F tháng 12 2020 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Ca khúc Hai Mùa Noel (Đài Phương Trang)

 Câu chuyện có thật về đằng sau ca khúc Hai Mùa Noel (Đài Phương Trang)


Từ xưa đến nay, tại Việt Nam, mà đặc biệt là ở Sài Gòn, Noel không còn chỉ là lễ hội của người Công Giáo, mà trở thành mùa lễ hội chung của lương dân. Đêm 24 của tháng 12 dương lịch mỗi năm, người dân đổ ra đường để chào đón ngày Giáng Sinh. Cho dù ở Việt Nam không có cái lạnh lẽo thực sự của đêm đông, không có tuyết giăng trắng lối ngập đường, nhưng không khí se lạnh đặc biệt của ngay đêm Giáng Sinh cùng với đèn hoa lấp lánh làm cho lòng người rộn rã, tràn ngập những yêu thương trong không khí đón chào mùa lễ hội.


Một mùa Giáng Sinh của gần nửa thế kỷ trước ở Sài Gòn, có một nhạc sĩ đã hòa vào dòng người đó để đi dự lễ ở Nhà Thờ Đức Bà, rồi chứng kiến một cảnh tượng gây xúc cảm để ông sáng tác thành một bài hát luôn luôn góp mặt trong danh sách những bài nhạc mùa Noel được yêu thích nhất, đó là nhạc sĩ Đài Phương Trang với ca khúc Hai Mùa Noel.

Kể lại với báo giới, nhạc sĩ kể lại rằng đó là 9 giờ đêm ngày 24/12/1972, ông có mặt trước nhà thờ và chợt thấy một thanh niên trang phục lịch sự đứng bên gốc cây, có vẻ đang ngóng đợi một điều gì.


Đến giờ Thánh Lễ, mọi người đều tiến về phía giáo đường thì người thanh niên ấy vẫn chỉ đứng đó, mắt nhìn bốn phía, gương mặt lộ vẻ lo âu, thỉnh thoảng đưa tay xem đồng hồ…

“Hình ảnh đó cứ ám ảnh trong tôi. Rồi khi tan lễ vào lúc nửa đêm, đoàn người lũ lượt ra về, tôi để ý và rất ngạc nhiên khi thấy người thanh niên vẫn còn đứng ở chỗ cũ với vẻ bồn chồn, buồn bã. Tôi đi ngang qua và khẽ nhìn khuôn mặt người ấy, lòng thầm cám cảnh cho một người mãi đợi chờ mà người kia không hiểu vì sao lại không đến chỗ hẹn?” – nhạc sĩ Đài Phương Trang kể lại.

Đến mùa Noel năm sau (1973), khi này nhạc sĩ Đài Phương Trang làm việc trong hãng băng dĩa Continental – Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm giám đốc, đang thực hiện cuốn băng Sơn Ca số 3 chủ đề Giáng Sinh. Ông giám đốc đã đề nghị nhạc sĩ Đài Phương Trang viết một ca khúc về Noel. Khi đó nhạc sĩ nhớ lại hình ảnh một năm trước đó, cảm xúc cũ lại hiện về tràn ngập trong lòng, nên chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ đã hoàn thành ca khúc Hai Mùa Noel. Bài hát này được ca sĩ Anh Khoa thu âm đầu tiên và được phát hành vào dịp Noel năm 1973 trong băng Sơn Ca 3. Mời bạn nghe lại sau đây:

Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường.
Mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu.
Quỳ bên hang sâu nghe lời kinh thánh vang cầu.
Nhìn nhau không nói nên câu
vì biết nói nhau gì đâu.

Mùa Noel qua chúng ta chia tay giã từ.
Hẹn nhau năm tới khi Giáng Sinh về muôn nơi.
Mình trao cho nhau hoa lòng nhẫn cưới thiệp hồng.
Dìu nhau xem lễ đêm Đông.
Bên nhau muôn đời em ơi

Nhưng nay, mùa Noel đến rồi.
Từng đêm anh vẫn nguyện cầu,
cầu cho ta mãi yêu nhau.

Đêm nay giáo đường vang tiếng kinh cầu.
Nơi xưa mình anh đứng
không thấy bóng em đâu.

Nửa đêm tan lễ bước chân bơ vơ trở về.
Chợt nghe nước mắt rơi ướt trên bờ môi khô.
Rồi Noel qua như mộng ước cũng xa rồi.
Gặp nhau chi để thương đau
Yêu nhau sao đành xa nhau?

Có thể thấy với tâm hồn nhạy cảm của một nhạc sĩ, chỉ cần một khung cảnh thoáng qua trước mắt cũng đủ để Đài Phương Trang viết thành bài hát về một chuyện tình buồn thương trong mùa Noel, mà hầu hết là do nhạc sĩ tưởng tượng ra.

Tình yêu của đôi tình nhân trong bài hát được bắt đầu vào một đêm Giáng Sinh đầy lãng mạn. Họ gặp nhau khi cùng đến nhà thờ, rồi sau đó cùng chung ước nguyện:

Hẹn nhau năm tới khi Giáng Sinh về muôn nơi.
Mình trao cho nhau hoa lòng nhẫn cưới thiệp hồng.
Dìu nhau xem lễ đêm Đông.
Bên nhau muôn đời em ơi!…

Nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất mà chàng trai được quỳ cạnh người mình yêu trong đêm Noel. Không hiểu vì lý do gì, mối tình đẹp đó đã tan vỡ để lại bao khổ đau tiếc nuối:

Rồi Noel qua như mộng ước cũng xa rồi.
Gặp nhau chi để thương đau
Yêu nhau sao đành xa nhau…

Dù là một câu chuyện tưởng tượng được nhạc sĩ cảm tác khi nhìn thấy một chàng trai lẻ loi chờ đợi người yêu trong đêm Noel, nhưng có lẽ bài hát đồng cảm được với hoàn cảnh của nhiều người, nên Hai Mùa Noel trở thành một trong những bài tình ca buồn được mở nhiều nhất mùa Giáng Sinh hàng năm.

Câu chuyện về bài hát còn ly kỳ hơn nữa, khi mà sau này nhạc sĩ Đài Phương Trang kể lại rằng chỉ 2 tuần sau khi bài hát được phát hành và công chúng đón nhận, nhạc sĩ đã nhận được thư của người tên Thanh gửi đến. Trong thư, ông Thanh tự nhận mình chính là người thanh niên đã đứng chờ người yêu trước Vương Cung Thanh Đường vào năm trước đó, và ngỏ lời cảm ơn nhạc sĩ đã viết lên nỗi lòng của mình. Ông cũng cho biết nhờ ca khúc này mà gặp và nối lại tình yêu với cô Duyên, là người con gái đã không đến chỗ hẹn vào đêm Giáng Sinh năm 1972 vì một sự hiểu lầm.

Tình yêu của họ ngỡ đã tan vỡ, nhưng nhờ bài hát với những ca từ và hình ảnh về chàng trai cứ đứng chờ người yêu, mãi đến lúc tan lễ mà vẫn chưa về đã gây xúc động cho Duyên. Cô cảm nhận được tình cảm chân thành của ông Thanh, bao nhiêu hờn trách, hiểu lầm vụt tan biến và họ đã nối lại mối duyên tình.

Sau đó, nhạc sĩ Đài Phương Trang có hẹn gặp ông Thanh và nhận ra đúng Thanh là người thanh niên năm trước đã để lại trong trí ông một ấn tượng khó quên. Khoảng 3 tháng sau, ông nhận được thiệp hồng và đã đến dự lễ cưới của Thanh – Duyên.


Nhạc sĩ Đài Phương Trang

Trên báo Thanh Niên, nhạc sĩ Đài Phương Trang tâm sự:

“Tôi được thêm 2 người bạn mới. Nhưng sau 1975 Thanh và Duyên không còn ở Sài Gòn nữa mà chuyển về quê tận Cần Thơ sinh sống. Bẵng đi một thời gian, khoảng 3 năm sau tôi nhận được tin vợ chồng họ đã ra nước ngoài. Từ đó đến nay, đã gần 40 năm rồi, tôi không hề nhận được một tin tức nào về Thanh và Duyên. Không biết họ ở đâu? Mỗi năm vào mùa Giáng sinh, lòng tôi lại rộn lên những cảm xúc buồn vui khó tả. Vui vì ca khúc Hai mùa Noel qua mấy chục năm vẫn được công chúng hát lên đón mừng Giáng sinh. Buồn vì không biết hai người bạn có liên quan đến nội dung của ca khúc này, bây giờ trôi dạt đến phương trời nào? Nhưng dù bây giờ hai bạn ấy ở bất cứ nơi đâu tôi vẫn luôn mong họ được an lành trong mỗi mùa Noel và trong cuộc sống hằng ngày. Qua Báo Thanh Niên, tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn và tri ân đến các bạn yêu nhạc, dù qua mấy mươi năm nhưng cứ mỗi dịp đón Giáng sinh lại vẫn nhớ đến và hát lên ca khúc Hai mùa Noel” đầy cảm xúc và nỗi niềm của tôi”

Đông Kha (biên soạn)

Nguon: nhacxua.vn

“Bài Thánh Ca Buồn” (nhạc sĩ Nguyễn vũ)

 “Bài Thánh Ca Buồn” (nhạc sĩ Nguyễn vũ) – Ca khúc bất hủ của những mùa Giáng Sinh


Dù đã ra đời gần nửa thể kỷ, nhưng trong khoảng 50 mùa Noel đã trôi qua, năm nào thì ca khúc Bài Thánh Ca Buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ cũng luôn được những người yêu nhạc vàng nhắc lại, nghe lại, như là một ca những ca khúc nhạc vàng quen thuộc nhất vào những mùa Giáng Sinh, với lời ca và giai điệu thật da diết nhắc về một mối tình đầu thời vụng dại:

Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

“Bài thánh ca” được nhắc đến ở đầu bài hát chính là bài thánh ca bất tử Đêm Thánh Vô Cùng (tên gốc là Silent Night của Franz Xaver Gruber và Joseph Mohr), quen thuộc với khán giả Việt Nam qua phần dịch lời Việt của nhạc sĩ Hùng Lân.

Ca khúc Bài Thánh Ca Buồn được nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết cho mối tình, nói đúng hơn là những cảm xúc đầu đời khi ông mới 14 tuổi, ngày ngày thường đi lễ ở nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt. Tại đó, ông gặp một cô gái rất đẹp và ngoan đạo. Trái tim vụng dại của một cậu trai mới lớn đã đập loạn nhịp trước bóng hình người thiếu nữ thướt tha và xinh đẹp đó.


Một buổi chiều tan lễ, hai người đứng trú mưa dưới mái hiên ven đường, hòa lẫn với tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của Đêm Thánh Vô Cùng:

Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng,
đất với trời, se chữ đồng,
đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…

Cô gái đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo. Âm thanh, hình ảnh lung linh huyền diệu đó khắc sâu vào tâm khảm của cậu trai 14 tuổi, để rồi nhiều năm sau đó nhạc sĩ Nguyễn Vũ nhớ lại và sáng tác thành Bài Thánh Ca Buồn:

Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần

Đó là lời ca đẹp tựa như thơ, tả hình ảnh của người con gái có nét đẹp thuần khiết ngây thơ. Bên tiếng hát thánh ca, dưới ngàn sao tinh tú long lanh trên trời, tà áo trắng của nàng như đôi cánh thiên thần, để cho chàng trai hướng về một tình yêu thanh cao trong trắng.

Cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mông buồn…

Đêm Noel năm nào mình đã bên nhau, cùng nhau quỳ dưới chân Chúa và nguyện cầu: “Xin cho đôi mình suốt đời có nhau”. Xin Chúa thương tình duyên đôi trẻ mà cho mình được mãi được bên nhau không chia lìa mai sau.

Đêm Giáng Sinh năm nào, chúng mình cùng cầu nguyện với Chúa bên bài hát Đêm Thánh Vô Cùng. Giọng hát khe khẽ trong đêm lạnh hôm nào của nàng làm cho mãi về sau chàng trai không bao giờ quên. Có phải giọng hát buồn mênh mông đó như báo trước một chuyện tình buồn khi duyên tình mình mai đây sẽ không trọn vẹn?

Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng thay màu
Em qua cầu xác pháo theo sau

Những mùa Đông giá buốt đã qua mau, mùa Giáng Sinh bên nhau như ngày nao chỉ còn trong kỷ niệm. Niềm nhớ tiếc xót xa như gửi hết vào câu “lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu”, để cho người nghe nhạc cảm được nỗi niềm của chàng trai khi mất đi mối tình vụng dại.

Rồi có một buổi chiều áo trắng của người ngày nào đã thay màu áo cưới, bước lên xe hoa về nhà chồng có xác pháo hồng tơi tả theo sau. Hai câu nhạc hay đã cô đọng như thơ, được nhạc sĩ tinh ý dụng ý nhưng đã bị nhiều ca sĩ hát sai “áo trắng thay màu” thành “áo trắng phai màu” và “xác pháo theo sau” thành “xác pháo bay theo”.

Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Thay vì lời trách than sao tình duyên mình không được chung đôi, lại là lời nuối tiếc nhẹ nhàng khi lời nguyện cầu của mình không thể thành sự thực. Vì vậy mà tình này vẫn hoài xa vắng trong giá lạnh khi mùa Đông mỗi năm về lại, và mỗi lần Chúa giáng sinh là mỗi lần anh nhớ đến người yêu. Nhớ đến màu áo trắng thiên thần và giọng hát thánh ca mênh mông buồn của người năm xưa. Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương trần là bấy nhiêu lần nhớ đến người với bao kỷ niệm về trong đêm Chúa ra đời.

Rồi những đêm thế trần đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi

Rồi những đêm khi trần thế tưng bừng đón Noel, có một người mãi lang thang qua miền giáo đường tìm lại kỷ niệm ngày xưa dấu yêu. Hồi chuông giáo đường vẫn ngân, tiếng hát thánh ca vẫn vang trong đêm, nhưng áo trắng của em ngày xưa đã không còn nữa.

Nhớ sao là nhớ giọng buồn của em ngày ấy khẽ hát theo bài Đêm Thánh Vô Cùng, bây giờ đã mãi mãi vời xa, để “Đêm thánh vô cùng lạnh giá lòng tôi”. Tiếng hát buồn từ đêm Giáng Sinh năm nào bây giờ trở thành “Lời Buồn Thánh”, theo gió đông về nhắc lại kỷ niệm ngày xưa…



Trương Đình Tuấn
Nguon:  nhacxua.vn

Về thăm thiên đường du lịch Quảng Bình

 Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hữu tình cùng quần thể danh lam thắng cảnh được thế giới công nhận, Quảng Bình thật sự là thiên đường du lịch.

Quảng Bình là một trong số ít những địa phương hội tụ đầy đủ cảnh quan đa dạng. Nhờ địa hình vừa có núi, có biển, vừa có sông, có rừng và đặc biệt có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống hang động kỳ vĩ và hệ sinh thái đa dạng, Quảng Bình đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Quảng Bình còn có nhiều vẻ đẹp nao lòng khác như: hồ Bàu Tró, sông Gianh, thung lũng Chà Nòi, hang Voi, Mũi Độc, biển Bảo Ninh…



Hồ Bàu Tró thuộc địa phận phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tương truyền là nguồn nước ngọt sạch nhất, sạch hơn nước giếng của người dân trong vùng.

Bàu Tró là hồ nước ngọt nằm sát biển Nhật Lệ, nước quanh năm và chưa bao giờ cạn. Xung quanh hồ là những dải rừng phi lao, rừng tràm xanh mát giữa bốn bề cát trắng phong cảnh hữu tình nên thơ. Không chỉ là hồ nước ngọt cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân thành phố Đồng Hới bấy lâu, Bàu Tró còn là nơi tồn tại những dấu tích cư trú và sinh sống của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá.


Hồ Bàu Tró

Cách thành phố Đồng Hới chỉ 26km nằm ngay quốc lộ 1A, trên cung đường “Thiên Lý Bắc Nam” giáp ranh giữa xã Thanh Trạch và Hải Trạch thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình là bãi biển Đá Nhảy. Cái tên Đá Nhảy có từ thuở xa xưa, bởi sự đa dạng của các khối đá lớn nhỏ nhô lên trên bãi biển, khi từng con sóng vỗ bờ thì chúng như những con vật thi nhau nhảy chồm lên sóng biển bơi ra đại dương rộng lớn.



Bãi biển Đá Nhảy.

Từ trung tâm thành phố, qua cây cầu Nhật Lệ đi thẳng thêm một đoạn nữa du khách sẽ đến quảng trường và biển Bảo Ninh. Quảng trường Bảo Ninh được xây dựng ngay trên bãi biển từ lâu đã trở thành khu vui chơi giải trí nhộn nhịp.

Bảo Ninh có bờ cát trắng mịn màng trải dài như vô tận. Biển Bảo Ninh vẫn còn hoang sơ không bị đông đúc sầm uất như những bãi biển trọng điểm khác.


Biển Bảo Ninh.

Hang Voi (Elephant cave) là một trong những hang động đẹp được nhiều du khách yêu thích và đánh giá cao. Chính vì vậy, chinh phục Hang Voi là một trong những hành trình thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách nhất.

Sở dĩ nơi đây có tên gọi là hang Voi vì cửa miệng hang có rất nhiều thạch nhũ, hình dạng như những chú voi. Đặc biệt hơn cả, hang này có 2 cửa miệng hang với 2 tên gọi khác nhau: cửa trước là cửa Voi, cửa sau là cửa Rùa (do có một khối thạch nhũ hình dạng con Rùa ngay tại lối sau hang).


Cửa sau của hang Voi còn được gọi là cửa Rùa.

Nằm ngay gần khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Mũi Độc được tạo hóa ban tặng một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Tại đây, bạn sẽ được ngồi trên thảm cỏ xanh, phóng tầm mắt nhìn ra mặt biển mênh mông và tận hưởng những làn gió thổi lồng lộng.

Thời điểm đẹp nhất trong ngày của Mũi Độc là lúc bình minh và hoàng hôn. Ngồi trên mỏm đá, nghe tiếng sóng biển vỗ vào vách núi và ngắm mặt trời cùng những con thuyền lững lờ ngoài khơi thực sự là một trải nghiệm cực kỳ lý thú.


Mũi Độc.

Thung lũng Chà Nòi ở dưới chân đèo Đá Đẽo nằm tựa mình bên dãy núi đá vôi hùng vỹ thuộc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sương khói mờ ảo, một vẽ đẹp mê hồn được thiên nhiên ban tặng. Đứng từ trên đèo phóng tầm mắt xuống, Chà Nòi hiện lên như một khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp có sông suối, bao quanh bởi các đồi núi hùng vĩ và mây mù huyền ảo.


Thung lũng Chà Nòi.

Nhắc đến Quảng Bình, người ta không thể không nhắc đến dòng sông Gianh là biểu trưng địa lý của vùng đất này. Con Sông Gianh đã đi vào lịch sử dân tộc bao đời và chứa đựng trong mình bao sự tích, huyền thoại. Sông Gianh là con sông lớn nhất trong năm con sông của tỉnh Quảng Bình và chỉ chảy qua một tỉnh duy nhất là Quảng Bình. Dòng sông có chiều dài khoảng 160km, đi qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.


Sông Gianh (đoạn chảy qua huyện Tuyên Hóa).

Trong lịch sử, sông Gianh được gọi với tên là Đại Linh Giang. Có nghĩa là dòng sông linh thiêng. 

Trước thời kỳ Nam Tiến của người Việt (1069), sông Gianh là ranh giới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786) với xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672).

Lương Công Thành

Nguon: https://vtc.vn

30 kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới

 Nếu bạn chưa thể đi đâu trong thời gian này, hãy lưu lại ngay những kỳ quan tuyệt mỹ này cho chuyến du ngoạn tiếp theo của bạn.

1. Sông Cano Cristales, Colombia


Sông Caño Cristales ở Colombia còn được gọi là "sông ngũ sắc" hay "sông cầu vồng". Từ một con sông bình thường như mọi con sông khác, từ tháng 7 đến tháng 11, một loài thực vật sống dưới đáy sông có tên Macarenia clavigera đã chuyển mình thành màu đỏ rực rỡ. Kết hợp với làn nước trong vắt, rêu xanh và cát vàng tạo nên một dòng chảy kỳ ảo có một không hai.

2. Núi Trương Gia Giới, Trung Quốc


Núi Trương Gia Giới ở Trung Quốc tạo thành từ những ngọn núi đá cao sừng sững. Là nguồn cảm hứng cho bộ phim Avatar của James Cameron, một số ngọn núi có chiều cao lên tới 1250 mét với những đỉnh sa thạch cho tuổi đời 300 triệu năm.

3. Hẻm núi Antelope, Mỹ


Hẻm núi Antelope ở Arizona nổi tiếng với hình thù như sóng và những bức tường sa thạch. Hẻm núi được hình thành từ sự xói mòn của nước từ hàng triệu năm.

4. Bãi đá của người khổng lồ, Bắc Ireland


Bãi đá đặc biệt ở Bắc Ireland được hình thành tự nhiên do hoạt động phun trào của núi lửa từ hàng triệu năm trước. Cột đá lớn nhất có chiều cao lên đến 11 mét.

5. Đảo Socotra


Nằm ở Ấn Độ Dương, đảo Socotra có những loài thực vật không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh. Một trong những loài nổi bật nhất là cây máu rồng. Tán của chúng trông giống như chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh.

6. Đồi Socola, Philippines


Đồi Socola ở đảo Bohol, Philippines được biết đến với cấu tạo hình nón kỳ lạ. Các ngọn đồi có chiều cao khác nhau, từ 30 đến 120 mét. Vào mùa khô, cỏ chuyển sang màu nâu như màu socola.

7. Mạch phun nước nóng Fly Geyser, Mỹ


Fly Geyser ở sa mạc Black Rock, Nevada là kết quả giữa hoạt động địa nhiệt và sự... vô ý của con người. Mạch suối này hình thành sau khi một công ty năng lượng địa nhiệt không thể đóng lại một giếng khoan thử nghiệm. Sức nóng địa nhiệt đã khiến nước trong mạch trào lên tạo ra mạch nước phun. Trong 40 năm qua, nước đã mang khoáng chất đến sa mạc tạo nên gò đất có màu sắc kỳ lạ và hấp dẫn.

8. Giếng Thor, Mỹ


Giếng Thor ở Oregon giống như một cái hố không có đáy. Được đặt tên theo một vị thần, nó gợi nhớ đến con thủy quái Charybdis thường dìm chết các thủy thủ trong xoáy nước khổng lồ của mình. Theo các nhà khoa học, giếng Thor được hình thành khi mái của một hang động dưới biển bị sập, khiến quanh cảnh trông giống như biển đang bị hút vào một hố sâu hun hút.

9. Hang động Waitomo Glowworm, New Zealand


Hang Waitomo Glowworm ở New Zealand là nơi sinh sống của hàng nghìn con giun phát sáng lấp lánh. Hang đã mở cửa cho công chúng thăm quan từ năm 1889 nhưng người dân Maori bản địa đã biết đến sự tồn tại của nó từ xa xưa. Trên thực tến, Waitomo bắt nguồn từ tiếng Maori, “wai” tức là nước, còn “tomo” tức là lỗ, hoặc lối vào.

10. Ruộng bậc Pamukkale, Thổ Nhĩ Kỳ


Ở Pamukkale, Thổ Nhĩ Kỳ, ruộng bậc thang chứa nước ấm chảy ra từ các suối nước nóng tự nhiên. Ruộng được hình thành từ các mỏ khoáng đá vôi trong hoạt động địa nhiệt.

11. Tảng đá Kjerabolten, Na Uy


Kjeragbolten là một tảng đá có thể tích 54 mét khối nằm giữa khe núi đá ở Na Uy. Mặc dù nằm ở vị trí kỳ lạ nhưng không quá khó khăn nếu du khách muốntiếp cận khu vực này khiến nơi đây trở thành điểm check-in nổi tiếng trên Instagram.

12. Núi Phú Sĩ, Nhật Bản


Núi Phú Sĩ ở Honshu, Nhật Bản, là một ngọn núi lửa đang hoạt động, lần phun trào gần đây nhất của nó là vào năm 1707. Ngọn núi cao nhất Nhật Bản, 3.776 mét, thường được bao phủ trong một lớp sương mù dày đặc.

13. Hồ Masazir, Azerbaijan


Hồ Masazir nằm gần Baku, thủ đô của Azerbaijan, thường có màu hồng đậm vào mùa hè. Màu nước này tạo ra từ các vi sinh vật có tên gọi là haophile.

14. Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà, Trung Quốc


Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà ở Tây Nam, Trung Quốc, nổi tiếng với những ngọn núi đầy màu sắc. Kỳ quan này tạo thành từ khoáng chất và đá bị vỡ khi Ấn Độ va chạm với phần còn lại của lục địa Á Âu. Hiện nay, công viên là di sản thế giới của UNESCO.

15. Ốc đảo muối Solar de Uyuni, Bolivia


Salar de Uyuni là ốc đảo muối rộng lớn ở Bolivia. Khi các hồ nước gần đó tràn nước qua, chúng sẽ tạo ra những mặt gương khổng lồ phản chiếu trời mây.

16. Vịnh Hạ Long, Việt Nam


Kỳ quan UNESCO của Việt Nam nổi tiếng với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ. Cách thú vị nhất để thăm quan là đi thuyền một đêm để thưởng thức hết vẻ đẹp của vịnh.

17. Vịnh Geiranger, Na Uy


Vịnh Geiranger ở hạt Møre og Romsdal, Na Uy được gọi là thung lũng nước. Được hình thành từ các dòng sông băng, vịnh nước sâu và hẹp này bao quanh bởi các ngọn núi dốc từ khắp bốn phía. Geiranger là một trong những vịnh nổi tiếng nhất của Na Uy và cũng là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

18. Hồ Nakuru, Kenya


Hồ Nakuru, Kenya, nằm trong công viên quốc gia nổi tiếng của Kenya là nơi sinh sống của tê giác, hà mã, ngựa và trâu nước, nhưng được biết đến nhiều nhất vẫn là hàng nghìn con chim hồng hạc rực rỡ. Quanh hồ là những đầm lầy và đồng cỏ xanh tốt.

19. Bãi biển Nhà thờ, Tây Ban Nha


Bãi biển Nhà thờ là một bãi biển đầy đá nằm ở Galicia, Tây Ban Nha. Các thành tạo đá ấn tượng này hoàn toàn là tác phẩm của tự nhiên.

20. Vách đá Moher, Ireland


Một trong những thắng cảnh thiên nhiên truy cập nhiều nhất của Ireland, vách đá Moher hùng vĩ, nằm trải dài 8km theo bờ biển phía tây của đất nước.

21. Đảo Jeju, Hàn Quốc


Đảo Jeju, Hàn Quốc, tự hào với ngọn núi Hallasan cao nhất đất nước với độ cao lên đến 1.950m. Ngoài ra, nó còn được biết đến với những hang động hình thù kì lạ hình thành khi dung nham bị nguội đi.

22. Bãi biển phát quang sinh học, Maldives


Để trải nghiệm bãi biển phát sáng kỳ diệu của Maldives, bạn có thể ghé thăm bất kỳ hòn đảo nào trong số 1.190 hòn đảo của đất nước này. Đây là kết quả của việc phát quang sinh học của các sinh vật phù du sống dưới nước. Một số địa điểm hàng đầu để xem màn trình diễn ánh sáng tự nhiên là đảo Athuruga, Reethi và Mirihi.

23. Hang động đá cẩm thạch, Chile


Nằm ở Patagonia trên Hồ General Carrera, hang động đá cẩm thạch của Chile được tạo ra cách đây hơn 6.000 năm bởi những con sóng làm xói mòn đá.

24. Vịnh Milford Sound, New Zealand


Milford Sound ở New Zealand được tạo ra bởi các sông băng trong thời kỳ băng hà. Vịnh nằm ngoài khơi Đảo Nam của New Zealand - nổi tiếng với cảnh quan đa dạng, từ thác nước đến những đỉnh núi cao chót vót.

25. Núi Erebus, Nam Cực


Có niên đại 1,3 triệu năm, Erebus, ngọn núi lửa đang hoạt động ở cực nam thế giới, trải dài 3.794m so với mực nước biển.

26. Bãi biển Reynisfjara, Iceland


Bãi biển Reynisfjara ở Vik, Iceland, trông như thế giới khác nhờ bãi cát đen, cột đá bazan và sương mù bao phủ. Vào mùa đông, ở đây còn có thể chiêm ngưỡng Bắc cực quang.

27. Cồn cát Vườn quốc gia Lençóis Maranhenses, Brazil


Những cồn cát trắng xóa mù mịt của vườn quốc gia Lençóis Maranhenses có vẻ đẹp mê hồn. Chúng nối với sông, ra biển và đã đóng góp đến hàng nghìn tấn cát cho Đại Tây Dương.

28. Công viên Quốc gia Redwood, Mỹ


Những cây gỗ đỏ ở Công viên Quốc gia Redwood, California, là một trong những cây cao nhất trên thế giới, có cây cao đến 121 mét với tuổi đời 600 năm. Với diện tích hơn 1.390 hecta, vườn quốc gia Redwood bao phủ cả dải bờ biển phía bắc của California.

29. Hồ Hillier, Úc


Hồ nước màu hồng vẫn là một thách thức với các nhà khoa học vì không ai biết tại sao nó lại có màu hồng như vậy. Hầu hết mọi người cho rằng đó là do một loại tảo nào đó sống trong nước có độ mặn cao của hồ tây ra, hoặc là do một loại vi khuẩn màu hồng có tên là vi khuẩn halobacteria đã tạo ra màu sắc độc đáo này.

30. Thác Skógafoss, Iceland

Thác Skógafoss bắt nguồn từ hai sông băng có tên Eyjafjallajokull và Myrdalsjokull. Theo truyền thuyết, một viking tên là Thrasi đã giấu chiếc rương vàng của mình dưới thác nước tuyệt đẹp này. Lượng nước phun dày đặc của nó khiến nhiều lúc có thể nhìn thấy hình ảnh cầu vồng tráng lệ vào những ngày nắng ráo.

Hữu Nguyên

Theo Insider


Nguon: https://dantri.com.vn

Thầy đồ dốt mắng vợ

 Thầy đồ dốt mắng vợ


Có ông thầy đồ dốt nhưng lại muốn học trò đến đông nên hay xổ chữ.

Ai đến chơi ngồi nói chuyện là ông ta tìm cách hỏi cho được vài câu chữ nho, tuôn ra hàng tràng những "chi hồ giả dã", ra vẻ ta đây học thông, lắm chữ.

Bà vợ ở trong nhà, nghe mãi sốt ruột. Một hôm ngồi ăn cơm, bà khẽ bảo chồng:

- Ông ạ! Ông có một dúm chữ thì để làm lưng làm vốn, chứ gặp ai ông cũng vung vãi ra như thế, còn gì nữa mà làm ăn.

Ông ta mắng vợ:

- Bà biết gì mà nói! Chữ của thánh hiền có phải như tiền bạc đâu mà cứ tiêu là hết. Với lại đó là mấy chữ lẻ, còn vốn của tôi thì tôi xếp trong bụng này kia mà. Tôi chỉ tiêu những chữ lẻ đấy chứ!


Vuốt râu cũng phải xem ý vợ


Có một anh chàng rất sợ vợ, quanh năm anh ta không dám cãi vợ nửa lời.

Ngày nào anh ta cũng phải làm theo lời sai khiến chỉ bảo của vợ. Ðã thế mà thôi đâu, nhiều lúc anh còn bị vợ đay nghiến, nhiếc móc thậm tệ.

Tức tối vô cùng, một hôm anh ra chợ tỉnh bói xem tại sao mình phải sợ vợ. Thầy bói không cần gieo quẻ, liền nói:

- Nhìn tướng mạo anh thì sợ vợ là phải, vì có chòm râu mọc quặp vào trong.

Nghe thầy bói nói như vậy, hôm sau vợ đi vắng, ngồi ở nhà một mình, anh ta lấy gương soi rồi cầm râu vuốt ra và nói:

- Ngồi buồn thong thả, vuốt râu cho thẳng ra kẻo mà sợ vợ.

Nào ngờ, vừa lúc đó, chị vợ đi làm về. Nghe được câu nói đó của chồng, chị gắt giọng:

- Ông ở nhà, nói cái gì lảm nhảm một mình như vậy?

Anh ta giật mình lo sợ, liền vuốt râu vào mà nói:

- Tôi đang vuốt râu vào cho quặp thêm tí nữa thôi mà.


Ghen tuông đúng kiểu gà mái


Gia đình nhà gà đang ngồi xem TV, đến phần quảng cáo gà quay thì gà mẹ bỗng tắt phụt TV đi.

Lũ gà con nhao nhao:

- Ơ kìa mẹ! Mẹ bật lên đi, bọn con quen xem phim kinh dị rồi mà!

- Mẹ biết. Nhưng mẹ không muốn bố chúng mày xem lũ gà không quần áo đó!

TIẾU TIẾU (Sưu tầm)

Nguon: https://vtc.vn/