F NHỚ NỘI, NHỚ NHÀ XƯA VỚI HÀNG RÀO QUÝT CŨ ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


NHỚ NỘI, NHỚ NHÀ XƯA VỚI HÀNG RÀO QUÝT CŨ

Ký ức Tết trong tôi: Nhớ nội, nhớ nhà xưa với hàng rào quýt cũ

Mùng 4 Tết, tôi chở má về thăm quê nội. Nói là quê vì khi xưa ba tôi sinh ra và lớn lên tại đây. Chứ hiện tại, quê nội trong tôi chỉ còn là ký ức vì mảnh đất xưa ba tôi không còn đứng chủ quyền, căn nhà xưa bây giờ đã không còn lại dấu vết kể từ khi ông bà nội tôi mất.

Tôi đi ngang con đường ngày cũ, cảm giác mọi thứ thênh thang vì làng quê đã lên thị trấn, các con lộ được mở rộng ra, lát đá và tráng nhựa rất khang trang. Trong tôi bỗng dưng cuộn lên nhữn nỗi nhớ mơ hồ.

Tôi nhớ về những mùa Tết cũ, hằng năm sau 23 tháng chạp ba má tôi từ khu kinh tế mới quầy quả về quê nội để đón Tết cùng gia đình. Khi đó nhà còn nghèo, các em anh em tôi còn đói, còm nhom, nheo nhóc. Tôi nhớ hoài hình ảnh ba tôi đi trước vác cái đùi heo với bịch măng khô lấy trên rừng thật to, mẹ tôi khệ nệ ôm mớ bánh tráng mỏng do chính tay mẹ tráng từ nghề gia truyền của ông bà. Còn anh em chúng tôi cứ 2 người chung nhau một cái đòn gánh. Anh hai và chị ba tôi còm lưng khiêng theo cái máy may Sinco để Tết về má tranh thủ may đồ cho các chú, các cô. Còn tôi nhỏ bé nhất, ốm yếu nhất ôm theo mấy cuốn tập bìa dán bằng những tờ báo Liên Xô để tranh thủ học bài trong mấy ngày tết. 

Thời đó, ở quê tôi có tục làm dâu rất cũ kỹ. Tôi không biết má tôi lúc đó có buồn, có tủi hay không nhưng cảm thấy bà cúc cung tận tụy mà làm. Má tôi nói làm dâu là một chức phận và vì thương ba tôi, vì muốn giữ nếp xưa có chút phong kiến mà má tôi tình nguyện mà làm chứ không ai bắt buộc gì.
Cây quýt rừng được người dân Đất Đỏ ngày xưa dùng làm hàng rào nay đã biến mất dần.

 Tôi nhớ rằng, mấy ngày Tết má tôi bận và cực kinh hoàng. Má về làm dâu trong nhà nội đông con cháu nên chuyện nấu ăn, dọn dẹp đã khiến má không có nhiều thời gian để thở. Đã vậy đêm đến má còn tranh thủ may vá thêm quần áo cho các cô, các chú, cận cận tết má lại theo bà vào bếp làm mứt, làm bánh phục linh để dâng gia tiên hoặc đãi khách đến chơi nhà. Riêng anh em chúng tôi còn nhỏ, chỉ biết theo cô út, chú 8 đi ra cây nước giữa làng để lấy nước về trong mỗi buổi chiều tà.

Tôi nhớ rất rõ, cây nước công cộng dành cho làng nằm sát bên chợ, sau lưng công viên Đền thờ của Nữ anh hùng Võ Thị Sáu bây giờ. Làng thì đất đỏ thừa mứa khắp nơi, bước ra khỏi bậc thềm là tay chân đỏ quạch nhưng lại thiếu trầm trọng nước sạch. Má tôi bảo, ở làng ngày đó giếng phải đào sâu cả mấy chục thước mới có nước mà mùa tết giếng hay bị cạn nước nên mọi người thường ra chỗ máy nước công cộng để lấy nước bỏ trong phuy rồi cho lên xe đẩy hoặc kéo về.

Trẻ con như anh em chúng tôi lâu lâu được đi ra phố, ra chợ thì thích lắm. Tôi thích nhất là cái cảm giác đi theo chú đẩy xe nước len lỏi giữa những hàng rào quýt xanh rì. Ngày đó anh em tôi thấp bé, hàng rào quýt vì thế mà bỗng dưng cao ngang đầu hoặc ngang ngực. 

Sau đất nước đổi mới năm 1986, đời sống kinh tế người dân quê tôi ngày được nâng cao. Lần lượt nhiều gia đình khấm khá bằng cách này hoặc cách khác. Riêng các cô, chú tôi thì quyết định bán bớt ruộng đất, xây dựng thêm nhà, gạch bông bóng loáng thay cho loại gạch tàu vuông vức bị mòn vẹt bởi dấu vết của thời gian.

Nội tôi họp các con lại và xác định sẽ chia. Mảnh đất tổ tiên được chia năm xẻ bảy, căn nhà cũ năm xưa được xác định chia đôi, nhà dưới của em, nhà trên của anh... và cứ thế, mọi người thi nhau gọi bán từng cái lư hương, tủ thờ, từng cái đòn tay, mái ngói. Căn nhà xưa chẳng mấy chốc không còn trên mảnh đất mà ba tôi từng sinh ra và khôn lớn, kể từ khi ông bà nội tôi mất.

Ngôi nhà cổ kiểu truyền thống xưa đang đứng bên bờ dỡ bỏ để xây mới.

Ký ức của tôi về ngôi nhà và mảnh đất của nội được đóng lại bằng hình ảnh những hàng rào kẽm thay cho hàng rào quýt vì mảnh đất bị phân chia, đống gạch cũ ngổn ngang và vụn vỡ vì người ta mua xác nhà cũ nhưng không bao gồm luôn việc dọn dẹp. Tôi nhớ, mình đã từng đứng lặng rất lâu bên mảng tường nhỏ còn sót lại, trên đó tôi nhìn thấy còn hằn in những vết bom đạn bắn trong thời chiến.

Bây giờ tôi đã có căn nhà riêng khang trang, nội thất tiện nghi hiện đại trên mảnh đất mới mà ngày xưa ba má tôi đi vùng kinh tế mới cày xới. Thế nhưng hằng năm vào mùng 4 Tết tôi vẫn hay chở má về thăm quê nội, trước khi đưa bà về thăm quê ngoại. Nhà nội không còn, đất của tổ tiên ông bà xưa không còn, tôi và má chọn cách thăm viếng thường xuyên nhà cậu Chấn - ông cậu họ hàng xa có mái nhà và hàng rào quýt cũng gần như y chang. Má tôi mỗi lần được về thăm lại quê thì thích lắm. Bà cũng như tôi, vẫn còn những bồi hồi luyến nhớ. Và trong những câu chuyện hàn huyên, tôi nghe má tôi nhắc đi nhắc lại, hồi xưa nội của tụi nhỏ thương cháu lắm. Mỗi lần bà lên thăm con, thăm cháu thường mang cả thúng bánh trái và đồ ăn. Thời đó dân vùng kinh tế mới như ba má tôi còn đói kém mọi bề.

Má cũng hay nhắc lại câu chuyện ngày xưa, thuở làm dâu tuy cực mà vui vì mỗi năm để có năm ngày tết, ba má tôi đã lắng lo, gom góp từ hơn một tháng trước. Măng trên rừng lấy về mang ra phơi khô cho kỹ đến mấy nắng, lựa miếng ngon nhất mới mang về cho ông bà. Nếp ở trong bồ, ba má sàng sẩy lựa nếp ngon để mang về cho nội làm xôi, làm cơm rượu dâng cúng tết.

Có lần tôi hỏi má, nhìn lại quá khứ, má có tiếc nhớ gì không? Má tôi chỉ cười, nói tiếc rằng khi mình sống ổn và khá giả thì đã không còn có ông bà vui sống để tận hưởng bên mình. Má cũng tiếc ngôi nhà xưa, tiếc hàng rào quýt cũ...

Tôi dẫn má ra xem hàng rào quýt cũ của cậu Chấn hiếm hoi còn sót lại. Những thân quýt đan dày được phủ những chiếc lá xanh được người quê vun, cắt thành những hàng rào dày khoảng 2 gang tay, đẹp tăm tắp. Tôi nhìn sang cạnh bên, tiếp giáp với nhà cậu là những hàng rào sắt, nhà nay vô cùng hiện đại.

Cậu tôi cười buồn: “Chịu thôi con. Cuộc sống cần phải hiện đại và cải tiến. Mai mốt nơi này người ta phóng con lộ lớn để thuận hiện cho giao thông. Nhà mình sẽ hướng ra mặt tiền, coi như là lên đời. Cậu tiếc cái hàng rào quýt với căn nhà cổ này nhưng mà nếu cái cũ không cất đi thì cái mới đâu có tới và tương lai đâu có thể rực rỡ được. Thôi thì mình thương, mình nhớ cứ để ở trong tim nghen”.

Trương Quốc Phong