Trung thu ở Việt Nam có từ bao giờ?

Dù không thể nói chính xác Tết Trung thu có ở Việt Nam khi nào, nhưng cảnh mừng tiết trăng tròn giữa thu đã hiện diện mấy nghìn năm trước trên trống đồng Ngọc Lũ.

Được tổ chức vào rằm tháng tám âm lịch hàng năm, Tết Trung thu là ngày đoàn viên, mọi người được quây quần phá cỗ và cùng nhau ngắm trăng ước nguyện. Vậy Tết Trung thu ở Việt Nam bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ? Đây là câu hỏi xuất hiện từ lâu nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác. 

Ở Trung Quốc, Trung thu gắn liền với câu chuyện vua Đường Hoàng Mình lên cung trăng du ngoạn. Để ghi nhớ cuộc vui chơi đầy luyến tiếc đó, khi trở về, ông ra lệnh lấy ngày rằm tháng 8 để tổ chức lễ hội vui chơi, uống rượu, rước đèn và ngắm trăng, khiến Tết Trung thu trở thành phong tục.


Có người cho rằng Tết Trung thu vốn từ Trung Quốc du nhập Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng cái du nhập có thể chỉ là tên gọi và vài nét về tổ chức vui chơi. Còn trên thực tế, người Việt đã có lễ hội trăng tròn mùa thu từ thời cổ đại, được khắc họa trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Trung thu là thời gian nhà nông hoàn thành việc thu hoạch vụ mùa nên tổ chức vui chơi, ăn mừng và cầu nguyện cho mùa sau mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu.

Các sự tích về Trung thu Việt Nam gắn với chú Cuội. Nếu như người Trung Quốc tổ chức múa rồng trong dịp này thì người Việt lại múa sư tử hay múa lân - linh vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và điềm lành. Xưa, người Việt còn tổ chức hát trống quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu. Trung thu của Việt Nam cũng nghiêng về trẻ em, cỗ Trung thu cũng dành cho trẻ em là chính, gồm những thức mà trẻ thích.

Phan Kế Bính viết trong sách Việt Nam phong tục: "Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".

Hình ảnh Tết Trung thu ở Việt Nam gắn với các loại đèn truyền thống như đèn kéo quân, đèn con cá, đèn ông sao... Tại các  vùng quê, cứ đến những ngày tháng tám, vào buổi tối trẻ em hàng đoàn rồng rắn rước đèn trong tiếng trống, rộn ràng cả xóm làng.

Các loại bánh nướng, bánh dẻo cũng là nét đặc sắc về hương vị Trung thu, với hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời và đất. Ngày nay, ngoài hương vị truyền thống, bánh nướng và bánh dẻo được biến tấu với hàng trăm loại nhân khác nhau nhưng vẫn giữ "hồn cốt" rất riêng của Trung thu Việt. 

Dù nhịp sống hiện đại, nhiều nơi không còn phá cỗ trông trăng, nhưng sự hiện diện của những chiếc bánh trung thu như món quà thể hiện sự hiếu thảo biếu ông bà cha mẹ, việc dành thời gian cùng cắt miếng bánh, uống chén trà hàn huyên bên nhau cũng đủ đem lại cảm giác yên bình, hạnh phúc và tinh thần đoàn viên của Trung thu truyền thống. Và đặc biệt, trẻ em vẫn luôn là nhân vật trung tâm của ngày vui này, với ý nghĩa chăm sóc cho các mầm non của đất nước, để Việt Nam luôn thịnh vượng, trường tồn.

Thảo Nguyên

Nguon: https://vtc.vn 

Những phong tục của người Việt trong Tết Trung thu

 Các phong tục Tết Trung thu giúp mọi người hiểu hơn phần nào về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ đoàn viên này.

Tục lệ chơi đèn lồng

Tết trung thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Đối với người dân Trung Hoa, đèn lồng được treo trước cửa nhà và tượng trưng cho sự may mắn bình an.

Một số lại được làm thành dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi những ước nguyện vào thì thả trôi bờ sông mang lời cầu nguyện đi xa.

Mâm cỗ cúng ngày Trung thu không thể thiếu món bánh dẻo, nướng đặc trưng.

Đối với người Việt, đèn lồng trung thu được làm cho trẻ em chơi trung thu là chính. Những chiếc đèn với vô số hình dáng từ bông hoa, cá, gấu…vô cùng xinh đẹp sáng rực đêm trung thu.

Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc. Đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.

Ngắm trăng

Vào dịp Tết Trung thu hầu hết người dân sẽ đổ ra đường để chiêm ngưỡng vẻ đẹp trăng Rằm. Khoảnh khắc trăng lên vô cùng thiêng liêng với nhiều người, ánh trăng là biểu hiện sự sum vầy của các thành viên trong gia đình với nhau.

Các phong tục, lễ hội ngày rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm.

Với người Việt, trăng có một ý nghĩa to lớn của đất nước có nền văn hóa lúa nước. Ngày Rằm tháng 8 là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Thời điểm này cũng là lúc việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt mà hòa mình vào đất trời.

Sau khi quây quần cùng nhau phá cỗ thì các gia đình sẽ sum vầy trên ban công hay tìm chỗ trên cao để cùng nhau ngắm ánh trăng Rằm. Dưới ánh trăng sáng các ông bố bà mẹ cũng thường kể về giai thoại chú Cuội ngồi gốc đa cho con mình nghe.

Phá cỗ

Vào dịp trung thu mỗi gia đình Việt đều bày cỗ với đầy đủ là bánh trung thu, kẹo, mía, thị, bưởi, dưa hấu…tùy vào từng gia đình mà cỗ được trang trí khác nhau.

Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu chính là lúc mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết Trung thu. Mâm cỗ trung thu là để cúng trăng và tế trời đất cùng cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu và sự đoàn viên trong gia đình.

Cắt bánh Trung thu

Bánh Trung thu

Dường như bánh trung thu trở thành một thức bánh chỉ có vào dịp này mới có thể có cơ hội được thưởng thức và không thể thiếu của mọi nhà. Được làm từ bột mì nhân hạt sen và bột đường, bánh trung thu biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình.

Thường bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc hòa thuận.

Tết Trung thu là một phong tục ý nghĩa từ lâu đời không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trong châu Á khác. 

Bảo Ngọc

Nguon: https://vtc.vn

Vẻ đẹp của các loài chim trong rừng nhiệt đới Nam Mỹ

 Những bức ảnh các loài chim sắc màu sặc sỡ dưới đây được nhiếp ảnh gia Supreet Sahoo ghi lại trong các khu rừng Đại Tây Dương ở Brazil.

Nhiếp ảnh gia Supreet Sahoo là người yêu thích du lịch mạo hiểm. Anh thích khám phá thiên nhiên hoang dã trong những khu rừng ở Mỹ Latinh. Anh khiến người xem ngỡ ngàng bởi những bức ảnh tuyệt đẹp ghi lại khoảnh khắc diệu kỳ của các loài chim sặc sỡ nhất nơi đây. Trong ảnh là chim Tanager đầu xanh.

Brazil là nơi có nhiều loại chim phong phú nhất trên thế giới với tổng cộng 1822 loài được xác nhận, trong đó 238 loài đặc hữu. Trong ảnh: Chim gõ kiến tóc vàng.

Sự đa dạng sinh học ở Brazil cùng với việc dễ dàng tiếp cận thế giới động vật hoang dã đã khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng của các nhiếp ảnh gia chụp chim từ khắp nơi trên thế giới.

Một chú chim gõ kiến sặc sỡ đầy cuốn hút được ống kính của nhiếp ảnh gia ghi lại.

Chim Toucan.

Những bức ảnh được nhiếp ảnh gia chụp trong khu vực các khu rừng nhiệt đới Đại Tây Dương đến bờ biển của Rio De Janeiro.

Khu vực rừng Đại Tây Dương ở Đông Nam Brazil có rất nhiều loài chim đặc hữu đầy màu sắc.

Rừng Đại Tây Dương được đặc trưng bởi sự đa dạng sinh học cao và đặc hữu.

Nhiếp ảnh gia Supreet Sahoo sử dụng máy ảnh Canon 1Dx Mark ii và ống kính tiêu cự 600 mm để chụp các bức ảnh chim này.






Vẻ đẹp diệu kỳ của các loài chim.

 

Nguồn: https://vtc.vn

Theo Phương Anh/VTC News

Nhất Linh/ Nguyễn Tường Tam

 Là người sáng lập và điều hành Tự Lực Văn Đoàn, nhà giáo, nhà báo, nhà văn Nhất Linh có họ tên Nguyễn Tường Tam (1906 -1963) ẩn chứa bao điều mà hậu thế dần "giải ảo".

Tranh lụa “Cảnh phố chợ Đông Dương” do Nguyễn Tường Tam vẽ năm 1926-1929, lên sàn đấu giá quốc tế ngày 4/10/2010 đã bán 75.000USD

Giấy tờ tùy thân của Nguyễn Tường Tam, chẳng hạn thẻ căn cước số F13108 được cấp ngày 19/2/1951, ghi ngày sinh 1/2/1905. Website của Bộ Ngoại giao Việt Nam có kỷ yếu lãnh đạo, ghi nhận về Bộ trưởng Ngoại giao nước ta từ ngày 2/3 - 3/11/1946 là Nguyễn Tường Tam, bí danh Nhất Linh, sinh ngày 25/7/1905. Kỳ thực, Nhất Linh không phải bí danh mà là bút danh và Nguyễn Tường Tam chào đời muộn hơn.

Nguyễn Thị Thế đã viết "Hồi ký họ Nguyễn Tường" (NXB Sóng, Sài Gòn, 1974) cho rằng anh ruột mình là Nhất Linh từng làm lại giấy khai sinh nhằm đủ tuổi dự thi, chứ chính xác thì Nguyễn Tường Tam lọt lòng năm Bính Ngọ 1906. Con trai của Nguyễn Tường Tam là Nguyễn Tường Thiết, tác giả hồi ký "Nhất Linh, cha tôi" (NXB Văn Việt, California, 2006; NXB Phụ Nữ Việt Nam tái bản, Hà Nội, 2020), trong bài "Hai vẻ đẹp của cha tôi" đăng trên tạp chí Văn Hóa Nghệ An 21/9/2012, cước chú: "Nguyễn Tường Tam sinh ngày 25/7/1906 nhưng bởi muốn đủ tuổi để đi thi, ông đã làm lại giấy khai sinh tăng thêm 1 tuổi, do đấy trên giấy tờ ghi ngày sinh là 1/2/1905".

Tuổi không thật, tên rất… long lanh

Ông Nguyễn Tường Chiếu, tên khác là Nhu, từng làm Thông phán Tòa sứ Pháp tại Lào nên thường được gọi Phán Nhu, kết hôn với bà Lê Thị Sâm, sinh 7 con nơi huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 7 con ấy gồm 6 trai, 1 gái, với năm sinh trong đôi ngoặc đơn ghi theo hồi ký vừa dẫn của Nguyễn Thị Thế:

1. Nguyễn Tường Thụy (Quý Mão 1903)

2. Nguyễn Tường Cẩm (Giáp Thìn 1904)

3. Nguyễn Tường Tam (Bính Ngọ 1906)

4. Nguyễn Tường Long (Đinh Mùi 1907)

5. Nguyễn Thị Thế (Kỷ Dậu 1909)

6. Nguyễn Tường Vinh (Canh Tuất 1910)

7. Nguyễn Tường Bách (Bính Thìn 1916)

Tên 7 anh chị em ghép lại thành "Thụy Cẩm Tam Long Vinh Bách Thế" mang nghĩa 3 con rồng bằng gấm vóc vẻ vang muôn thuở. Thêm kỳ thực nữa: Nguyễn Tường Tam sáng tác truyện đầu tay "Nho phong" năm 1924 mới nghĩ ra chuỗi tên tiếng Hán "hơi bị" long lanh vậy.

Nhất Linh là con thứ 3 nên mang tên Tam, chứ ở Nam Trung Bộ gọi Bốn, còn Nam Bộ gọi Tư.

Đứa con kế tiếp, ông Phán Nhu định gọi Tứ, nhưng ngại trùng tên bạn mình, bèn đặt tên Tư, sau mới đổi thành Nguyễn Tường Long tức nhà văn Hoàng Đạo.

Cô con gái thoạt mang tên Năm, chuyển ra Nguyễn Thị Thế.

Tiếp theo là Sáu cần thi bằng Thành chung, thiếu tuổi, phải tăng năm sinh với họ tên Nguyễn Tường Vinh, sau đổi nữa ra Nguyễn Tường Lân tức nhà văn Thạch Lam.

Nhất Linh thổi hắc tiêu / clarinette / clarinet. Ảnh: Lê Văn Kiểm

Với sự nghiệp giáo dục

Hà Nội có Collège du Protectorat / trường Thành chung Bảo hộ, do Pháp thành lập năm 1908, vì ở vùng Kẻ Bưởi nên dân chúng quen gọi trường Bưởi; nay là Trường THPT Chu Văn An. Năm 1923, tốt nghiệp trường Bưởi xong, Nguyễn Tường Tam lấy vợ, đoạn học trường Y năm 1924, học trường Mỹ thuật năm 1925, nhưng mỗi trường chỉ học thời gian ngắn rồi bỏ.

Giai đoạn 1927 - 1930, Nguyễn Tường Tam du học Pháp, hoàn tất chương trình cử nhân khoa học giáo khoa chuyên ngành lý hoá, đồng thời còn quan tâm nghiên cứu thêm về báo chí và xuất bản.

Liciencié ès-science d'enseignement / cử nhân khoa học giáo dục Nguyễn Tường Tam hồi hương, liền giảng dạy vật lý và hóa học tại 2 trường Trung học tư thục Thăng Long và Gia Long ở Hà Nội.

Giai đoạn đó, Nguyễn Tường Tam hoạt động đa dạng, sung sức, hiệu quả. Không chỉ giảng dạy và lãnh đạo trường Thăng Long, Nguyễn Tường Tam còn làm giám đốc tuần báo Phong Hóa, sáng lập và điều hành Tự Lực Văn Đoàn, mở nhà xuất bản rồi nhà in Đời Nay, sáng tác truyện ngắn và truyện dài, lại vẽ nữa.

Cây cọ tài hoa

Một tranh màu nước trên lụa, kích cỡ 51x92cm, ký Tam, nhan đề "Cảnh phố chợ Đông Dương / Scène de Marché de rue Indochinois / Street Market Scene in Indochina" xuất hiện trên sàn đấu giá "Modern and Comtemporary Southeast Asian Paintings / Tranh Đông Nam Á hiện đại & đương đại" do Sotheby’s Hong Kong tổ chức ngày 4/10/2010. Tên tác giả cùng năm sinh & mất được ghi rõ "Nguyen Tuong Tam (1905-1963)", lại còn giới thiệu là "Nhat Linh", người sáng lập "Tu Luc Van Doan / Groupe Littéraire Autonome", lần đầu tiên có họa phẩm trên thị trường quốc tế.

Tranh "Cảnh phố chợ Đông Dương"được phỏng đoán niên đoạn vẽ vào các năm 1926-1929, có giá khởi điểm là 200.000~250.000HKD, rồi giá gõ búa những 596.000HKD hối đoái cỡ 75.000USD.

Trong bài "Hai vẻ đẹp của cha tôi", Nguyễn Tường Thiết bình luận: ""Cảnh phố chợ Đông Dương" với màu sắc ấm cúng và tinh tế, với đường nét duyên dáng trên vải lụa thanh tú đã thể hiện hết vẻ đẹp tuyệt vời của tranh lụa vốn là nét độc đáo của trường Mỹ thuật Hà Nội. Mô tả cảnh sinh hoạt rộn rịp của một ngôi chợ điển hình Nam Bộ, với đàn bà và trẻ con làm chủ điểm, bức tranh cho thấy sự lưu tâm của người nghệ sĩ đối với đời sống xã hội, và có lẽ nó hé mở cho thấy tương lai của ông sau này là người rất nhậy cảm [sic!] trước những biến chuyển về xã hội cũng như về văn hóa của đất nước ông".

Dẫu ở đâu, làm gì, Nguyễn Tường Tam vẫn luôn đam mê hội họa. Các tranh "Cúc xưa"(1948), "Cathédrale de Bourges / Giáo đường Bourges" (1954), "Lan Thanh Ngọc" (1957),"Quả lựu" (1957), "Phong cảnh Đà Lạt" (1958)... kể cả biếm họa, mà người vẽ ký Đông Sơn hoặc Nhất Linh bằng chữ Hán hoặc chữ quốc ngữ, nhiều bức đã công bố trên báo, có bức in bìa, có bức in phụ bản màu, gây ấn tượng thị giác đặc trưng.

Thiển nghĩ rằng, không chỉ là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, mà Nhất Linh / Nguyễn Tường Tam còn là họa sĩ.

Nguon: https://giaoducthoidai.vn/

Khám phá ngôi làng có hơn 400 nóc nhà sàn

 Khám phá ngôi làng có hơn 400 nóc nhà sàn tại "thung lũng mây" Bắc Sơn

Xã Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) có sáu thôn với khoảng 1.800 nhân khẩu thì có đến 99% là người Tày. Đặc biệt, ở đây có đến hơn 400 hộ (chiếm 90% toàn xã) vẫn sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống.

Ở nhà sàn để tránh thú dữ, lũ lụt là phong tục tập quán từ lâu đời của người dân tộc Tày.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc huyện Bắc Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 80 km. Hơn 400 ngôi nhà sàn nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Tày và có đến 90%  mang họ Dương.











Nhà sàn ở đây theo kiến trúc truyền thống 5 gian, chủ yếu được làm bằng gỗ nghiến, gỗ lý xưa. Ðể chuẩn bị đủ vật liệu này người dân phải dày công vào tận rừng sâu, núi cao kiếm tìm những loại gỗ tốt lâu năm để đảm bảo sự bền vững, chắc chắn. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, độ cao trung bình khoảng 6 - 7 mét và có không gian rộng rãi, thoáng mát. 

Nhà sàn được lợp bằng ngói âm dương.

Bàn thờ được đặt ở vị trí chính giữa, một gian trái đặt bếp, góc nhà là nơi để nông sản, cầu thang được làm bằng gỗ, gầm sàn cao khoảng 1m6, thường được tận dụng chăn nuôi gia súc.

Toàn bộ ngôi làng là nhà sàn. Một số ngôi nhà đã thay đổi kiến trúc theo lối hiện đại hơn để phục vụ cuộc sống nhưng vẫn giữ nét đặc trưng.

Với kỹ thuật của những người thợ tài hoa khéo léo, ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày thường chỉ dùng đinh mộc gỗ hay tre liên kết kèo cột vững trãi trước thiên tai.

“Trước đây, có một số hộ dân còn nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà. Hiện tại người dân đã xây dựng các chuồng trại cách xa nhà để đảm bảo vệ sinh và giữ gìn cảnh quan hơn,” ông Dương Duy Khánh, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.

“Sự phát triển của kinh tế đã kéo theo những biến đổi về đời sống xã hội, có nhiều ngôi nhà sàn được xây dựng, đổi mới, nâng cấp, dẫn đến sự đan xen giữa nét kiến trúc truyền thống - hiện đại. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn khuyến khích người dân giữ lại nét văn hóa, kiến trúc nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày”, ông Khánh chia sẻ thêm.  

Độc đáo ngôi làng hơn 400 nóc nhà sàn ở Lạng Sơn.

Ruộng đồng xen kẽ với nhà sàn tạo nên bức tranh độc đáo. Nét đẹp văn hóa truyền thống này vẫn được người dân xứ Lạng gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay.

Nguon: https://dantri.com.vn/

"Mẹo phong thủy" giúp vợ giảm cân thần tốc

 "Mẹo phong thủy" của chồng giúp vợ giảm cân thần tốc

Thấy chồng chăm chỉ nghiên cứu sách phong thủy, bà vợ hỏi:

- Ông này, bây giờ tôi muốn giảm cân thì theo phong thủy nên bố trí thế nào?

Ông chồng suy ngẫm hồi lâu rồi đáp:

- Theo phong thủy thì bà nên bán tủ lạnh và bếp, giao hết tiền bạc cho tôi quản lý là được.

- !!!


Cho vợ uống thuốc để chữa chứng mất ngủ của chồng 

John than vãn với bác sĩ:

- Dạo này tôi mệt mỏi quá bác sĩ ạ. Không đêm nào tôi đi ngủ sớm được cả.

- Công việc của anh ổn chứ? - bác sĩ hỏi.

John gật đầu:

- Khá ổn, tôi không gặp vấn đề gì trong công việc cả.

Bác sĩ nghe vậy đáp:

- Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ kê cho anh một ít thuốc ngủ.

- Thuốc sẽ giúp ích cho trường hợp của tôi thưa bác sĩ? - người đàn ông thắc mắc.

Bác sĩ điềm tĩnh:

- Đúng vậy, chỉ cần anh cho vợ mình uống sớm trước lúc đi ngủ một giờ là được.

- !?!


Đánh nhau giành quyền làm bố

Bé Tý hớt ha hớt hải chạy đến đồn cảnh sát:

- Chú ơi, nhanh lên. Một người đàn ông đang đánh bố cháu.

Viên cảnh sát liền chạy qua đường và thấy hai người đàn ông đang đánh nhau chí mạng. Thấy vậy cảnh sát liền hỏi Tý:

- Chú sẽ ngăn họ lại ngay bây giờ. Nhưng người nào là bố của cháu?

Tý gãi đầu:

- Dạ, họ đang đánh nhau cũng vì điều ấy đấy!

- !?!

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn

Bí mật nhà thờ đá gần 130 tuổi 'độc' nhất Việt Nam

 Trải qua bao thăng trầm, sau gần 130 năm tồn tại, Nhà thờ Lớn Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình) vẫn đứng đó sừng sững, uy nghi. Ít người biết được rằng, có những bí mật được “cất giữ” hàng trăm năm nay về quá trình xây dựng và phục dựng Nhà thờ đá “độc” nhất Việt Nam này.

Kiệt tác…

Theo quốc lộ 1A từ Thanh Hóa ra (60km) hay từ Hà Nội vào (95km), đến TP Ninh Bình, rẽ phía Đông Nam đi theo đường số 10 được 28 km là du khách tới thị trấn Phát Diệm. Nhà thờ Phát Diệm tọa lạc trên vùng đất huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, là một công trình kiến trúc nghệ thuật kiểu phương Đông nổi tiếng không những trong nước mà cả nước ngoài. Công trình làm hoàn toàn bằng đá và gỗ lim này được mệnh danh là "kinh đô Công giáo Việt Nam".

Kiệt tác Phương Đình trong quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm

Một lối vào chính tòa nhà thờ Phát Diệm

Ngôi thánh đường cổ kính gần 130 năm tuổi này được chủ trì xây dựng bởi linh mục Phêrô Trần Lục, còn gọi là cụ Sáu (1825-1899), vị linh mục chính xứ Phát Diệm từ năm 1965. Công trình được xây dựng trong khoảng 30 năm này độc đáo ở chỗ mặc dù là công trình Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền.

Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm Nhà thờ Lớn và 5 nhà thờ nhỏ, Phương Đình, ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Trong quần thể nhà thờ, Phương Đình được coi là kiệt tác. Đứng ở sân rộng phía Nam mà ngắm, ta có cảm tưởng đang đứng trước một cái gì đó rất đồ sộ vững chắc đồng thời hoàn hảo về mặt kiến trúc. Phương Đình có nghĩa là nhà vuông, hình dáng như cái đình làng rộng lớn mà trống trải, chiều ngang 21 m, cao 25 m, gồm 3 tầng.


Lăng mộ cụ Sáu - người xây dựng nên nhà thờ Phát Diệm

Tầng dưới lớn nhất, xây hoàn toàn bằng đá xanh vuông vắn, chia thành ba lòng, trong mỗi lòng có một sập đá. Tầng trên cùng của Phương Đình có quả chuông Nam cao 1,9m, nặng gần 2 tấn. Chuông có 4 núm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hơn 100 năm nay, sáng chiều tiếng chuông vẫn ngân vang, âm thanh vọng đi xa, có khi đến 10km. Từ tầng cao nhất này, khách có thể nhìn thấy bao quát chung quanh, xa hơn có thể đếm được 20 nóc nhà vùng Kim Sơn, xa hơn nữa vào những ngày đẹp trời có thể thấy biển ở phía Nam và núi ở phía Tâ

Quần thể nhà thờ chính tòa Phát Diệm đã 130 năm tuổi

Tiếp đến, Nhà thờ Lớn được cất lên năm 1891 chỉ trong vòng 3 tháng nhưng công việc chuẩn bị là sắm sửa vật liệu và trị chân móng đã kéo dài cả 10 năm trước đó. Đây là điều không phải ai cũng biết. Về vật liệu, gỗ thì được lấy từ Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn Tây. Đá được lấy từ núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30km, đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lỵ Thanh Hóa, cách 60km.

Có những cây gỗ nặng 7 tấn, những phiến đá nặng những 20 tấn đã được vận chuyển bằng những phương tiện thô sơ từ hồi cuối thế kỷ XIX. Gỗ đá ấy cứ chất lên bè mảng chở về, tới nơi chờ nước thủy triều lên, thì kéo lên bến, từng trăm bè nối đuôi nhau mà vào. Để tính độ lún của đất, cụ Sáu đã xây hang Belem trước rồi mới trị chân móng Nhà thờ.

Toàn bộ phần mộc, nội thất nhà thờ và các bức vách hai bên được làm bằng gỗ lim thân lớn

Phát Diệm xưa vốn là vùng biển được phù sa bồi đắp, nền đất yếu khiến cụ Sáu đã phải cho nhân công đóng xuống hàng triệu cọc tre và hàng nghìn khối đất đá mới đặt được nền móng vững chắc cho công trình tầm cỡ này. Ở hai bên Nhà thờ Lớn, Cụ Sáu đã xây bốn nhà thờ cạnh, mỗi bên hai nhà thờ. Do đó, Nhà thờ Lớn được ví như một “bà chúa ngự giữa các cung phi mỹ lệ”.

Nhiều họa tiết quen thuộc trong kiến trúc đình chùa Việt Nam được hiện diện trong quần thể

Trong hệ thống 5 nhà thờ nhỏ ở Phát Diệm, một nhà thờ độc đáo nhất, được làm hoàn toàn bằng đá có tên là Trái tim Đức Mẹ. Công trình được cụ Sáu cho xây đầu tiên trong cụm di tích này. Nhà thờ dài 15,3 m, rộng 8,5m, cao 6 m. Hầu hết nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp hay bàn thờ đều bằng đá, do đó người Phát Diệm quen gọi là Nhà thờ Đá. Toàn bộ phần mộc, nội thất nhà thờ và các bức vách hai bên được làm bằng gỗ lim thân lớn. Lợp mái là ngói mũi hài, loại ngói truyền thống ở các đình chùa.

Bom đạn không thể tàn phá!

Gần 130 năm đã trôi qua, công trình kiến trúc này phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh. Năm 1953, súng đại bác của Pháp đã bắn trúng vào gian cuối phía Đông làm gẫy một tầu mái là phiên gỗ lim lớn. Năm 1972, máy bay Mỹ đã thả một chuỗi 8 quả bom suốt từ Nhà Chung ra ao hồ mạn đàng Tây, trong số đó có 4 quả khoét những hố sâu.

Non bộ trong khuôn viên nhà thờ

Một quả rơi trúng sân đường kiệu Nhà thờ Lớn về phía Tây. 56 cánh cửa hai bên Nhà thờ thì vỡ hết 52 cánh, còn lại 4 cánh. Đứng trước quang cảnh ấy, ai cũng đau lòng. Thế nhưng, trong chuỗi 8 quả bom đó ném từ Nhà Chung đến bờ hồ nếu bom cứ hướng theo quả thứ nhất thì những quả sau sẽ rơi trúng Nhà thờ Lớn và Phương Đình. Ấy thế nhưng bom cứ rơi lệch vào chỗ trống. Và do đó, người Phát Diệm tin rằng, có bàn tay che chở nên công trình của cha ông được giữ lại cho hậu thế, bom đạn không thể tàn phá được.


Nguyên liệu xây dựng tại quần thể chủ yếu là đá xanh và đá ngọc thạch


Nay, du khách đến thăm vãn có thể thấy Phương Đình và Nhà thờ Lớn với mái cong cổ kính và duyên dáng như xưa. Nhưng khách khó hình dung được sự công phu của quá trình phục dựng, mấy trăm người thợ vất vả trong năm năm trời đã tỉ mỉ tháo dỡ toàn bộ mái xem xét từng mộng gỗ, thay từng phiến đá, từng cây xà chiếc hoành… bằng phương pháp thủ công.

Các nhà thờ phần lớn bằng gỗ, một vật liệu rất dễ bị hư hại. Do đó, người Phát Diệm nói riêng và người Ninh Bình nói chung đang được trao cho một trách nhiệm lớn là phải gìn giữ, trùng tu nhà thờ theo đúng nguyên trạng, tức bảo toàn một di sản văn hóa dân tộc.

Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Tỉnh Ninh Bình và các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Unesco công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới.

Theo Phương Thanh – Công Thành/Báo Pháp luật

Nguon: https://doanhnghiepvn.vn/